Cô muốn tặng cho đất, cháu 'lén' làm hợp đồng chuyển nhượng nên bị hủy

(PLO)- Người cô muốn tặng cho cháu nhà, đất với điều kiện phải chăm sóc cô đến cuối đời và lo mai táng, thờ cúng khi qua đời nhưng cháu lại làm hợp đồng chuyển nhượng, khi ở chung phát sinh mâu thuẫn…

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mới đây, TAND TP Cần Thơ đã xét xử phúc thẩm vụ án tranh chấp hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất và tặng cho tài sản giữa nguyên đơn là bà D và bị đơn là ông C (có mối quan hệ là cô, cháu ruột).

tòa hủy hợp đồng chuyển nhượng đất giữa cô và cháu do giả tạo
Tòa hủy hợp đồng chuyển nhượng đất giữa cô, cháu ruột do bị giả tạo. Ảnh minh họa AI

Cô muốn tặng cháu nhà, đất để được phụng dưỡng

Theo hồ sơ, bà D trình bày, bà đứng tên quyền sử dụng thửa đất ở đô thị có diện tích hơn 88 m2 ở quận Thốt Nốt, được cấp giấy năm 2009. Hai vợ chồng bà không có con, chồng bà thì đã qua đời, bà tuổi đã cao nên mong muốn được sống với con cháu trong những năm cuối đời để có người chăm sóc và lo hậu sự khi bà qua đời.

Vào năm 2018, bà có thỏa thuận bằng miệng với người cháu ruột là ông C về hợp đồng tặng cho tài sản có điều kiện. Theo đó, bà sẽ tặng cho ông C thửa đất trên với điều kiện là ông phải phụng dưỡng bà tới khi qua đời; sau khi bà chết thì ông C phải thực hiện nghĩa vụ mai táng và thờ cúng. Sau đó, ông C đã yêu cầu bà đi làm thủ tục tặng cho tài sản như đã thỏa thuận.

Tuy nhiên, thay vì lập hợp đồng tặng cho tài sản có điều kiện thì ông C và văn phòng công chứng lại lập hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất.

Vì tin tưởng con cháu và không có khả năng phân biệt được sự khác nhau giữa hai loại hợp đồng nên bà đã ký tên vào hợp đồng chuyển nhượng. Theo nội dung hợp đồng này thì bà đã đồng ý chuyển nhượng cho ông C toàn bộ thửa đất trên với giá 50 triệu đồng. Sau khi ký hợp đồng khoảng bốn năm thì ông C và vợ đã mang các đồ dùng cá nhân từ nơi khác về cư trú trong căn nhà của bà.

Bà D cho rằng hợp đồng chuyển nhượng là giả tạo vì thực tế giữa bà D và ông C chỉ có thỏa thuận về hợp đồng tặng cho tài sản có điều kiện.

Bà và vợ chồng ông C chỉ sống chung và đối xử bình thường với nhau được một thời gian ngắn. Sau đó quan hệ giữa hai bên ngày càng xấu đi và tình cảm giữa cô cháu cũng ngày càng đi xuống…

Cho rằng người cháu đã không thực hiện đầy đủ cam kết về phụng dưỡng đến hết đời, bà D khởi kiện yêu cầu tòa tuyên bố hợp đồng chuyển nhượng được công chứng nêu trên là vô hiệu; yêu cầu hủy hợp đồng tặng cho tài sản bằng miệng giữa bà và ông C; buộc ông C cùng gia đình phải di dời tài sản ra khỏi nhà của bà.

Bị đơn thừa nhận lập hợp đồng chuyển nhượng rồi dọn về nhà bà D ở như bà nói trên. Tuy nhiên, ông cho rằng, quá trình chung sống với nhau tình cảm giữa cô cháu hài hòa, không có mâu thuẫn gì, ông vẫn chăm sóc bà D như cha mẹ ruột… nên ông không đồng ý với yêu cầu của bà D. Ông này cũng không thừa nhận giữa hai cô cháu có thỏa thuận miệng hay ký kết hợp đồng tặng cho nào, không có giao ước điều kiện nào.

Tòa: Có căn cứ hợp đồng chuyển nhượng là giả tạo

Xử sơ thẩm, TAND quận Thốt Nốt đã tuyên hủy hợp đồng chuyển nhượng giữa bà D và ông C nêu trên; hủy hợp đồng tặng cho tài sản có điều kiện (bằng miệng) giữa bà D và ông C; buộc vợ chồng ông C phải có trách nhiệm giao trả lại cho bà D diện tích đất hơn 88 m2 cùng tài sản gắn liền với đất. Đồng thời, buộc ông C phải có trách nhiệm chuyển nhượng lại cho bà D đứng tên sử dụng quyền sử dụng đất nêu trên.

Sau đó, ông C và vợ kháng cáo yêu cầu tòa án cấp phúc thẩm xét xử hủy án sơ thẩm, đình chỉ giải quyết vụ án.

Xử phúc thẩm, HĐXX nhận định, tuy phía bị đơn không thừa nhận có việc tặng cho như nguyên đơn trình bày, không có văn bản chứng minh tặng cho, nhưng xem xét thấy giá trong hợp đồng chuyển nhượng thấp hơn so với giá thị trường rất nhiều. Giá trong hợp đồng chỉ 50 triệu trong khi giá nhà đất hiện nay gần 1,9 tỉ.

Mặt khác, thời điểm chuyển nhượng nhà, đất thì chồng bà D bệnh, rất cần tiền điều trị nhưng cho đến nay phía ông C vẫn không trả tiền. Ông C có lời trình bày thể hiện do trước đây bà D từng khởi kiện thừa kế với người anh là cha ông C, ông lo sợ sau này phát sinh tranh chấp với bà D nên kêu bà lập hợp đồng chuyển nhượng.

Vì vậy, tòa cho rằng có cơ sở xác định hợp đồng chuyển nhượng là giả tạo, không có thật nhằm để che giấu hợp đồng tặng cho (nói miệng). Nguyên đơn khởi kiện cho rằng hợp đồng chuyển nhượng vô hiệu do giả tạo là có căn cứ theo quy định tại Điều 124 BLDS.

Đối với giao dịch vô hiệu do giả tạo nêu trên, tại Khoản 3 Điều 132 BLDS quy định thời hiệu yêu cầu tòa án tuyên bố giao dịch vô hiệu không bị hạn chế. Do đó, kháng cáo của bị đơn và vợ yêu cầu đình chỉ vụ án do hết thời hiệu là không có căn cứ.

Ngoài ra tòa cũng cho rằng, nguyên đơn có ý chí tặng cho đất bị đơn nhưng không làm văn bản và đến nay ý chí này không còn nên không được công nhận.

Từ đó, tòa phúc thẩm bác kháng cáo của ông C và vợ, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm