Đề xuất thành lập Cục Đường cao tốc Việt Nam

(PLO)- Bộ GTVT đề xuất tách Tổng cục Đường bộ thành Cục Đường bộ và Cục Đường cao tốc, ngoài ra sẽ sắp xếp lại một số đơn vị thuộc cấp cục, vụ.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Để tinh gọn bộ máy tổ chức theo chỉ đạo của Thủ tướng và Bộ Nội vụ, Bộ GTVT vừa trình Chính phủ dự thảo nghị định quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của mình. Đáng chú ý, bộ này đề xuất bỏ Tổng cục Đường bộ Việt Nam (VN) cùng một số phòng, vụ. Theo dự thảo nghị định thì cơ cấu của Bộ GTVT giảm từ 27 đầu mối xuống còn 23 đầu mối trực thuộc bộ, so với Nghị định 12/2017.

Sắp tới, các tuyến cao tốc sẽ do Cục Đường cao tốc Việt Nam quản lý. Trong ảnh: Trạm thu phí thuộc tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Ảnh: V.LONG

Sắp tới, các tuyến cao tốc sẽ do Cục Đường cao tốc Việt Nam quản lý.

Trong ảnh: Trạm thu phí thuộc tuyến cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Ảnh: V.LONG

Sáp nhập nhiều cơ quan tham mưu

Bộ GTVT đề xuất hợp nhất Vụ Khoa học - Công nghệ với Vụ Môi trường thành Vụ Khoa học - Công nghệ và Môi trường. Lý do là hai vụ này tương đối gần gũi, gắn bó mật thiết với nhau nên cần tổ chức lại thành một đầu mối. Ngoài ra, Vụ Môi trường đang được giao 13 biên chế công chức, không đáp ứng tiêu chí để duy trì một vụ độc lập.

Bộ GTVT cũng đề xuất giải thể Vụ An toàn giao thông và chuyển nhiệm vụ an toàn giao thông liên quan đến công tác quản lý kết cấu hạ tầng về Vụ Kết cấu hạ tầng giao thông; chuyển nhiệm vụ liên quan đến vận tải về Vụ Vận tải. Bộ đề xuất sáp nhập Vụ Đối tác công - tư (PPP) vào Vụ Kế hoạch - Đầu tư. Vì hiện nay việc đầu tư chủ yếu có hai hình thức là đầu tư công và PPP nhưng hai hình thức này chỉ khác nhau một số nội dung ở bước chuẩn bị đầu tư.

Đối với Vụ Quản lý doanh nghiệp, Bộ GTVT cho biết hiện chỉ còn quản lý bảy doanh nghiệp nhà nước nhưng có ba tổng công ty tiếp tục duy trì mô hình là công ty TNHH một thành viên, Nhà nước nắm giữ 100% vốn. Còn Công ty Cơ khí ô tô và thiết bị điện Đà Nẵng (DAMCO) và Tổng công ty Công nghiệp tàu thủy (SBIC) sẽ tái cơ cấu theo kết luận của Thủ tướng, Bộ Chính trị. Đây là vấn đề phức tạp, việc xử lý phải có lộ trình và thực hiện trong thời gian dài.

Vì vậy Bộ GTVT cho rằng cần duy trì Vụ Quản lý doanh nghiệp là đầu mối chủ trì, tham mưu lãnh đạo bộ giải quyết các vấn đề liên quan đến doanh nghiệp nhà nước, sau cổ phần hóa và sắp xếp doanh nghiệp. Sau khi hoàn thành việc tái cơ cấu các doanh nghiệp thuộc SBIC, Bộ GTVT sẽ nghiên cứu sắp xếp đơn vị này.

Bộ GTVT cũng thực hiện bỏ Phòng thống kê - tổng hợp thuộc Vụ Kế hoạch - Đầu tư. Đối với sáu cục trực thuộc, Bộ GTVT chỉ đổi tên Cục Quản lý xây dựng và chất lượng công trình giao thông thành Cục Quản lý đầu tư xây dựng để cho ngắn gọn.

Bộ GTVT cũng đề xuất tạm thời giữ Cục Y tế GTVT để thực hiện thủ tục bàn giao 16 cơ sở y tế về địa phương quản lý…

Hiện Văn phòng Chính phủ đang lấy ý kiến thành viên Chính phủ về các đề xuất của Bộ GTVT.

Lý do bỏ Tổng cục Đường bộ

Đối với việc “xóa” Tổng cục Đường bộ được dư luận quan tâm thời gian qua, Bộ GTVT cho rằng theo ý kiến của Bộ Nội vụ thì bộ thiếu một tiêu chí thành lập tổng cục, nên phải xem xét, tổ chức lại. Bởi bộ này có phân cấp địa phương về quản lý, bảo trì hệ thống đường tỉnh, đường đô thị, đường huyện, đường xã.

Theo đó, Tổng cục sẽ tách thành hai cục là Cục Đường bộ VN và Cục Đường cao tốc VN, để tăng đầu mối cấp cục. Bộ GTVT cho rằng nếu xét tổng thể số lượng đầu mối tổ chức trực thuộc bộ thì cơ cấu tổ chức của bộ tại dự thảo nghị định giảm năm đầu mối (bốn đầu mối cấp vụ, một đầu mối cấp cục).

Ngoài ra, việc tổ chức lại Tổng cục Đường bộ VN sẽ giảm năm cục trực thuộc tổng cục. Đối với các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Tổng cục Đường bộ VN hiện nay, về cơ bản sẽ chuyển nguyên trạng về trực thuộc Cục Đường bộ VN. “Như vậy, nếu tính tổng thể thì số lượng đầu mối không tăng lên mà giảm đi…” - Bộ GTVT cho hay.

Cục Đường bộ VN cũng sẽ tiếp tục thực hiện những nhiệm vụ, quyền hạn của Tổng cục Đường bộ VN hiện nay. Về cơ cấu tổ chức, cục này có bảy phòng tham mưu giúp việc cho cục trưởng. Nhân sự được điều động từ các cơ quan, đơn vị thuộc Tổng cục Đường bộ VN trên cơ sở vị trí việc làm, khối lượng công việc tương ứng.

Với Cục Đường cao tốc VN, nhiệm vụ là tham mưu, quản lý đường cao tốc, đồng thời thực hiện khai thác một số tuyến đường bộ cao tốc được giao quản lý và có Trung tâm Kỹ thuật và điều hành giao thông đường bộ cao tốc…

Hiện Văn phòng Chính phủ đang lấy ý kiến thành viên Chính phủ về các đề xuất của Bộ GTVT.•

Quan điểm của Bộ Nội vụ và Bộ Tư pháp

Cơ quan được giao chủ trì việc tinh gọn bộ máy là Bộ Nội vụ cho ý kiến bằng văn bản là đồng tình với đề xuất nêu trên của Bộ GTVT. Bộ Nội vụ cũng đồng ý tiếp tục duy trì năm đơn vị sự nghiệp công lập, gồm Viện Chiến lược và phát triển giao thông vận tải, Trường Cán bộ quản lý GTVT, Trung tâm Công nghệ thông tin, báo Giao Thông và tạp chí GTVT.

Về phía cơ quan thẩm tra là Bộ Tư pháp cho rằng để tránh ách tắc trong việc giải quyết thủ tục hành chính cho người dân, doanh nghiệp khi các văn bản pháp luật có liên quan chưa được sửa đổi, bổ sung thì điều khoản chuyển tiếp phải được thể hiện ngay trong dự thảo nghị định. Phản hồi, đại diện Bộ GTVT cho biết dự thảo nghị định đã quy định Cục Đường bộ VN, Cục Đường cao tốc VN kế thừa toàn bộ nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm pháp lý của Tổng cục Đường bộ VN theo phân công, phân cấp, ủy quyền của bộ trưởng Bộ GTVT cho đến khi cấp có thẩm quyền ban hành hoặc sửa đổi, bổ sung các quy định của pháp luật có liên quan…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm