Chen Shih-Tsung cùng với một trong những thanh bảo kiếm của mình.
Ở tuổi ngoài 60, người đàn ông cao lêu nghêu có mái tóc muối tiêu vẫn còn nhanh nhẹn và hoạt bát. Chen vui vẻ kể về cuộc sống của ông, những đam mê và cả những cơ duyên giúp ông theo đuổi giấc mơ được hòa mình vào các câu chuyện kiếm hiệp ly kỳ, hấp dẫn.
Chen đã làm việc nhiều năm tại một đại lý xe hơi cũ, âm thầm cóp nhặt từng xu. Đồng thời ông cũng tìm đọc vô vàn thư tịch cổ kim với mục đích tìm hiểu một cách kỹ càng, sâu rộng những kỹ nghệ rèn gươm truyền thống.
Khi nghe nói về một cuốn cổ thư, trong đó chứa đựng bí quyết và cả những hướng dẫn cụ thể để tạo ra thanh “thần kiếm vô địch”, ông đã đi khắp Đài Loan và sau đó là Trung Quốc đại lục để cất công tìm kiếm.
Kết quả dĩ nhiên là chẳng có gì đáng nói. Những người cộng sản đã đốt cháy không biết bao nhiêu kinh văn, thư tịch quý báu, trong cuộc Cách mạng Văn hóa của họ. Tuy nhiên đổi lại, Chen cũng đã học hỏi được rất nhiều.
Ông tiếp tục cần mẫn tích cóp cả kiến thức và vốn liếng. Rồi nhiều năm trôi qua, ông bắt đầu thử nghiệm để rèn những thanh kiếm của chính mình.
Lắng nghe câu chuyện của Chen giống như đang bước vào một trong những cuốn tiểu thuyết võ hiệp mà ông từng đọc.
Trong chuyến đi của mình, ông phát hiện ra rằng tất cả những thanh kiếm huyền thoại ngày xưa đều được làm từ thiên thạch. Điều đó bây giờ là không thể. Chưa nói đến việc thứ “đá trời” đó vô cùng hiếm và đắt đỏ, ông cũng không thể hình dung ra làm thế nào mà người xưa có thể nấu chảy chúng ra để rồi rèn thành những lưỡi gươm.
Chen khẳng định rằng những thanh kiếm của ông mang một sức mạnh đặc biệt. Và ông nhận được bí quyết để làm ra chúng từ những “thiên nhân” từng đến thăm ông trong các giấc mơ.
Đó không phải là lần duy nhất ông được gặp “thiên nhân”. Họ thậm chí còn xuất hiện ngay trong xưởng để hướng dẫn cho ông từng li từng tí một. Nhưng lúc đó ông không dám kể với ai, bởi vì theo ông thì tất cả mọi người sẽ đều không tin vào những điều kì lạ đó.
Không giống với các thợ rèn thời cổ chỉ làm ra mỗi thanh bảo kiếm là duy nhất, Chen rèn cùng lúc nhiều thanh, thường là 10. Ông giải thích rằng làm như thế ông có thể tận dụng được tối đa thời gian quý báu, trong khi chờ một lưỡi kiếm nguội đi, ông có thể chuyển sang rèn lưỡi tiếp theo.
Chen sử dụng loại thép đặc biệt chất lượng cao để chế tạo các lưỡi kiếm của mình. Chúng phải cực kỳ cứng, ít nhất là mức 58 nhưng thường lên đến mức 65 trong thang đo độ cứng Rockwell (một đơn vị đo độ cứng kim loại phổ biến của Hoa Kỳ).
Để so sánh, một chiếc lưỡi đục hoặc rìu loại tốt, có độ cứng trong khoảng 40-45 độ Rockwell. Điều đó cho thấy mức độ vượt trội mà những lưỡi kiếm của Chen đạt được. Chúng có thể chặt đôi tảng đá một cách dễ dàng.
Quan trọng nhất để làm nên thanh kiếm tốt, đó là khẩu rèn sắt. Chen phải mất 8 năm trời với muôn vàn thất bại, mới có được bí quyết để đời của mình.
Lưỡi kiếm quý phải đạt được hai tiêu chuẩn tưởng chừng như đối lập nhau: vừa cực kỳ cứng rắn nhưng đồng thời cũng phải thật sự mềm dẻo, linh hoạt (trong khi trò chuyện, Chen đã lấy một thanh kiếm từ trên giá và uốn cong nó đến hơn 60 độ C ngay trước mặt mọi người).
Một nhà xưởng với công nghệ hiện đại có thể dễ dàng sản xuất được lưỡi kiếm rất cứng hoặc rất dẻo, nhưng cả hai thì không. Chính vì thế mà sản phẩm của Chen mới là “kỳ tuyệt” và cũng chẳng bao giờ phải lo giả mạo.
Khi làm kiếm, người ta phải thật sự tĩnh tâm, Chen cho biết. Ông thường ngồi thiền trong khoảng một giờ trước khi bắt tay vào công việc. Ngoài bí quyết về công nghệ rèn đúc, yếu tố con người và sự toàn tâm toàn ý là những điều tiên quyết để tạo nên một thanh kiếm phi thường.
Xưởng rèn của Chen được đặt ở nông thôn, một nơi yên tĩnh và thoáng đãng.
Giống như người nghệ sỹ đang mê đắm trong niềm cảm hứng, ông thường làm việc liên tục suốt 20 tiếng đồng hồ, chỉ dừng lại để ăn uống hay vệ sinh. Thời điểm đó, tất cả tâm trí của ông đều tập trung vào thanh kiếm.
Người thợ rèn dựa hoàn toàn vào “cảm giác của đôi tay” để đạt được độ chính xác đến kinh ngạc cho từng thanh kiếm. Chỉ một sai sót rất nhỏ ở mỗi khâu rèn, đúc hoặc mài, mọi công sức sẽ thành đổ sông đổ biển.
Công đoạn khó khăn nhất là khi mài kiếm. Ngoài việc phải chính xác đến gần như tuyệt đối, quá trình mài sẽ làm cho thanh kiếm nóng lên, nếu không kiểm soát được có thể làm cho thép nở ra, biến dạng và trở nên vô dụng.
Không có một công thức nào để đối phó với sự giãn nở nhiệt trong quá trình mài kiếm. Nó phải dựa hoàn toàn vào kỹ năng và kinh nghiệm của người thợ, những điều chỉ có thể đạt được sau hàng chục năm đúc rút.
Tuy nhiên đó cũng chỉ mới là một nửa của câu chuyện, còn phải qua rất nhiều công đoạn để nó trở thành một thanh bảo kiếm.
Mỗi ngày người thợ đều phải dành hàng giờ để chà xát lưỡi kiếm bằng vải sạch, trong suốt 2-3 năm liên tục. Đến mức nhiệt độ do ma sát gây ra làm thay đổi cấu trúc phân tử của thép, khiến chúng ổn định hơn.
Lưỡi kiếm cũng bắt đầu “lên nước” để trở nên xanh biếc. Và kể từ đây, nó sẽ không bao giờ bị rỉ nữa. Chen lý giải rằng lưỡi kiếm bị rỉ là do nó có những lỗ cực nhỏ trên bề mặt, khiến cho chất thép có thể tiếp xúc với không khí và bị oxy hóa.
Cách duy nhất để bít hoàn toàn những lỗ này là chà xát cho thép nóng lên, khiến cho lượng nhỏ chất nhôm bên trong nóng chảy và thấm ra bề mặt, lấp kín các chỗ hổng trên lưỡi kiếm. Thế mới biết ngay cả việc “lau kiếm” cũng chẳng phải đơn thuần, và phải mất đến nhiều năm.
“Giá trị của một thanh bảo kiếm không bao giờ có thể tính được thành tiền!”, Chen trầm ngâm kết luận. “Nó là một kho tàng vô giá để cho các thế hệ tương lai ngưỡng mộ và trân trọng”.
Theo VTC News