Trong hai ngày 26, 27-6, sự kiện VIAC SYMPOSIUM 2024 đã được tổ chức với chủ đề “Thương mại và đầu tư xuyên biên giới trong thời kỳ kinh tế biến động: Tranh chấp và Trọng tài”,
Ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam (VIAC) cho biết những năm qua, hoạt động thương mại và đầu tư của Việt Nam ra nước ngoài đóng góp tích cực cho phát triển kinh tế.
Nông sản, ngành hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam gia tăng cả về số lượng và giá cả tăng mạnh. Hoạt động đầu tư ra nước ngoài đều đặn có lợi nhuận chuyển về nước cho thấy doanh nghiệp Việt Nam vươn ra biển lớn, góp phần thu ngoại tệ về cho đất nước, góp phần vào cán cân thanh toán quốc gia, ổn định tiền tệ quốc gia.
Cơ hội đi kèm với rủi ro
Cơ hội lớn cũng đi kèm với rủi ro tranh chấp xuyên biên giới. Ông Vũ Tiến Lộc cho rằng doanh nghiệp cần có những bộ kỹ năng cần thiết để phòng ngừa, quản lý rủi ro pháp lý, xử lý tranh chấp trong kinh doanh khi hàng hóa Việt Nam, doanh nghiệp Việt Nam “đem chuông đi đánh xứ người”.
Chia sẻ cụ thể hơn, ông Vũ Văn Chung, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ KH&ĐT, cho biết tính đến nay, Việt Nam có 1.733 dự án đầu tư ra nước ngoài, đầu tư tại 81 quốc gia/vùng lãnh thổ, tổng vốn hơn 22 tỉ USD.
Trước đây, đầu tư ra nước ngoài chủ yếu ở các quốc gia có điều kiện cơ chế chính sách tương đồng Việt Nam…. Khoảng 5 năm nay, hoạt động đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt dần mở rộng sang các nước phát triển, đặc biệt là Nhật Bản, Hàn Quốc, Mỹ, EU, Úc, Singapore…
Hiện Việt Nam đã ký kết với gần 80 quốc gia/vùng lãnh thổ về hiệp định khuyến khích và bảo vệ đầu tư; khoảng 80 quốc gia/vùng lãnh thổ về hiệp định tránh đánh thuế 2 lần. Đây là 2 nội dung rất quan trọng để bảo vệ, bảo hộ cho hoạt động đầu tư ra nước ngoài của doanh nghiệp Việt.
Tuy nhiên, theo ông Vũ Văn Chung, nhiều doanh nghiệp chưa quan tâm đúng mức tới việc nghiên cứu, tìm hiểu cơ chế, chính sách pháp luật của thị trường quốc tế, dễ gặp phải rủi ro pháp lý.
Ông Chung khuyến nghị doanh nghiệp Việt cần phải nắm chắc các vấn đề pháp lý, đặc biệt, doanh nghiệp cần cẩn trọng khi đầu tư sang những địa bàn có điều kiện kinh tế khó khăn, nền tảng pháp lý chưa thực sự tốt. Có trường hợp kiện ra tòa cũng không giải quyết được vì người bị kiện không có khả năng đáp ứng yêu cầu, thậm chí không có cơ chế để buộc họ phải tuân thủ phán quyết.
Xử lý tranh chấp bằng trọng tài kinh tế
Tại sự kiện PGS. TS. Phạm Duy Nghĩa, Giám đốc Chương trình Chính sách công, Đại học Fulbright Việt Nam, chỉ ra 3 vấn đề quan trọng để phòng ngừa rủi ro tranh chấp xuyên biên giới.
Đó là doanh nghiệp phải tuân thủ các quy định pháp luật và thông lệ của nước sở tại. Đồng thời tích cực tham gia cả quá trình xây dựng chính sách, gây thiện cảm với các thể chế chính trị ở đó. Cuối cùng, doanh nghiệp cần lưu ý tạo nên liên minh tại thị trường ngoại để bổ khuyết những khía cạnh doanh nghiệp mình còn thiếu.
Doanh nghiệp lớn khi đầu tư ra nước ngoài phải có bộ phận pháp chế, chịu trách nhiệm xác định các loại rủi ro, đo lường rủi ro, đưa ra những giải pháp, thiết lập thể chế thực thi, giám sát quá trình quản trị rủi ro… Những vấn đề nhóm pháp chế doanh nghiệp bị giới hạn bởi tầm nhìn và kỹ năng, nên thuê các công ty luật chuyên nghiệp.
Còn theo ông Vũ Ánh Dương, Tổng thư ký VIAC, khi đầu tư ra nước ngoài, doanh nghiệp cần nghiên cứu và cân nhắc lựa chọn cơ chế tài phán để bảo vệ mình trong trường hợp có rủi ro tranh chấp.
“Trọng tài kinh tế là cơ chế đảm bảo thực thi hợp đồng hiệu quả và tối ưu vì những ưu điểm như phán quyết trọng tài có giá trị chung thẩm, các bên không phải trải qua nhiều vòng xét xử” – ông Vũ Ánh Dương cho biết.
Doanh nghiệp nếu muốn giải quyết tranh chấp bằng trọng tài kinh tế thì cần đưa thỏa thuận trọng tài vào hợp đồng và phải chỉ rõ tên tổ chức trọng tài hoặc hình thức trọng tài. Các doanh nghiệp có thể sử dụng điều khoản trọng tài mẫu của các trung tâm trọng tài.
Theo ông Dương, trong giai đoạn 1993-2023, VIAC tiếp nhận 2.940 vụ tranh chấp với tổng giá trị tranh chấp hơn 2,7 tỉ USD, tương đương hơn 63.000 tỉ đồng.
Trong đó, hơn 46% tranh chấp trong nước, còn lại là tranh chấp có ít nhất một bên là DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) hoặc một bên là DN nước ngoài.
Từ năm 1995, Việt Nam là thành viên của Công ước New York 1958 công nhận và cho thi hành phán quyết trọng tài nước ngoài. Với 170 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia Công ước, phán quyết trọng tài được công nhận và thi hành toàn cầu.