Vừa qua TAND TP Cần Thơ đã xét xử phúc thẩm vụ kiện tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và đòi lại quyền sử dụng đất giữa nguyên đơn là bà L, bị đơn là ông P (cháu gọi bà L là cô ruột).
Mời công chứng tới nhà lăn tay
Theo đơn khởi kiện, bà L trình bày, bà và một người anh được cha mẹ cho thửa đất có diện tích 331 m2, trong đó phần của bà 131 m2, còn lại 200 m2 là của người anh, giấy đất đứng tên bà nhưng giao cho người em ruột của anh em bà cất giữ.
Từ tháng 6 đến tháng 12-2019, bà bị tai biến nặng nên thời gian hầu hết ở viện điều trị. Ông P là cháu ruột ở cùng bà đã lợi dụng hoàn cảnh của bà, thuê văn phòng công chứng đến để bà lăn tay vào hợp đồng chuyển nhượng đất cho P. Trong khi thời điểm đó, bà bị tai biến nặng không biết gì.
Sau này sức khỏe ổn định, trí nhớ dần phục hồi nên bà làm đơn tố cáo hành vi của P đến công an. Mặt khác, hợp đồng chuyển nhượng đất giá chỉ hơn 62 triệu trong khi giá thị trường cao hơn rất nhiều. Bà yêu cầu tòa tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng đất vô hiệu; yêu cầu bị đơn di dời tài sản trả lại 331 m2 đất.
Ông P không đồng ý yêu cầu của người cô vì cho rằng bà này đã chuyển nhượng đất cho ông hoàn toàn tự nguyện trước sự chứng kiến của công chứng viên, không có sự nhầm lẫn hay ép buộc.
Ông này cho rằng bà L là cô ruột, không có chồng con, đã sống chung với gia đình ông từ lâu. Phần đất này thuộc quyền sử dụng của bà L và từ lâu bà đã có ý định giao cho ông quản lý sử dụng để ông chăm sóc, nuôi dưỡng bà khi về già.
Năm 2017, bà đã giao toàn bộ thửa đất cho ông sử dụng và ông đã đầu tư, xây dựng quán trên đất này với giá trị 600 triệu. Cùng năm này, bà L bị tim nặng phải mổ, sau đó bị tai biến, đột quỵ thì ông là người trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc và chi trả tiền điều trị bệnh. Sau khi phục hồi, bà đã chuyển nhượng thửa đất này cho ông. Do sức khỏe bà L không tốt nên ông mời công chứng đến tận nhà công chứng hợp đồng chuyển nhượng đất theo ý bà L.
Người anh của bà L có yêu cầu độc lập về việc tuyên vô hiệu hợp đồng chuyển nhượng đất và bị đơn phải di dời tài sản trên đất để trả cho ông 200 m2.
Hợp đồng chuyển nhượng đất vô hiệu toàn bộ
Xử sơ thẩm, TAND huyện Cờ Đỏ đã tuyên vô hiệu hợp đồng chuyển nhượng đất giữa bà L và ông P; buộc ông P trả cho anh em bà L 331 m2; công nhận quyền sử dụng cho bà L 131 m2, người anh của bà 200 m2 và ông này có nghĩa vụ thanh toán cho bị đơn hơn 202 triệu giá trị tài sản trên đất; dành quyền khởi kiện cho ông P về số tiền trả viện phí cho bà L và tiền san lấp thửa đất nếu có tranh chấp.
Sau đó bị đơn kháng cáo theo hướng không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn và yêu cầu độc lập của anh bà L.
Xử phúc thẩm, TAND TP Cần Thơ nhận định, thửa đất 331 m2 này có nguồn gốc cha mẹ cho anh em bà L, bốn anh em bà L đều thống nhất phần bà được 131 m2, người anh được 200 m2 nhưng giấy đất cho bà L đứng tên và do một người em giữ giấy, thực tế người này đang giữ giấy.
Bà L không có chồng con, sống cùng và do gia đình ông P chăm sóc. Từ năm 2019-2020 bà bị bệnh tim phải mổ, sau đó tai biến nặng. Ngày 9-1-2020, bà L lập thủ tục chuyển nhượng đất cho ông P với giá hơn 62 triệu, được công chứng lăn tay tại nhà…
Theo tòa, bà L khẳng định không chuyển nhượng đất cho ông P. Sau khi anh em bà biết P được cấp giấy đất ngày 19-2-2020 thì tháng 3-2020 anh em bà tố cáo P và tranh chấp ra tòa. Điều đó chứng minh ý chí bà L không chuyển nhượng hay tặng cho đất cho bị đơn.
Bị đơn nói có công chăm sóc nên được bà chuyển nhượng đất với giá thấp (hơn 62 triệu) và được khấu trừ vào tiền thuốc, viện phí (còn ở sơ thẩm thì khai được bà L tặng cho nhưng làm hợp đồng chuyển nhượng). Trong khi đó, nguyên đơn không thừa nhận chuyển nhượng để trừ chi phí điều trị bệnh. Tòa đánh giá, như vậy bị đơn thừa nhận giá chuyển nhượng trên là giả tạo. Theo định giá giữa năm 2022, giá trị thửa đất là hơn 1,3 tỉ, cao hơn rất nhiều lần so với giá ghi trong hợp đồng.
Từ các phân tích, tòa cho rằng giá trong hợp đồng là giả tạo nhằm che giấu thỏa thuận tặng cho quyền sử dụng đất hoặc chuyển nhượng để trừ chi phí điều trị. Mặt khác, khoản 2 Điều 398, Điều 501 BLDS năm 2015, giá chuyển nhượng là nội dung bắt buộc của hợp đồng mà các bên không thống nhất, không chứng minh được… Vì vậy hợp đồng này vô hiệu toàn bộ.
Từ đó, tòa tuyên không chấp nhận kháng cáo của bị đơn, giữ y bản án sơ thẩm như trên.