Ngày 31-5, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Nhật cho biết Bộ đang lấy ý kiến về việc xây dựng sân bay Nội Bài 2, đối diện với sân bay Nội Bài hiện nay. Sau khi xây dựng xong kế hoạch chi tiết, Bộ GTVT sẽ phối hợp cùng TP Hà Nội báo cáo, xin ý kiến Chính phủ.
Không “lạm phát sân bay” (!?)
Cũng theo ông Nhật, hiện nhu cầu đi lại bằng máy bay của khách quốc tế và trong nước tăng nhanh nên sân bay Nội Bài sẽ quá tải trong vài năm tới. Theo lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam, Cảng hàng không Nội Bài có công suất thiết kế 25 triệu hành khách/năm. Tuy nhiên, năm 2015 tăng 22%, bốn tháng đầu năm 2016 tăng đến 31%. Vì vậy, việc quy hoạch trước cho sân bay Nội Bài là cần thiết. Bộ GTVT đã giao cho các cơ quan liên quan xây dựng phương án: “Nhà nước chỉ quy hoạch, doanh nghiệp sẽ tính toán để đầu tư do hiện nay ngân sách nhà nước không có…”.
Có nhiều ý kiến lo ngại hiện ở các tỉnh phía Bắc có quá nhiều sân bay, như Cát Bi (Hải Phòng), Lào Cai, Lai Châu… và nhiều sân bay sẽ được khởi công trong thời gian tới dễ dẫn đến “lạm phát sân bay”. Ông Nhật cho rằng việc quy hoạch và xây dựng sân bay sẽ tùy vào nhu cầu đi lại của người dân. Qua đó, doanh nghiệp sẽ tính toán để đầu tư, Nhà nước chỉ giúp quy hoạch.
Cùng ngày, lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam cũng khẳng định việc mở rộng, nâng công suất của sân bay này là cấp bách vì có như vậy mới đáp ứng được nhu cầu đi lại của hành khách. Mặt khác, số lượng sân bay ở Việt Nam vẫn còn khiêm tốn so với khu vực.
Thứ trưởng Bộ GTVT cho biết đang Bộ đang lấy ý kiến về việc xây dựng sân bay Nội Bài 2. ảnh: internet
Đầu tư khoảng 5,5 tỉ USD
Theo quy hoạch GTVT thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 vừa được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, sân bay Nội Bài 2 sẽ được xây dựng đối diện với sân bay Nội Bài hiện nay. Dự án có diện tích 720 ha thuộc ba xã Phú Minh, Phú Cường, Mai Đình của huyện Sóc Sơn. Chi phí giải phóng mặt bằng, bồi thường và xây dựng khu tái định cư cho người dân dự kiến khoảng 2 tỉ USD (tính theo đơn giá năm 2015). Chi phí xây dựng các hạng mục chính, đường lăn, sân đỗ, khu nhà ga, đèn chiếu sáng… khoảng 78.000 tỉ đồng. Tổng mức đầu tư sẽ khoảng 5,5 tỉ USD.
TS Lê Đăng Doanh, nguyên Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương, nhìn nhận với tốc độ phát triển nóng của các hãng hàng không hiện nay, nhất là hàng không giá rẻ thì việc mở rộng sân bay Nội Bài là phù hợp. Bên cạnh đó, việc mở rộng bầu trời theo cam kết của Cộng đồng kinh tế ASEAN và sự hội nhập của Việt Nam, việc giao lưu hàng không sẽ phát triển mạnh mẽ. Trong khi đó, sân bay nội địa của Nội Bài bây giờ đang trở nên quá tải. Vấn đề bây giờ là nên chọn phương án nào, có thể là nối dài sân bay Nội Bài hiện nay để sử dụng các trang thiết bị, kết cấu hạ tầng hiện có, cũng có thể là xây dựng mới, đối diện sân bay Nội Bài…
Nội Bài có thể đón 50 triệu hành khách/năm Theo quy hoạch GTVT thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài sẽ được cải tạo, nâng cấp thành cảng hàng không, sân bay quốc tế lớn phía Bắc với các giai đoạn cụ thể sau: Đến năm 2020, nâng cấp thành cảng hàng không cấp 4E theo tiêu chuẩn ICAO (Tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế), lưu lượng hành khách đạt 20-25 triệu hành khách/năm và trên 260.000 tấn hàng hóa/năm. Đến năm 2030, Cảng hàng không quốc tế Nội Bài sẽ trở thành cảng hàng không cấp 4F, có thể tiếp nhận 35 triệu hành khách/năm và sau năm 2030 là 50 triệu hành khách/năm, 500.000 tấn hàng hóa/năm. |