Cuối tuần này, Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump sẽ có chuyến đi đến Pháp để tham dự lễ khánh thành Nhà thờ Đức Bà Paris theo lời mời của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. Đây là chuyến đi nước ngoài đầu tiên của ông Trump kể từ khi đắc cử.
Sự xuất hiện của ông Trump tại sự kiện quy tụ nhiều nhân vật tầm cỡ này sẽ đánh dấu sự trở lại hoành tráng của ông trên trường quốc tế.
Thông báo về chuyến đi của Tổng thống đắc cử Trump tới Pháp được đưa ra khi đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden hạ cánh tại Angola cho chuyến công du châu Phi gần như cuối cùng trước khi ông rời nhiệm sở.
Hai chuyến đi dù không liên quan nhưng cho thấy quá trình chuyển giao quyền lực của hai nhà lãnh đạo trên chính trường quốc tế đang bắt đầu, theo đài CNN.
Điểm quan trọng của chuyến thăm
Theo giới phân tích, điều quan trọng nhất trong chuyến đi của ông Trump tới Pháp là chuyến thăm sẽ làm nổi bật tình thế tiến thoái lưỡng nan mà nhiều lãnh đạo châu Âu đang phải vật lộn. Đó là: làm thế nào để ứng xử với một tân tổng thống Mỹ, người chắc chắn sẽ thất thường hơn trên trường thế giới so với nhiệm kỳ đầu đầy biến động của ông.
Ông Trump đã bày tỏ vui mừng khi trở lại chính trường quốc tế sau lời mời của ông Macron. “Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã làm một công việc tuyệt vời để đảm bảo Nhà thờ Đức Bà được khôi phục lại vẻ đẹp hoàn hảo, và thậm chí còn hơn thế nữa. Đây sẽ là một ngày rất đặc biệt đối với tất cả mọi người!” - ông Trump viết trên nền tảng Truth Social.
Chuyến đi sắp tới hội tụ mọi yếu tố mà vị tổng thống đắc cử mong muốn: Cơ hội để trở thành tâm điểm chú ý; sự tôn vinh dành cho một vị khách danh dự; và sự hoành tráng của một sự kiện hứa hẹn thu hút hàng triệu người theo dõi trên toàn cầu.
Bên cạnh đó, lời mời ông Trump sang Pháp cũng phần nào thể hiện những động thái táo bạo và mang tính biểu tượng thường thấy ở Tổng thống Macron. Lời mời là một bước đi chiến lược trong cuộc cạnh tranh không ngừng giữa các cường quốc châu Âu nhằm trở thành đối tác quan trọng nhất của Mỹ bên kia bờ Đại Tây Dương.
Ông Macron từ lâu đã tìm cách khẳng định Pháp là cường quốc dẫn dắt châu Âu, đặc biệt kể từ khi cựu Thủ tướng Đức Angela Merkel - một người từng chống ông Trump mạnh mẽ - nghỉ hưu.
Sự trở lại của ông Trump làm dấy lên lo ngại ở các nước phương Tây, đặc biệt về khả năng ông sẽ từ bỏ Ukraine, đe dọa áp thuế lớn với Liên minh châu Âu (EU) hoặc có biện pháp với các thành viên Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) không đáp ứng chi tiêu quốc phòng tối thiểu.
Trong bối cảnh đó, bằng việc trở thành quốc gia đầu tiên mời ông Trump thăm trước khi ông nhậm chức, ông Macron dường như đã vượt lên trước các quốc gia khác ở châu Âu. Tại châu Âu, Đức - đầu tàu kinh tế EU - đang đối mặt sự sụp đổ của liên minh cầm quyền và chuẩn bị bầu cử sớm vào tháng 2-2025, hầu như không còn đủ sức cạnh tranh.
Còn ở Anh, Thủ tướng Keir Starmer dù vững vàng hơn nhưng phải hành xử cân bằng do đảng Lao động của ông vốn rất không thích ông Trump. Ngoài ra, London cũng thiếu ảnh hưởng ở châu Âu sau khi rời khỏi EU.
Dù vậy, ông Macron cũng đối mặt với nhiều thách thức với nhiệm kỳ thứ hai không mấy suôn sẻ. Theo CNN, lời mời của ông Macron dành cho Trump đầy sự trớ trêu khi được đưa ra trong lúc đảng cực hữu Tập hợp Quốc gia (RN) thân ông Trump đang đe dọa bỏ phiếu bất tín nhiệm Thủ tướng Pháp Michel Barnier - động thái có nguy cơ làm suy yếu thêm vị thế của Tổng thống Macron.
Dự đoán tương lai quan hệ Trump-Macron
Theo CNN, bước đi táo bạo của ông Macron nhằm mở lại mối quan hệ với ông Trump có thể sẽ khơi dậy làn sóng ca ngợi lẫn nhau từ hai nhà lãnh đạo. Nhưng nếu lịch sử lặp lại, tình cảm này khó kéo dài.
Trong nhiệm kỳ đầu, vợ chồng Tổng thống Macron và vợ chồng Tổng thống Trump từng dùng bữa tại nhà hàng Jules Verne trên tháp Eiffel, thì thầm trò chuyện tại lễ diễu hành trong Ngày Quốc khánh Pháp, rồi nắm tay thân thiết tại Nhà Trắng.
Trong Phòng Bầu dục của Nhà Trắng vào tháng 4-2018, ông Trump từng phủi bụi trên vai ông Macron và nói: “Chúng ta phải khiến ông ấy hoàn hảo, vì ông ấy vốn đã hoàn hảo”. Ông Trump thậm chí nói với người dân Pháp: “Ông Emmanuel sẽ đi vào lịch sử như một trong những vị tổng thống vĩ đại của các bạn”.
Tuy nhiên, tình cảm ấy bị rạn nứt phần nào do thái độ của ông Trump đối với châu Âu. Quan hệ giữa hai người xuống dốc trong chuyến thăm của ông Trump tới Pháp vào cuối năm 2018, khi đó, nhà lãnh đạo Mỹ phản ứng gay gắt trước ý tưởng của ông Macron về một quân đội châu Âu.
Ở hiện tại, giới quan sát cho rằng dù ông Trump dường như sẵn sàng cho một khởi đầu mới, nhưng ông Macron - người tự coi mình giống với ông Biden, là người bảo vệ nền dân chủ và là tấm lá chắn chống lại chủ nghĩa dân tộc cực hữu - vẫn chưa phải nhà lãnh đạo châu Âu được tổng thống đắc cử Mỹ yêu thích nhất.
Danh hiệu đó thuộc về Thủ tướng Hungary Viktor Orbán - một vị khách thường xuyên tại dinh thự Mar-a-Lago của ông Trump. “Một số người không thích ông ấy vì ông ấy quá mạnh mẽ. Nhưng có một người mạnh mẽ lãnh đạo đất nước là điều tốt” - ông Trump nói về ông Orbán hồi tháng 1 năm nay.
Dẫu vậy, cả ông Macron và ông Trump đều coi trọng mối quan hệ cá nhân giữa các lãnh đạo, nên có lẽ hai bên vẫn có thể thắp lại ngọn lửa ban đầu.
Trước khi lịch công du Pháp được công bố, ông Trump đề cử ông Charles Kushner - bố chồng của ái nữ Ivanka Trump - làm đại sứ Mỹ tại Pháp.
Với nhiều người, đây có thể bị xem là một sự xúc phạm tới quan hệ ngoại giao lâu đời nhất của Mỹ, khi ông Kushner từng bị kết án trốn thuế và trả thù nhân chứng trước khi được ông Trump ân xá. Tuy nhiên, với người Pháp, vốn nổi tiếng với nghệ thuật ngoại giao khéo léo, động thái này có thể được hiểu như một sự ưu ái khi ông Kushner là thành viên gia đình của Trump, đồng thời có tiếng nói nhất định với ông Trump.
Ông Trump không đợi đến khi nhậm chức mới đưa ra chính sách đối ngoại mới. Hôm 25-11, vị tổng thống đắc cử đã đe dọa sẽ sẽ tăng thuế với hàng Mexico, Canada và Trung Quốc. Động thái này đã khiến Thủ tướng Canada Justin Trudeau vội vã đến bang Florida (Mỹ) để xoa dịu ông.
Hôm 2-12, ông Trump cũng cảnh báo nhóm vũ trang Hamas ở Dải Gaza sẽ “phải trả giá đắt” nếu không thả toàn bộ các con tin Israel trước khi ông chính thức nhậm chức.