Mỗi lần nhấc xe đi làm, chứng kiến cảnh ấy là tôi lại tự hỏi: “Cái gì đã thôi thúc người đàn ông này làm một việc “bao đồng” kéo dài đến vậy? Sao không ngồi ở cái quán cà phê gần đó, tận hưởng cái không khí trong lành của một ngày mới như bao người khác?”.
Để có lời giải đáp, tôi đã tìm đến nhà anh Trương Văn Minh, tên của người đàn ông quét rác. Căn nhà nằm sâu trong con hẻm nhỏ. Sau một hồi gợi chuyện, tôi vào mục đích chính: “Tôi thấy anh có sở thích… quét rác?”. Anh Minh bật cười: “Căn nhà vợ chồng mình đang ở đây là có sự giúp đỡ của quỹ tình thương đó thôi. Tiền thương binh của tôi mỗi tháng cũng được hơn 2 triệu, đó là tiền của nhân dân đóng góp chớ của ai nữa. Để khỏi rấm rức lương tâm, mình thương tật không làm được việc lớn thì làm việc nhỏ khi được hưởng sự ưu ái đó”.
Đã 10 năm nay, ngày nào anh Minh cũng quét rác ở con hẻm này. Ảnh: KIÊM HẠ
Trong câu chuyện, tôi nhìn thấy những tấm giấy khen “Gia đình hiến máu nhân đạo” treo ở chỗ cầu thang lên xuống. Thấy tôi chú ý đến nó, anh vội nói như thanh minh: “Cũng để nhắc nhở các cháu đừng quên giọt máu của mình có thể cứu được một mạng người thôi mà”. Tôi bày tỏ: “Giấy này khen cả gia đình, nghĩa là anh cũng hiến máu nữa à?”. “Dạ, mình phải làm gương trước chứ anh” - “Nhưng anh thương tật thì ai cho hiến máu?”. Tôi hỏi lại.
Giọng anh trở nên sôi nổi: “Đúng, lần đầu tiên trên chiếc chân gỗ tôi đến hiến máu thì bị nhân viên y tế từ chối thật, lúc đó tôi đã nói với họ rằng tôi tuy thương tật nhưng có trái tim khỏe mạnh. Hãy kiểm tra huyết áp và tim mạch cho tôi…”. Anh tâm tình tiếp: “Gần ba năm (1981-1983) tôi cầm súng sang giúp nhân dân Campuchia thoát họa diệt chủng. Trong một lần hành quân tôi đã giẫm phải mìn địch… Tỉnh dậy, thấy mình bị cưa mất một chân và được vị bác sĩ kể rằng: “Cả kíp mổ ai cũng nghĩ anh không qua khỏi vì đang chuẩn bị mổ thì tim anh ngừng đập, huyết áp không đo được do đã mất quá nhiều máu. May là nhờ ngày ấy thương binh ít nên toàn trạm cấp cứu còn sót lại một bịch máu khô duy nhất, đủ giúp cho tim anh đập trở lại”.
Nhấp một ngụm nước trà, giọng anh chùng xuống: “Tôi đã để lại một phần thân thể mình trên đất bạn, dù vậy vẫn còn may mắn hơn những đồng đội tôi đã nằm xuống bên ấy chỉ vì thiếu máu cấp cứu. Sau khi về nước, thấy sức khỏe hồi phục là tôi đi hiến máu ngay. Hiến lần thứ ba thì được nhân viên y tế cho biết hai lần trước máu của tôi đã cứu sống được hai người! Thấy việc mình làm hữu ích, tôi phấn khởi lắm. Từ đó tôi tiếp tục hiến máu và đem điều này tâm tình với vợ và cả với con sau này. Vậy là cả gia đình tôi hân hoan đưa nhau đi hiến máu”.
Từ nhà người quét rác ra về tôi mang theo điều ước rằng giá như tất cả những người đang hưởng lương bằng đồng tiền của nhân dân đóng góp, những người từng chịu ơn nhân dân đều có suy nghĩ như người thương binh này thì hay biết mấy.
TRẦN KIÊM HẠ