Trong vòng một tháng (từ ngày 24-7 đến 24-8), TAND tỉnh Hậu Giang đã ba lần đưa ra xét xử sơ thẩm vụ án lừa đảo và lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt 70 tỉ đồng xảy ra tại Quỹ tín dụng nhân dân (TDND) Hậu Giang nhưng đều phải hoãn vì vắng bị cáo đầu vụ.
Các bị cáo gồm: Lê Hữu Tâm (nguyên chủ tịch HĐQT), Bùi Chí Linh (nguyên phó giám đốc Quỹ tín dụng), Nguyễn Thiện Hồng (nguyên giám đốc Quỹ tín dụng) và Phan Văn Tập (nguyên giám đốc Công ty TNHH MTV Thiện Quỳnh Kiên Giang).
Trước đó, TAND tỉnh Hậu Giang hai lần đưa vụ án ra xét xử đều phải hoãn lại với lý do bị cáo phải nhập viện điều trị. Trước tình hình, tòa buộc phải áp dụng biện pháp áp giải bị cáo Tâm đến tòa để đảm bảo công tác xét xử.
Đến ngày 24-8, TAND tỉnh Hậu Giang tiếp tục đưa vụ án ra xét xử, ba bị cáo Linh, Hồng, Tập đều có mặt tại tòa. Khi lực lượng cảnh sát tư pháp đến nơi cư trú của Tâm để thực hiện biện pháp áp giải thì địa phương cho biết Tâm đã “biến mất” khỏi nơi cư trú (cả ở Cần Thơ và TP.HCM). Bên cạnh đó, đại diện hợp pháp của Quỹ TDND trước đây là bà Trần Ngọc Diễm Tiên (thủ quỹ Quỹ TDND Hậu Giang) có đơn xin từ chối tham gia tố tụng vì lý do người này đã nghỉ việc tại Quỹ TDND từ năm 2016.
Trước đây, vào tháng 5-2016, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Hậu Giang đã có quyết định chỉ định bà Diễm Tiên giữ chức danh chủ tịch Hội đồng quản trị kiêm giám đốc của Quỹ TDND. Đến tháng 8-2016, Ban kiểm soát đặc biệt, Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Hậu Giang đã thống nhất chấp nhận cho bà Diễm Tiên nghỉ việc.
Vì thế, HĐXX đã quyết định hoãn phiên tòa và ra lệnh bắt tạm giam đối với bị cáo Tâm. Đồng thời, đề nghị Quỹ TDND cử người đại diện hợp pháp tham gia tố tụng. Vụ án sẽ được đưa ra xét xử khi lực lượng công an bắt tạm giam bị cáo Tâm.
Tuy nhiên, không ai biết được bị cáo Tâm đã đi đâu, khi nào cơ quan công an mới bắt được bị cáo và bao giờ vụ án mới được xét xử lại. Điều này khiến cho những người tham gia tố tụng khác rất phiền phức, mất thời gian.
Trao đổi về trường hợp này, luật sư Trần Nguyễn Duy Thăng (Văn phòng luật sư Trần Thanh Phong, cũng là luật sư bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho bị cáo Nguyễn Thiện Hồng) cho rằng: “Căn cứ vào diễn biến của vụ án, bị cáo đầu vụ sau khi phạm tội đã tìm mọi cách trốn tránh việc xử lý của pháp luật và gây khó khăn rất nhiều cho hoạt động xét xử. Đây đã là lần thứ ba mở phiên tòa sơ thẩm nhưng bị cáo Tâm vẫn không có mặt tại phiên tòa theo giấy triệu tập... Do đó, không thể nào áp dụng biện pháp tạm giam được mà phải căn cứ vào quy định tại Điều 9 Thông tư liên tịch 13/2012/TTLT-BCA-BTP-VKSNDTC-TANDTC hướng dẫn quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự và Luật Thi hành án hình sự về truy nã, HĐXX sẽ ra quyết định tạm đình chỉ vụ án và yêu cầu cơ quan điều tra đã thụ lý vụ án truy nã bị cáo.
Còn theo luật sư Nguyễn Văn Đức, Văn phòng luật sư Vạn Lý, tòa cần phải xem xét hai trường hợp: Trường hợp thứ nhất, nếu bị cáo cố tình cản trở hoạt động xét xử nhưng chưa bỏ trốn thì tòa có thể thay đổi biện pháp từ bảo lãnh tại ngoại sang biện pháp bắt tạm giam.
Trường hợp thứ hai, nếu bị cáo có dấu hiệu bỏ trốn khỏi địa phương thì tòa yêu cầu cơ quan điều tra thụ lý vụ án ra quyết định truy nã bị cáo. Bên cạnh đó, nếu xét thời gian đưa vụ án ra xét xử đã quá hạn thì tòa trong quyền hạn của mình có thể ra quyết định tạm đình chỉ vụ án...