Hãng Channel News Asia dẫn nhận định của các chuyên gia bên lề kỳ họp Đại hội đồng Liên Hợp Quốc ngày 27-9 cảnh báo rằng sẽ có nhiều đại dịch hơn nữa xảy ra nếu chúng ta không huy động nhiều nguồn lực hơn nhằm ngăn chặn sự lây lan của virus từ động vật sang người.
Cảnh báo trên được đưa ra trong cuộc thảo luận trực tuyến được tổ chức hôm 27-9 với sự tham gia của các nhà lãnh đạo chính phủ, y tế và môi trường.
Cuộc thảo luận được tổ chức sau khi một nhóm chuyên gia do ĐH Harvard mới đây công bố một báo cáo về khoa học phòng chống đại dịch.
Chuyên gia: Sẽ có thêm đại dịch nữa xảy ra, nếu... Ảnh: ISTOCK
Đánh giá về việc các đại dịch trong tương lai có thể được ngăn chặn với chi phí tương đối tối thiểu so với chi phí cực kỳ lớn mà thế giới đang đối mặt vì đại dịch COVID-19 hiện nay, báo cáo đưa ra các khuyến nghị tập trung vào việc bảo tồn rừng, giải quyết nạn buôn bán và tiêu thụ động vật hoang dã cũng như cải thiện an toàn sinh học cho vật nuôi.
Theo báo cáo, các bệnh lây truyền được đánh giá là dễ lây lan hơn từ động vật hoang dã, thường là qua động vật nuôi, khi con người tiếp xúc gần hơn với chúng.
Đó có thể là kết quả của việc phá rừng, thay đổi mục đích sử dụng đất, săn bắt hoặc nạn buôn bán các loài hoang dã.
Trong khi nạn buôn lậu động vật hoang dã được báo cáo là đã giảm đáng kể trong đại dịch COVID-19, Văn phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC) đã cảnh báo rằng các mạng lưới buôn lậu đang có dấu hiệu bùng phát trở lại khi các biên giới quốc tế mở ra, trong đó có khu vực Đông Nam Á.
Channel News Asia dẫn lời nhà hoạt động môi trường đồng thời là diễn giả chính của sự kiện - Tiến sĩ Jane Goodall - cảnh báo rằng nhân loại cần khẩn trương điều chỉnh lại mối quan hệ với thế giới tự nhiên.
“Sức khỏe và phúc lợi của chúng ta có mối liên hệ chặt chẽ với sức sống của môi trường chúng ta đang sống" - bà Goodall cho hay.
“Đại dịch COVID-19 xảy ra do sự tàn phá không ngừng của chúng ta đối với thế giới tự nhiên và việc khai thác các loài động vật hoang dã và động vật nuôi. Chúng ta đã tạo điều kiện cho phép mầm bệnh lây lan từ động vật sang người một cách tương đối dễ dàng" - bà Goodall nhấn mạnh.
“Các nhà khoa học đã cảnh báo chúng ta về khả năng xuất hiện những đại dịch không thể tránh khỏi như COVID-19 trong nhiều năm. Than ôi, chúng ta đã không nghe, giờ chúng ta phải trả giá” - bà Goodall bày tỏ.
Mối liên hệ giữa "mẹ thiên nhiên" và con người
Theo Channel News Asia, các chuyên gia đồng ý rằng các khoản đầu tư vào việc ngăn chặn dịch bệnh cũng như phát triển vaccine là không đủ đáp ứng cho một vấn đề có thể tiếp tục tái diễn trong tương lai.
Tiến sĩ Nigel Sizer - đồng sáng lập của Liên minh Ngăn chặn Đại dịch tại Nguồn - cho biết: “Giải pháp công bằng và đạo đức nhất để chuẩn bị cho các đại dịch trong tương lai là ngăn chặn chúng hoàn toàn, ngăn chặn chúng tại nguồn; để ngăn chặn sự lây lan của virus từ động vật sang người, vốn là nguồn gốc của tất cả các đại dịch trong thế kỷ trước”.
Báo cáo của Harvard cho thấy chỉ 4 tỉ USD được chi hàng năm trên toàn thế giới cho các hoạt động ngăn chặn nguồn gốc dịch bệnh, một phần rất nhỏ trong số 11.000 tỉ USD ước tính mà COVID-19 đã gây ra cho nền kinh tế toàn cầu.
Một phụ nữ suy sụp khi cầu nguyện trước lễ hỏa táng của một người thân đã tử vong vì COVID-19 ở Gauhati, Ấn Độ. Ảnh: AP / ANUPAM NATH
Theo Tiến sĩ Aaron Bernstein - giám đốc Trung tâm Khí hậu, Sức khỏe và Môi trường Toàn cầu tại ĐH Harvard, khoản chi từ 22 tỉ đến 31 tỉ USD có thể “tạo ra sự chuyển biến”.
“Thách thức mà chúng ta gặp phải là việc nhận ra rằng 1 USD chi cho việc bảo tồn thiên nhiên là 1 USD chi cho việc bảo tồn chính chúng ta" - ông Bernstein cho hay.
Trong khi đó, cựu Thủ tướng New Zealand Helen Clark nhấn mạnh tầm quan trọng của việc thiết lập mối liên hệ chặt chẽ giữa biến đổi khí hậu, rừng, môi trường sống của động vật hoang dã và sức khỏe con người, từ đó đưa ra sự thay đổi trong các ưu tiên về chi tiêu.
“Điều này có thể giúp huy động nhiều hỗ trợ hơn trong một loạt các thách thức có thể xảy ra nếu chúng ta giải quyết từng vấn đề một” - bà Clark cho hay.
Theo Channel News Asia, Liên minh châu Âu (EU) cam kết sẽ tăng gấp đôi nguồn tài trợ cho đa dạng sinh học, đặc biệt là ở các quốc gia dễ bị tổn thương.
Ông Per Olsson-Fridh - Bộ trưởng Hợp tác phát triển quốc tế của Thụy Điển – nhấn mạnh sự cần thiết phải “thiết lập lại mối quan hệ của chúng ta” với thiên nhiên, bên cạnh các khoản đầu tư dài hạn và tham vọng bền vững rộng lớn hơn.
“Tất cả chúng ta cần có sự thay đổi về mặt tư duy cũng như sự công nhận rằng việc đảm bảo sức khỏe con người ở điều kiện tốt nhất không chỉ giới hạn ở việc tiếp cận vaccine. Những gì tốt và quan trọng đối với sức khỏe con người cũng có tầm quan trọng thiết yếu đối với hành tinh và sinh quyển của chúng ta” - ông Olsson-Fridh nói.
“Khôi phục mối quan hệ của chúng ta với sinh quyển thông qua hành động với khí hậu và ngăn chặn sự mất mát đa dạng sinh học là một nhiệm vụ cấp bách đối với nhân loại” – ông Olsson-Fridh nhấn mạnh.