Trên mảnh đất Thừa Thiên- Huế thời đánh Mỹ còn có hàng trăm, hàng ngàn “Cu Theo” như vậy. “Tuổi nhỏ, chí lớn” góp công làm nên trang sử quê hương anh hùng.
Trong đánh giặc ngoại xâm tuổi thiếu niên các anh, các chị đã thành dũng sĩ, anh dũng, kiên cường, lớn lên họ càng dạn dày, tận tâm cống hiến và có người đã trở thành anh hùng trong lao động thời kỳ đất nước đổi mới.
Hòa “Cu Theo” ba lần được gặp Bác Hồ
Khi Dũng sĩ diệt Mỹ Nguyễn Văn Hòa (tức Cu Theo) ra Bắc và được gặp Bác Hồ, lúc đó mới vừa 14 tuổi. Khi được hỏi về hoàn cảnh gia đình, Nguyễn Văn Hòa thưa với Bác: Mạ ở nhà trồng khoai, trồng sắn nuôi con và giúp cán bộ, bộ đội trên căn cứ. Ba tập kết ra Bắc đến nay chưa biết tin tức…
Nghe vậy, Bác Hồ quay về phía nhà thơ Tố Hữu và nhắc: “chú nhớ tìm ba cho cu Theo, để hai cha con sớm được gặp nhau…”. Cu Theo được Bác Hồ cho kẹo, tặng sách “người tốt việc tốt” và cả một bông hồng rất tươi. Nhìn các cháu trong đoàn thiếu niên dũng sĩ diệt Mỹ nhỏ tuổi, Bác Hồ động viên các cháu cố gắng chữa bệnh, ăn uống cho mau khỏe để đi học; được cùng Bác đón tiếp khách quốc tế và nghỉ ngơi thoải mái ở nhà sàn của Người.
Chuyện kể, lần đó, thấy xe tụi lính Mỹ chạy ngông nghênh trên đường, Cu Theo đã mưu mẹo nấp ở bên đường, khi xe bọn chúng chạy qua, em đã mạnh tay ném chiếc lon sữa bò lăn lông lốc trước mũi xe địch. Bọn chúng bất ngờ hốt hoảng tưởng là lựu đạn nên loạng choạng tay lái làm xe lăn xuống hố. Hai tên Mỹ và mấy lính ngụy ngồi trên xe thiệt mạng. Lúc đó người thiếu niên dũng cảm, mưu mẹo này mới 14 tuổi. Năm sau, Cu Theo đã diệt được xe tăng Mỹ… với nhiều chiến công. Nguyễn Văn Hòa (Cu Theo) vinh dự ba lần được gặp Bác Hồ. Trước ngày nghỉ hưu Hòa “Cu Theo” là Phó ban Tổ chức Tỉnh ủy Thừa Thiên - Huế.
Từ trái sang, dũng sĩ Võ Phổ, Ngô Nết, Võ Hường, Hồ Văn Mên, Hồ Thị Thu, Nguyễn Văn Hoà và Đoàn Văn Luyện gặp gỡ Bác Hồ và Bác Tôn ngày 1/12/1968 (Ảnh tư liệu).
Những “Cu Theo” chuyện bây giờ mới kể
Ngày tôi vào Bệnh viện Trung ương Huế điều trị tại Khoa Ngoại Thần kinh, mới hay bác sĩ Phó khoa Phạm Miên là con của mẹ Phạm Thị Thiệu ở Quảng Phú, Quảng Điền. Mẹ Thiệu là người mà tôi đã có lần kể đến trong một bài báo về tấm gương dũng cảm, mưu trí bảo vệ, nuôi dưỡng cán bộ cách mạng dưới hầm bí mật ngay trong lòng địch. Cũng giống như Cu Theo, cậu thiếu niên Phạm Miên có “cha đi tập kết nhà nghèo/ sớm hôm mình mẹ chống chèo nuôi con” và hoạt động cách mạng.
Bác sĩ Miên kể: Buổi đó tôi còn nhỏ, nhưng những việc làm của mạ tôi, tôi đều biết hết chớ. Mỗi lần cúng giỗ, mạ tôi mua đồ nhiều lắm. Trong nhà và khách mời có mấy người đâu mà các thứ mua về làm đồ cúng cho cả chục người ăn. Hôm trước cúng, hôm sau đã thấy đồ cúng hết vèo đâu cả. Tôi biết là bà đã bí mật mang đi “tiếp tế” rồi. Sợ tôi còn nhỏ chưa biết chuyện, lỡ miệng là làm lộ bí mật, bà đã gửi tôi về tận dưới biển Thuận An. Mẹ con cách xa, tôi thương mẹ tôi lắm, nhưng biết làm sao được.
Sau lớn thêm chút nữa mẹ đưa tôi về và tôi trở thành liên lạc viên cho mẹ tôi. Nhiều lần địch càn vào làng tra khảo, tôi chỉ biết nghe theo lời mẹ dặn “ba không” (không nghe, không biết, không thấy).
Ngày quê hương giải phóng 26-3-1975, tôi trở thành cán bộ thư ký ủy ban chính quyền cách mạng xã Quảng Phú, sau đó đi học và trở thành bác sĩ cho đến ngày nay”. Nói đến bác sĩ Miên, đồng nghiệp và bệnh nhân ai cũng thán phục về tay nghề và đức độ của người thầy thuốc. Anh cũng là một trong những thầy thuốc có bàn tay vàng ở Bệnh viện Trung ương Huế, đơn vị Anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới.
Cùng hoàn cảnh giống như bác sĩ Miên, anh Lê Sỹ Minh có cha cũng đi tập kết ra Bắc. Mẹ anh là bà Ngô Thị Lài, một cán bộ hoạt động bí mật ở Thủy Phù (Hương Thủy). Tuổi nhỏ Lê Sỹ Minh lang thang theo mẹ đi hết nơi này, chốn nọ bán hàng dạo, nhất là những nơi gần các căn cứ quân sự Mỹ để nắm tin tức.
Căn nhà nhỏ mái tôn gần sát nách chùa Thủy Phù của ba mẹ con (anh Minh có anh trai là Lê Sỹ Sơn, hiện công tác tại Bệnh viện Trung ương Huế) là cơ sở nuôi giấu cán bộ hoạt động bí mật. Lê Sỹ Minh giúp mẹ vẽ lại sơ đồ đồn bốt địch, đậy nắp hầm bí mật, đưa tin, tiếp tế thức ăn, nước uống.
Có lần bọn địch bất ngờ ập vào nhà lục soát. Vì quá bất ngờ nên ông Thuận, một cán bộ biệt phái về làm Bí thư xã Hải Thủy (xã Thủy Phù và Thủy Tân ngày nay) không kịp ra hầm bí mật mà vội trốn vào chiếc tủ đựng áo quần trong nhà. Bọn địch lục soát mở tủ nhưng không thấy, bỏ đi. Hú họa, chiếc tủ được anh em Minh thiết kế làm hai ngăn trước và sau. Khi biết bọn địch mở tủ, ông Thuận đã kịp thoát ra sau làm chiếc tủ rung lên. Bà Lài nhanh trí vờ đến động vào tủ, nên đánh lừa được địch…
Sau ngày giải phóng mẹ Lài và hai anh em Lê Sỹ Sơn, Lê Sỹ Minh được tặng thưởng Huân, huy chương kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Lê Sỹ Minh nguyên là Tổng biên tập Báo Thừa Thiên Huế và nay là Phó trưởng ban Tuyên giáo Tỉnh ủy.
“Cu Theo” cuối cùng trong bài mà tôi muốn nói đến là Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới Nguyễn Hữu Đông
Bà Nguyễn Thị Hoa, kể lại câu chuyện cảm động về mẹ Liệt sĩ, Mẹ VNAH Ngô Thị Chắc đào hầm nuôi cán bộ giữa lòng địch chuẩn bị cho cuộc tấn công nổi dậy Xuân 68. Người cán bộ đó chính là bà, do Khu ủy Trị Thiên điều động về chỉ đạo nằm vùng ở Huế. Bà Hoa có lần tâm sự: Suốt thời gian chống Mỹ, tôi là cán bộ hoạt động nằm vùng địch chiếm đóng. Sống trên mảnh đất cha ông mình, đi trên con đường Huế mình mà phải chui lủi, cải trang, luồn lách, ở hầm, cơm vắt… nếu không có dân đùm bọc, che chở thì không tài nào sống nổi đến ngày hôm nay, chứ đừng nói gì đến thành tích.
Năm 1967-1968, gia đình bà Ngô Thị Chắc và ông Nguyễn Hữu Thu là cơ sở của cách mạng. Lúc đó, hoạt động giúp đỡ cách mạng đã rất gian lao và đặc biệt đào hầm bí mật nuôi giấu cán bộ cách mạng trong nhà tức là đồng nghĩa việc đem mạng sống cả gia đình mình ra thế chấp. Nguyễn Hữu Đông là con trai thứ tư của mẹ Chắc, khi đó mới tuổi 13. Ba anh đầu của Đông đã thoát ly tham gia kháng chiến và hy sinh trong năm 1968.
Gặp nhau ở quán cà phê Rubic, nhắc đến chuyện cũ, vui chuyện anh Đông kể lại: Buổi đó, ở giữa thành phố mà đào hầm, riêng việc đổ đất như thế nào để che mắt được bọn việt gian, thám báo là cả một vấn đề. Hầm đào dưới chuồng heo, miệng hầm ở cạnh bếp. Gia đình hì hục đào suốt ngày đêm. Phát hiện chỗ nào có đất mới vương vãi là tôi có nhiệm vụ đi xúc đất cống rãnh phủ lên.
Hầm đào xong, còn hai cái nắp hầm, chị Hoa đã đề nghị Bí thư Quận Tả Ngạn, nhờ cơ sở bên ngoài làm và cất giấu dưới mương nước có chỉ dấu tiếp giáp giữa hai làng Thanh Thủy Chánh và Lăng Xá Cồn (xã Thủy Thanh - Hương Thủy). Mẹ tôi giả người đi mua rơm về bỏ chuồng heo, lặn lội suốt ba ngày mới tìm ra nơi giấu hai nắp hầm bí mật. Lợi dụng lúc tan chợ đông người mẹ tôi đã gánh hai cái nắp hầm bí mật, bên trên đậy rơm qua mặt được mấy bót gác của địch mang hai nắp hầm về an toàn.
Để hoạt động ban ngày, các cán bộ nằm vùng phải hóa trang đủ thứ. Chị Hoa có lần mang áo chế (áo tang) đi ra khỏi hầm, tôi phải đi mua mấy thứ đồ lễ về cho chị. Có lúc chị mặc áo quần bà ba đóng gái miền Nam ra thăm Huế. Để đón các cán bộ, tôi được giao nhiệm vụ cảnh giới. Chiều đạp xe chạy vòng quanh giả vờ đi mua đồ, kêu người làm ruộng để nắm tình hình. Giao ước nếu có địch mai phục thì trong nhà tôi dùng giấy che đèn trên bàn thờ hay ra đốt lửa nhúm rác trước ngõ để ra ám hiệu. Các bác, các chú, các anh các chị như hoạt động vào ra nhà tôi cũng nhiều, như chú Hoàng Lanh, Bí thư Thành ủy Huế; chú Tâm, chú Lợi, chú Văn, chú Yên, chú Khiếu, chị Hoa,…
Năm 1972, sau lần bị chỉ điểm, kẻ địch đã bắt mẹ tôi tra khảo dã man. Bọn địch khui ra hầm bí mật, nhưng không bắt được ai. Mẹ tôi chỉ một mực khai “hầm đó là để che giấu các con tôi, bây giờ nó hy sinh cả rồi, chứ không có nuôi giấu ai cả… đạn, lựu đạn còn ở trong hầm cũng là của con tôi hết”. Chúng cầm tù mẹ tôi nhưng không khai thác được gì, tức giận bọn chúng đã tiêm thuốc vào cơ thể mẹ tôi làm bà bị bại liệt hoàn toàn. Ngày khui hầm, nhìn mẹ tôi bị nhục hình tra khảo, tôi căm lắm, nung nấu ý chí trả thù sau này và nguyện tiếp tục tham gia cách mạng theo gương của ba, mẹ và các anh tôi.
Qua câu chuyện làm cho tôi hiểu thêm, vì sao khi làm Tổng giám đốc Công ty Du lịch Hương Giang anh lại tâm huyết với các công trình xây dựng, tôn tạo các di tích lịch sử ở Huế như vậy: Công trình Chứng tích Chín hầm, đền thờ Huyền Trân công chúa và tháp chuông hòa bình,…
Dưới sự chèo lái của Tổng giám đốc Nguyễn Hữu Đông, Công ty Du lịch Hương Giang không đơn thuần là đơn vị kinh doanh, một thương hiệu lớn của du lịch Huế mà nơi đó còn tạo dựng, quảng bá hình ảnh về văn hóa Huế với cộng đồng quốc tế…Công ty Du lịch Hương Giang đã trở thành đơn vị anh hùng Lao động trong thời kỳ đổi mới. Công lao đó có sự đóng góp, sáng tạo lớn của anh và sau đó, Nguyễn Hữu Đông được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới.
Theo Tâm Hành (Thừa Thiên-Huế Online)