Chuyên gia hiến kế chống xói lở bờ biển ở Miền Trung

(PLO)- Miền Trung đang đối mặt với hiện tượng thời tiết ngày càng cực đoan. Bờ biển nhiều nơi bị xâm thực, các đô thị ven biển ngập lụt chưa từng có.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chưa bao giờ bờ biển miền Trung lại bị sóng xé tan hoang như hiện nay. Nhà dân bị cuốn sập, bờ kè và công trình bị đánh vỡ vụn. Các đô thị như TP Quảng Ngãi, TP Tam Kỳ, TP Huế, TP Đông Hà ngập lũ khi mưa lớn.

Đặc biệt, TP Đà Nẵng đã phải chịu trận lũ lịch sử ngày 14-10 khiến nhà dân bị ngập sâu chưa từng thấy, tài sản và xe cộ bị nhận chìm, người dân chết đuối ngay trong nhà. Nguyên nhân nào dẫn đến hiện tượng trên và các địa phương miền Trung cần làm gì để ứng phó? Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với PGS-TS Vũ Thanh Ca, giảng viên cao cấ, ĐH TN&MT Hà Nội, để trả lời câu hỏi trên.

Bờ biển dốc, trường sóng mạnh

. Phóng viên: Hiện tại bờ biển miền Trung đang bị sạt lở rất nghiêm trọng, điều gì đã dẫn đến tình trạng trên, thưa PGS-TS?

+ PGS-TS Vũ Thanh Ca: Xói lở và bồi tụ là một trong những thiên tai nặng nề nhất ở dải ven biển, gần đây đang có xu thế tăng lên trên toàn bộ dải ven biển Việt Nam và để lại những hậu quả lâu dài.

Đối với vùng biển có địa hình khá mở như miền Trung, quá trình xói lở bờ biển tại khu vực này gây ra bởi sự kết hợp giữa dòng vận chuyển cát theo hướng vuông góc với bờ và dòng vận chuyển cát dọc bờ. Tại vùng biển này, xói lở mạnh mẽ xảy ra vào mùa đông. Khi đó, trường sóng mạnh trong gió mùa đông bắc cộng với nước biển dâng ven bờ do kết hợp giữa tác động của gió và sóng vỡ đã gây ra xói lở.

Sau khi bị xói lở, cao độ của bờ biển bị giảm một cách rất đáng kể. Sau những đợt sóng lớn triều cường, vào mùa hè, sóng lừng từ ngoài khơi truyền vào sẽ mang cát từ khu vực bồi trở lại vào bờ. Vì mặt bãi ngay sát bờ rất dốc và một lượng cát đã bị mất mát do dòng vận chuyển dọc bờ và ra các độ sâu lớn, quá trình bồi lấp tự nhiên này không thể khôi phục bờ biển trước khi xói. Thông thường, lượng cát mất đi sẽ được các sông đưa ra biển.

Tuy nhiên, hiện nay do có quá nhiều đập thủy điện, thủy lợi được xây dựng ở thượng nguồn, lượng bùn cát do sông mang ra biển rất ít, không đủ bù đắp lượng bùn cát mất đi. Đó là lý do sau mỗi mùa đông sóng lại lấn dần vào bãi và khu vực bờ biển miền Trung ngày càng bị mất đất.

Kế sách cho miền Trung

.Vậy các địa phương miền Trung cần làm gì để hạn chế tình trạng biển “ngoặm” vào bờ, uy hiếp nhà dân và các công trình ven biển như hiện nay?

+ Để hạn chế quá trình xói lở, bảo vệ bãi biển, cần nghiên cứu kỹ quy luật vận chuyển cát gây xói lở. Như đã trình bày ở trên, trường sóng gần bờ lan truyền vào bờ theo hướng xiên góc với bờ sẽ gây ra dòng vận chuyển cát dọc bờ. Như vậy, một khu vực bờ biển sẽ bị mất cát và xói lở.

Bãi biển Cửa Đại, TP Hội An bị sóng biển đánh trơ cả gốc dừa, có những đoạn bị ăn sâu tới 5-10 m. Ảnh: NGÔ QUANG

Bãi biển Cửa Đại, TP Hội An bị sóng biển đánh trơ cả gốc dừa, có những đoạn bị ăn sâu
tới 5-10 m. Ảnh: NGÔ QUANG

Tuy nhiên, khi bờ biển chúng ta có các mỏm đá (hoặc công trình - PV) ở hai bên bờ biển sẽ ngăn trường sóng lan truyền theo hướng xiên góc với bờ, từ đó tạo ra trường sóng lan truyền theo hướng vuông góc với bờ tại khu vực bãi. Trường sóng này sẽ không tạo ra dòng vận chuyển cát dọc bờ mà chỉ tạo ra dòng vận chuyển cát theo hướng vuông góc với bờ. Kết quả là các bãi biển giữa hai mỏm đá không bị mất cát và luôn ở trạng thái ổn định. Trên thế giới, các bãi biển ổn định giữa hai mỏm đá được gọi là “bãi biển dạng túi” hoặc “bãi biển dạng trăng lưỡi liềm”.

Để bảo vệ bờ biển, chống xói lở, phải ngăn chặn hiện tượng mất cát tại bãi. Phương pháp thông thường là xây dựng các kè cứng tại bờ biển. Thế nhưng việc xây dựng các kè biển tại bãi không những làm mất cát mà còn tạo sóng phản xạ, gây gia tăng trường sóng vận chuyển cát và xói lở tại bờ.

Các kết quả nghiên cứu trên thế giới đã chỉ ra rằng bãi cát có khả năng làm tiêu tán từ 80% tới 95% năng lượng sóng, trong khi các kè biển chỉ có khả năng tiêu tán 40%-60% năng lượng sóng. Nếu xây dựng các kè biển, vào mùa đông, do độ sâu nước tăng lên, độ cao sóng cũng tăng lên đáng kể và tác động gây xói chân kè nhiều hơn.

Từ các thí dụ trên, có thể thấy giải pháp hữu hiệu nhất để chống xói lở, bảo vệ bờ biển là xây dựng các công trình ven bờ biển để làm biến đổi trường sóng biển, ngăn dòng vận chuyển cát dọc bờ. Trên thế giới đã có nhiều ví dụ về các công trình như thế này. Công trình thứ nhất là công trình lấn biển của Singapore. Hay xây theo kiểu chữ T tại bờ biển Chiba (Nhật Bản) cũng rất hiệu quả.

. Xin cám ơn ông.•

Đà Nẵng cần làm ngay điều này

Theo PGS-TS Vũ Thanh Ca, lượng mưa tại Đà Nẵng vừa qua đã vượt mức thiết kế của hạ tầng thoát nước nhiều lần. Do vậy, ngập lụt xảy ra là đương nhiên. Các kết quả nghiên cứu trên thế giới và ở Việt Nam cho thấy dưới tác động của biến đổi khí hậu, càng ngày sẽ càng có nhiều trận mưa với cường độ lớn hơn và thời gian mưa ngắn hơn.

Đà Nẵng ngập lụt nhấm nhìm xe cộ, tài sản và nhiều nhà dân bị ngập sâu chưa từng có. Ảnh: HH

Đà Nẵng ngập lụt nhấm nhìm xe cộ, tài sản và nhiều nhà dân bị ngập sâu
chưa từng có. Ảnh: HH

Để giảm ngập lụt và thiệt hại ngập lụt cho tương lai, việc ngay lập tức nâng cấp toàn bộ cơ sở hạ tầng thoát nước là không khả thi. Đà Nẵng nên rà soát, tính lại và xây dựng lại bản đồ rủi ro ngập lụt cho toàn TP trên cơ sở các số liệu mới nhất, đặc biệt số liệu của mấy trận mưa vừa qua. Ngoài ra, cần nâng cao chất lượng dự báo thời tiết, cảnh báo ngập lụt và tuyên truyền. Cần tổ chức tốt công tác phòng chống ngập lụt và tác hại của ngập lụt cho người dân.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm