Chuyện không đáng để xử hình sự!

Luật gia NGUYỄN THANH LƯƠNG, Hội Luật gia TP.HCM:

Xử vậy sẽ làm người ngay sợ kẻ gian!

Theo thông tin từ báo chí thì rõ ràng anh Trình không có điều kiện khách quan để giải đi. Đó là bắt trộm lúc đêm hôm, phà, đò không có, báo với trưởng ấp không được. Mà cho dù có phà thì phải xem họ có chấp nhận đưa qua sông hay không, bởi người chủ phà cũng không có trách nhiệm buộc phải chở đi vào giờ ấy, trừ khi phải chở người đi cấp cứu.

Cơ quan tố tụng chỉ buộc tội anh Trình giữ người trái pháp luật khi chứng minh được anh có thể giải người trộm cắp ngay nhưng anh không làm.

Theo tôi, trường hợp này nên căn cứ Điều 25 BLHS để miễn trách nhiệm hình sự đối với anh Trình hoặc áp dụng khoản 2 Điều 107 BLTTHS tuyên bố anh không phạm tội. Có như vậy mới thỏa đáng, nhằm khuyến khích xã hội đấu tranh phòng, chống tội phạm. Nếu không, tôi e rằng sẽ khiến người ngay sợ kẻ gian…

Sau nhiều lần bị công an mời lấy lời khai, cha của anh Trình đã treo cổ tự vẫn ngoài vườn nhà. Việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với anh chẳng những không đáng mà còn gây ra nỗi uất ức, làm thiệt hại cả sinh mạng cha anh Trình. Là người cầm cân công lý chân chính, tôi nghĩ ai cũng phải ray rứt về điều này.

Ông LÊ VĂN TRÍ, người dân huyện Chợ Lách, Bến Tre:

Một tiền lệ không tốt cho xã hội!

Chuyện sinh hoạt, đi lại hằng ngày của người dân ở cù lao vốn đã khó khăn, huống gì đêm hôm khuya khoắt làm sao có thể đem trộm đến trình diện chính quyền địa phương ngay khi vừa bắt được. Họ cũng không phải là người am hiểu pháp luật để mà có cách hành xử đúng như ý muốn của mấy ông làm luật. Việc anh Trình bắt được kẻ trộm liền trói lại, đánh đấm vài cái cho hả dạ vì bấy lâu nay từng bị mất trộm nhiều rồi âu cũng là điều khó tránh khỏi. Bản thân người có học luật, làm công tác pháp luật chưa chắc đã kiềm chế được trong tình huống đó.

Cứ cho rằng hành vi của anh Trình là sai thì cũng có đáng bị xử tội hình sự hay không. Vấn đề này ảnh hưởng rất lớn đến nhiều mối quan hệ xã hội về sau, kẻo lại thành tiền lệ không hay để người đi ăn trộm thì ngang nhiên, được pháp luật bảo vệ, còn người bắt trộm như anh Trình thì bị tội. Hình phạt đối với anh là cải tạo không giam giữ, tức là không tù nhưng vẫn tội. Cách xử lý này để lại biết bao hệ lụy cho anh và người thân. Nếu muốn răn đe sao không chọn cách xử lý hành chính để vừa nhắc nhở, vừa khuyến khích toàn dân phòng, chống tội phạm?

Ông PHẠM CÔNG HÙNG, nguyên Thẩm phán TAND Tối cao:

Giữ kẻ trộm chờ giải giao thì không có tội

Tôi không bàn đến chuyện có hay không hành vi trói, kéo lên kéo xuống em K. trên nhánh cây vì vẫn còn những mâu thuẫn trong hồ sơ về lời khai của các bên liên quan, hơn nữa tòa đã khẳng định việc bắt người là đúng. Chỉ nói đến việc giữ người thì tôi cho rằng người bắt trộm đã giữ người đúng pháp luật. Bởi vì sao? Suốt quá trình từ khi bắt kẻ trộm, người bắt đã gọi ngay nhưng không được và buộc phải giữ người lại. Đó là giữ để chờ người có thẩm quyền (đối với người dân quê) là ông trưởng ấp đến giải quyết chứ không phải giữ để hành hạ hay đánh đập. Người dân vùng sâu vùng xa khi hữu sự hay gọi trưởng ấp đến giải quyết cũng là lẽ thường. Ông trưởng ấp ban đầu không nghe máy nhưng khi nghe được đã rất nhanh chóng đến giải quyết ngay.

Bắt được trộm là đáng biểu dương vì hành động dũng cảm, góp phần đấu tranh phòng, chống tội phạm. Bắt được và báo ngay chính quyền là chính xác. Việc chậm trễ là do trưởng ấp ban đêm không cầm máy ngay được, đây là điều ngoài ý muốn của người bắt trộm. Ngay cả công an, khi người dân gặp chuyện gọi báo có khi họ cũng đến rất chậm. Theo tôi, anh Trình không có tội.

Ông Võ Văn Rước, Khu công nghiệp An Nghiệp, tỉnh Sóc Trăng:

Dân phải làm sao để không phạm tội?

Nếu ai từng sống miền Tây thì sẽ thấu hiểu câu “qua sông thì phải lụy đò”. Ở đây, mà đặc biệt là vùng nông thôn thì giao thông không mấy thuận lợi. Cụ thể như nhà bên vợ tôi là một cù lao, từ nhà mà muốn sang khu hành chính thì phải qua mấy cây cầu khỉ và qua con sông lớn, muốn qua sông phải có phà chở.

Trong vụ “Bắt trói kẻ trộm bị khởi tố”, tôi thấy phạt hình sự anh Trình về tội giữ người trái pháp luật là chưa hợp lý. Bởi lẽ nếu ai trong tình cảnh như anh này cũng không làm khác được. Đường đi thì đã khó, số điện thoại công an thì không biết, thế thì phải làm sao ngoài gọi trưởng ấp? Nếu tự dẫn đi thì không có điều kiện. Chỉ còn cách thả trộm ra cho nó về cho rồi để mình khỏi bị tội. Và như thế trộm sẽ càng lộng hành hơn.

Vậy theo các cơ quan điều tra nếu người dân rơi vào tình thế như anh Trình thì phải làm thế nào để vừa thực hiện đúng pháp luật, vừa không bỏ lọt tội phạm?

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm