Ngày 9-2, TAND TP.HCM xử sơ thẩm vụ án vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Sở Y tế TP Cần Thơ.
Hai cựu giám đốc Sở Y tế TP Cần Thơ là bà Bùi Thị Lệ Phi và ông Cao Minh Chu, chủ tịch Hội đồng sáng lập NSJ Group Hoàng Thị Thúy Nga và 17 bị cáo khác bị VKS cáo buộc thông đồng trong thực hiện bốn gói thầu (tổng giá trị gần 90 tỉ đồng), gây thiệt hại gần 33 tỉ đồng.
Cựu chủ tịch UBND TP Cần Thơ phải có mặt
Cả 20 bị cáo đều có mặt tại phiên tòa. Với tư cách người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án, ông Võ Thành Thống (cựu chủ tịch UBND TP Cần Thơ) vắng mặt và có văn bản ủy quyền cho người khác tham gia tố tụng.
Các bị cáo tại tòa. Ảnh: HOÀNG GIANG |
Tuy nhiên, HĐXX cho rằng cần trực tiếp làm rõ hành vi của ông Thống liên quan đến vụ án. Trong trường hợp này, ông Thống không được ủy quyền mà phải trực tiếp có mặt tại phiên tòa.
Hồ sơ vụ án thể hiện từ năm 2017 đến 2019, thông qua mối quan hệ với ông Võ Thành Thống, bà Nga biết Sở Y tế TP Cần Thơ là chủ đầu tư bốn gói thầu nên đã chủ động gặp, trao đổi, bàn bạc thống nhất với các bị cáo Phi, Chu về việc tạo điều kiện cho hai công ty của mình tham gia bốn gói thầu và trúng thầu.
Vụ án này, VKS cáo buộc các bị cáo Phi, Chu, Nga là chủ mưu, cầm đầu; các bị cáo còn lại là đồng phạm giúp sức để thực hiện chuỗi hành vi phạm tội.
Các thuộc cấp của bà Nga về cơ bản đồng ý với bản cáo trạng được công bố. Tuy nhiên, các bị cáo cho rằng mình bị lệ thuộc, chỉ làm theo lệnh của cấp trên chứ không cố tình sai phạm. Các bị cáo chỉ là những người làm công ăn lương, có những cái khó nhất định.
Theo chủ tọa, bằng mọi phương thức, thủ đoạn do người đứng đầu vạch ra, các bị cáo đã giúp sức để các công ty của bà Nga trúng thầu sai quy định, gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền đặc biệt lớn.
Theo bản cáo trạng được công bố tại phiên tòa, kết quả điều tra đủ căn cứ chứng minh dù không hứa hẹn trước nhưng sau khi các công ty của Hoàng Thị Thúy Nga trúng thầu, cá nhân bà Bùi Thị Lệ Phi đã nhận của bà Nga 3 tỉ đồng và nhận 200 triệu đồng cho Sở Y tế TP Cần Thơ từ bà Nga.
Còn ông Cao Minh Chu cũng nhận 200 triệu đồng từ bà Nga thông qua Nguyễn Viết Hồng (giám đốc kinh doanh khu vực miền Tây, Công ty NSJ). Cáo trạng cho rằng yếu tố vụ lợi trong vụ án này chính là việc đưa, nhận tiền nêu trên.
Hai chuyên viên nói chỉ làm theo chỉ đạo
Là bị cáo được HĐXX xét hỏi đầu tiên, Lương Tấn Thành (chuyên viên Ban quản lý dự án của Sở Y tế TP Cần Thơ) đã nhận sai khi không thực hiện đúng và đầy đủ quy trình đấu thầu.
Thành là người phụ trách dự án, gói thầu Hệ thống DSA hai bình diện. Thực hiện chỉ đạo của Phi và Chu, Thành đã thông báo các yêu cầu, tiếp nhận danh mục hàng hóa, thông số kỹ thuật và các báo giá từ Lê Thanh Hưng (nhân viên Công ty NSJ) để lập hồ sơ xin chủ trương đầu tư, phê duyệt kế hoạch vốn, dự toán, kế hoạch tổ chức đấu thầu.
Thành đã giới thiệu cho Hưng gặp gỡ, trao đổi với nhân viên Công ty BTCVALUE để thực hiện thẩm định giá theo giá của Công ty NSJ cung cấp, phù hợp với giá thiết bị trong các báo cáo, đề xuất của Sở Y tế TP Cần Thơ.
Ngoài ra, Thành là người đề xuất với bị cáo Chu chọn Công ty Mediconsult (công ty có quan hệ trước với bà Nga, Công ty NSJ) làm đơn vị tư vấn đấu thầu theo đề xuất của Hưng, giúp Công ty NSJ trúng gói thầu Hệ thống DSA hai bình diện.
Chủ tọa cho rằng bị cáo Thành bắt tay với nhà thầu ngay từ lúc ban đầu, xin làm, xin vốn. Hành vi của bị cáo gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền hơn 8,4 tỉ đồng.
Cũng là chuyên viên Ban quản lý dự án của Sở Y tế TP Cần Thơ, Hồ Phương Quỳnh bị đánh giá sai phạm ở mức cao gấp ba lần so với bị cáo Thành, khi gây thiệt hại cho Nhà nước số tiền hơn 24 tỉ đồng.
Cụ thể, Quỳnh trực tiếp phụ trách ba gói thầu tại BV Nhi. Quá trình thực hiện nhiệm vụ, theo chỉ đạo của các bị cáo Phi và Chu, Quỳnh đã trao đổi với Hưng thống nhất nhận danh mục hàng hóa, thông số kỹ thuật để Sở Y tế TP Cần Thơ và Công ty BTCVALUE lập hồ sơ gói thầu, thẩm định giá, giúp hai công ty của bà Nga (Công ty NSJ và Công ty Bình An) trúng cả ba gói thầu này.
Tuy nhiên, cả hai bị cáo cho rằng mình không hưởng lợi được từ các việc đã làm mà do thiếu hiểu biết, không nắm rõ quy trình và chỉ làm theo chỉ đạo của Phi, Chu.
Trong ngày làm việc đầu tiên, HĐXX chưa tiến hành xét hỏi các bị cáo đầu vụ Phi, Chu, Nga. Phiên tòa sẽ tiếp tục trong hôm nay (10-2) và dự kiến kéo dài đến ngày 20-2.
17 đồng phạm giúp sức là ai?
Ngoài các bị cáo chủ mưu, cầm đầu là Bùi Thị Lệ Phi, Cao Minh Chu, Hoàng Thị Thúy Nga, các bị cáo còn lại là đồng phạm, giúp sức. Trong đó, nhóm bị cáo thuộc Sở Y tế TP Cần Thơ gồm: Lương Tấn Thành, Hồ Phương Quỳnh (cùng là chuyên viên ban quản lý dự án).
Nhóm bị cáo thuộc Công ty NSJ (nhà thầu) gồm: Lê Huy Bình, tổng giám đốc; Kim Trọng Đoàn, phó tổng giám đốc; Đoàn Thị Nở, phó phòng dự án; Nguyễn Viết Hồng, giám đốc kinh doanh khu vực miền Tây; Lê Thành Hưng, nhân viên phòng kinh doanh; Hoàng Ngọc Hồng Phúc, trưởng phòng kinh doanh; Nông Thị Bích Sửu, nguyên phó phòng dự án; Phùng Thị Dương, trưởng phòng dự án; Nguyễn Bảo Trân, nhân viên phòng dự án.
Nhóm bị cáo thuộc Công ty BTCVALUE (đơn vị thẩm định giá) gồm: Đặng Xuân Minh, thẩm định viên, đại diện theo pháp luật; Nguyễn Quốc Việt, thẩm định viên; Nguyễn Duy Hùng, nhân viên kinh doanh.
Nhóm bị cáo thuộc Công ty Mediconsult (đơn vị tư vấn lựa chọn nhà thầu) gồm: Vũ Quang Ngọc, phó giám đốc; Tạ Trường Xuân, nhân viên. Bị cáo thuộc Công ty Bình An (nhà thầu) có Hoàng Hà Anh, tổng giám đốc. Các bị cáo trên cùng bị truy tố theo khoản 3 Điều 222 BLHS (khung hình phạt 10-20 năm tù).