Chị Loan và anh Vượng ở phòng trọ - Ảnh: T.L.
Loan hơn Vượng 3 tuổi nên thường gọi Vượng là “cu em”, Vượng gọi Loan là “chị gái”.
Phép nhiệm mầu của tình yêu
"Những ngày này sẽ kéo dài bao nhiêu/ Khi cuộc đời em sắp hết/ Duy chỉ có tình yêu không có hồi kết thúc/ Như bao la trời đất khôn cùng" |
5g30 một buổi sáng cuối thu, anh Vượng chở Loan từ nhà trọ gần bến xe Mỹ Đình vào Bệnh viện Bạch Mai. Bế chị xuống đứng đợi ở sân bệnh viện, anh đi gửi xe rồi trở lại bế chị lên tầng 4 khoa thận nhân tạo. Cho chị ăn sáng, anh đi trải ga giường, lấy kim tiêm, chuẩn bị dụng cụ, lắp máy... Đợi chị được bác sĩ lắp máy chạy thận đâu vào đấy, anh tất tả ghé qua nhà mẹ ruột ở phố Huế (quận Hai Bà Trưng) lấy thức ăn và trông coi mẹ.
11g trưa, anh trở về bệnh viện đón chị và làm những việc quen thuộc: gỡ kim tiêm, băng lại vết tiêm cho chị, thu dọn đồ đạc, bế chị xuống tầng 1, đi lấy xe máy chở chị về nhà. Khi chị đã nằm nghỉ trên giường anh mới đi chợ, nấu cơm, cho chị ăn uống. 13g, anh đưa chị tới công ty rồi trở về bến xe Mỹ Đình mong chạy được vài chuyến xe ôm kiếm tiền. 17g, anh đến công ty đón chị về nhà, lo cơm nước cho chị đâu vào đấy, anh chạy về phố Huế trông coi mẹ. Tối đến, anh lại từ phố Huế về nhà trọ với chị vì không thể để chị một mình.
Hơn năm năm gắn bó với chị Nguyễn Châu Loan, anh Nguyễn Văn Vượng đã làm những việc thường ngày như thế. Họ chưa có một đám cưới, chưa có tờ giấy đăng ký kết hôn, chưa có buổi ra mắt người thân, chỉ có tình yêu và sự cảm thông lớn hơn tất cả. Sau khi được người bạn thân chụp cho một tấm ảnh cưới treo tường, anh chị dọn về sống chung với nhau. Những hi sinh thầm lặng của anh suốt hơn năm năm qua mà khi nhắc lại, chị Loan chỉ biết rớm nước mắt nói: “Mình thương anh quá! Thương mà không biết làm sao, nhiều đêm nằm chỉ biết khóc thầm”...
Loan thương Vượng vì anh là con trai gốc Hà thành cao ráo, đẹp trai. Còn Loan, năm 2003 khi vừa tốt nghiệp Trường đại học Kinh tế quốc dân Hà Nội thì phát hiện mình suy thận giai đoạn cuối. Mọi ước mơ của Loan đổ vỡ với những lần ra vào bệnh viện chạy thận như cơm bữa. Cả gia đình dồn hết tâm sức đưa Loan đi chữa bệnh. Có những lúc Loan yếu quá đi không nổi, gia đình đã đưa Loan về quê chuẩn bị lo hậu sự. Nhưng Loan vẫn sống. Sau hai năm nằm liệt giường, Loan dần khỏe hơn và xin vào làm kế toán cho Trung tâm dạy nghề và tạo việc làm cho thanh thiếu niên khuyết tật Vì Ngày Mai. Ở đó Loan gặp anh Vượng. Càng tiếp xúc với Vượng, Loan càng nhận ra mình thầm thương trộm nhớ “cu em” nhưng không dám nói.
Một buổi tối giữa năm 2008, Loan nhận được tin nhắn của Vượng: “Em muốn làm chú rể của chị suốt cuộc đời, chị đồng ý nhé?’’. “Trò đùa gì thế này”- Loan nghĩ. Chị không tin lời Vượng nói. Chị nghĩ anh không hiểu gì về cuộc sống của chị. Rồi vào đêm trung tâm tổ chức rằm trung thu, Vượng hẹn gặp Loan, anh nắm lấy tay chị và nói “anh muốn chăm sóc cho em đến hết cuộc đời”. Loan ngỡ ngàng không chỉ vì anh đổi ngôi xưng hô, mà còn vì anh nói đã biết sự sống của chị không thể kéo dài, anh biết căn bệnh của chị không thể có phép mầu, anh biết chị không thể cho anh những đứa con... Trong đêm rằm ấy, khi mọi người rộn ràng đốt lửa trại, ở một góc nhỏ họ ôm nhau khóc.
Cuối năm 2008 anh chị dọn về sống chung với nhau. Anh chị không thể đăng ký kết hôn vì chị là hộ độc thân thì mới xin được bảo hiểm người nghèo ở địa phương.
Ánh sáng cuộc đời
Tôi gặp Loan và Vượng trong căn phòng trọ nhỏ của anh chị ở số 117 đường Đình Thôn (Mỹ Đình, Từ Liêm) khi anh vừa đón chị ở công ty về. Bế Loan đặt xuống giường, anh Vượng vội chào khách để về nhà mẹ ruột. Nhìn đôi mắt chồng thâm quầng mệt mỏi, Loan nói: “Mẹ anh bị bệnh tiểu đường, nay lại nằm liệt. Anh ấy phải chia đôi thời gian...”.
Suy thận giai đoạn cuối đã mười năm nay, Loan giờ chỉ cao 1,38m, nặng 29kg, không thể tự đi lại, mọi sinh hoạt cá nhân đều nhờ vào Vượng nhưng lại có sức làm việc bền bỉ và kiên trì. Mỗi thứ hai, tư, sáu Loan làm kế toán tại một công ty ở Hà Đông, cách nhà gần 10km. Mỗi sáng thứ ba, năm, bảy Loan chạy thận ở Bệnh viện Bạch Mai. Chiều thứ ba, năm, bảy chị làm thêm tại một công ty ở Từ Liêm. Mỗi tối và ngày nghỉ, anh đưa chị đi bán tất (vớ) để kiếm thêm thu nhập.
“Nhiều khi nghĩ sống với nhau bao nhiêu năm, mình không làm được gì cho anh. Đôi lúc thấy mình khóc, anh thương quá cũng khóc theo” - Loan rơm rớm nước mắt kể lại. Vượng vốn ít nói về mình và tình yêu của mình dành cho Loan, anh chỉ lặng lẽ làm. Hỏi thì anh chỉ cười bảo “còn sống với nhau được ngày nào thì hạnh phúc ngày đó”. Riêng Loan vẫn miệt mài đi làm và chữa bệnh trên đôi chân của anh. “Sống không chỉ cho mình mà còn cho anh, cho bố mẹ, cho những người đã yêu thương mà quyên góp, giúp mình kéo dài sự sống được đến hôm nay” - Loan cười tươi nói.
Những lúc rảnh Loan làm thơ và đặt tên cho tập thơ của mình là Hoa đời. Trong tập thơ ấy có một bài thơ Loan làm tặng anh và đặt tên là Ánh sáng đời em. Chị viết: “Đi gần hết quãng đời tăm tối/ Chợt lóe lên ánh sáng đường hầm/ Ánh sáng của tình yêu và hi vọng/ Anh là ánh sáng của đời em/... Những ngày này sẽ kéo dài bao nhiêu/ Khi cuộc đời em sắp hết/ Duy chỉ có tình yêu không có hồi kết thúc/ Như bao la trời đất khôn cùng/ Viết cho anh trong một đêm dông/ Mà ấm lòng khi xa cách/ Ngủ nhé anh ơi đừng thức giấc/ Mơ hồng những giấc mơ say”...
Năm 2005, anh Nguyễn Văn Vượng cũng phát hiện mình bị suy thận. Căn phòng trọ ở đường Đình Thôn có hai người bị suy thận, đầy lo lắng nhưng cũng đầy ắp lạc quan và tin yêu mà họ dành cho nhau.
Theo TÂM LỤA (TTO)