Như PLO đã đưa tin, TAND tỉnh Nghệ An đang xét xử phúc thẩm bị cáo Lê Thị Dung (nguyên giám đốc Trung tâm GDTX huyện Hưng Nguyên, Nghệ An) và Nguyễn Thị Hương (nguyên kế toán) về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ.
Trong vụ án, bị cáo Dung bị tạm giam từ ngày 28-3-2022 đến nay.
Tại phiên tòa phúc thẩm, luật sư cũng đã hỏi về căn cứ pháp lý để tạm giam bị can Dung, điều tra viên Cơ quan CSĐT Công an huyện Hưng Nguyên trả lời căn cứ vào khoản 1 Điều 119 BLTTHS để tạm giam bị can phạm tội rất nghiêm trọng với mức án 5-10 năm tù.
Phiên tòa phúc thẩm vụ cô giáo Dung ở Nghệ An. Ảnh: ĐẮC LAM |
Theo Điều 119 thì phạm loại tội nào cũng có thể bị tạm giam. Tuy nhiên hợp lý hơn chỉ cần tạm giam nếu có căn cứ tại các điểm a, b, c, d, đ khoản 2 Điều 119 BLTTHS. Quy định các trường hợp có thể áp dụng biện pháp tạm giam như Điều 119 BLTTHS tưởng đã chặt chẽ nhưng lại không hoàn toàn như vậy.
Việc áp dụng biện pháp giam, giữ nên được quy định thành nguyên tắc chung giống khoản 1 Điều 419 BLTTHS hiện nay dành riêng đối với bị can, bị cáo dưới 18 tuổi. Căn cứ quan trọng thường bị bỏ qua là cần phải giải thích rằng nếu áp dụng biện pháp khác nhẹ hơn tạm giam không hiệu quả thì mới áp dụng biện pháp tạm giam.
Trước khi quyết định áp dụng biện pháp tạm giam không nên đặt ra ngay câu hỏi là có căn cứ tạm giam hay không, mà phải tự hỏi rằng "nếu không áp dụng biện pháp ngăn chặn nào thì có được không?". Nếu cần áp dụng biện pháp ngăn chặn thì áp dụng các biện pháp nhẹ hơn tạm giam được không? Và sau cùng mới nghĩ đến việc áp dụng biện pháp tạm giam.
Việc khởi tố, truy tố tội gì; loại tội ít nghiêm trọng, nghiêm trọng, rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng cũng chỉ có giá trị buộc tội chứ chưa phải đã kết tội. Không thể dựa vào đó để áp dụng biện pháp ngăn chặn nói chung và tạm giam nói riêng. Nếu chỉ căn cứ vào loại tội để tạm giam dễ dẫn đến lạm dụng tạm giam và hậu quả oan sai.
TS Lê Nguyên Thanh, gảng viên Khoa luật Hình sự Trường Đại học Luật TP.HCM. |
Việc không bắt, không tạm giữ, không tạm giam hoặc đã áp dụng biện pháp này rồi nhưng hủy bỏ, thay thế nếu thấy không cần thiết; hoặc thậm chí bị can, bị cáo bỏ trốn do không bị tạm giam, sau đó phải bắt giam... là chuyện rất bình thường.
Không nên xem đó là lỗi hay khuyết điểm nặng nề trong hoạt động nghiệp vụ để xét thi đua, khen thưởng, kỷ luật, bổ nhiệm đối với cán bộ. Có như vậy họ mới mạnh dạn trong quyết định áp dụng hoặc không áp dụng biện pháp tạm giam.
Đối với vụ việc cô giáo Dung bị khởi tố về tội rất nghiêm trọng (mức án từ 5 đến 10 năm tù) thì căn cứ tạm giam theo khoản 1 Điều 119 BLTTHS là không sai. Tuy nhiên, để tạm giam, cơ quan tiến hành tố tụng cần cân nhắc thêm sự cần thiết trong việc áp dụng biện pháp tạm giam.
Vì khoản 1 Điều 119 BLTTHS có hạn chế khi quy định trường hợp tạm giam mà không quan tâm các căn cứ khác để đảm bảo mục đích tạm giam. Trường hợp một người phạm tội rất nghiêm trọng nếu thấy cần thiết tạm giam thì có thể căn cứ thêm các trường hợp tại điểm a, b, c, d, đ khoản 2 Điều 119 BLTTHS.
Để có cơ sở áp dụng biện pháp tạm giam đối với cô giáo Dung cần đánh giá toàn diện các căn cứ chứ không nên chỉ căn cứ vào loại tội bị khởi tố, truy tố (mặc dù luật cho phép).
Không rõ khi quyết định áp dụng biện pháp tạm giam đối với cô giáo Dung, người có thẩm quyền có cân nhắc việc áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú hay không. Trong thời gian cô Dung bị tạm giam cũng nên theo dõi liệu cần thiết tiếp tục tạm giam cô giáo Dung hay nên hủy bỏ, thay thế biện pháp ngăn chặn khác.
Trường hợp tạm giam cô giáo Dung kéo dài mà chỉ căn cứ vào loại tội và tình tiết cụ thể trong vụ án này thì không tránh khỏi gây thắc mắc về việc cần thiết tạm giam hay không. Nếu thấy không cần thiết thì không nên tạm giam cô giáo Dung.