Nhất là các tạp chí văn học dần mai một. Tạp chíHợp Lưu từ ngày chủ biên Khánh Trường bị trọng bệnh phải ngồi xe lăn, chuyển tờ báo cho người khác trông coi, chỉ cầm cự được một thời gian. Tạp chí Văn sau khi chủ biên Nguyễn Xuân Hoàng ngả bệnh rồi mất vài năm trước cũng dần mất tăm!
Hoạt động hội họa thì càng đìu hiu hơn. Những họa sĩ lớp trước, một số người đã mất, số còn lại cũng ít người muốn triển lãm, vì tốn kém nhưng ít khi bán được tranh, nhanh chóng rơi vào quên lãng. Lớp họa sĩ người Việt trẻ thì chưa thấy ai nổi lên. Hôm rồi ghé thăm anh bạn đồng nghiệp Lê Đình Bì - 20 năm trước cùng công tác ở báoThanh Niên - hiện nay là giám đốc đài truyền hình Việt Today, San Jose, California. Trong khi ngồi chờ ở văn phòng đài để anh giải quyết một vài công việc, tôi lật xem tờ tạp chí Nguồn, số đặc biệt về Nguyễn Du, giật mình khi ngay trang bìa đã in sai năm sinh năm mất cụ Nguyễn là 1776-1820! Có lẽ vì vậy nên tôi cũng không bất ngờ khi đọc thư tòa soạn “Nguyễn Du và Truyện Kiều- Bạch hóa những ẩn giấu lịch sử” đã thấy mấy cái lỗi sơ đẳng, cho rằng TS Phạm Trọng Chánh viết “Nguyễn Du viếtTruyện Kiều từ năm 1790 đến khi về Quỳnh Hải cưới vợ năm 1796 đã hoàn tất” là “khó thuyết phục”, vì ông chủ biên Song Nhị nhầm lẫn “Nguyễn Du viết Truyện Kiều vào năm 14 tuổi và hoàn tất năm 20 tuổi”. Thật khó tin khi sai sót sơ đẳng đến vậy mà phê bình văn học!!!
Nhắc tới phê bình văn học tôi lại nhớ nhà phê bình kiêm dịch giả Huỳnh Phan Anh. Ông nổi tiếng từ giữa những năm 1960 khi mới ngoài 20 tuổi với tác phẩm phê bình Văn chương và kinh nghiệm hư vô cùng hàng loạt dịch phẩm văn học Pháp. Và cả kiệt tác Chuông gọi hồn aicủa Hemingway. Ông cùng Nguyễn Xuân Hoàng là hai người khởi xướng thành lập nhóm văn học Đêm Trắng với chủ trương “làm mới văn chương” - khát vọng của một thời tuổi trẻ. Nguyễn Xuân Hoàng đã mất năm 2014. Huỳnh Phan Anh hiện bị bệnh tim, sống ẩn dật ở San Jose. Ông bạn già rất vui khi tôi đến thăm, ông ngậm ngùi bảo rất nhớ Sài Gòn nhưng trái tim mệt mỏi không “cấp phép” nên chưa về được. Hỏi chuyện văn học Việt ở hải ngoại, ông cười bảo mình đã rút lui. Thôi mình nói chuyện khác đi. Rồi chúng tôi uống cùng nhau vài ly bia không cồn trước khi chia tay.
Một nhà thơ già định cư ở Canada từ gần 40 năm, đã nghỉ hưu, biết tôi không thể qua Canada bằng visa nhập cảnh Mỹ, ông lái xe từ Canada sang Seatle, tiểu bang Washington, Hoa Kỳ gặp nhau chỉ để uống ly cà phê tâm sự rồi về. Ông bảo tôi thú vui của ông bây giờ là đi câu cá. Ông rất thương và quý những con cá hồi, dốc hết sức ngược dòng trở về nguồn lạch nơi sinh trưởng, đào cát đẻ trứng rồi sức cùng lực kiệt giãy chết, làm mồi cho gấu và chim. Nhà thơ già bảo ông sẽ bắt chước cá hồi, trở về quê nhà in một tập thơ cuối đời tặng bạn bè rồi có thể sẽ như cá hồi, an nghỉ nơi quê nhà.