Cơ chế đặc thù cho Khánh Hòa không thể theo kiểu… bình quân

(PLO)- Cơ chế đặc thù cho Khánh Hòa không thể giông giống, bình quân như các tỉnh, thành khác.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 10-6, Quốc hội (QH) thảo luận tại hội trường về cơ chế đặc thù dành cho Khánh Hòa.

Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) phát biểu tại buổi thảo luận. Ảnh: QH

Đại biểu Lê Thanh Vân (Cà Mau) phát biểu tại buổi thảo luận. Ảnh: QH

“Yếu tố trội” nên cần cơ chế đặc thù

Tại buổi thảo luận, nhiều ý kiến của đại biểu (ĐB) QH ủng hộ đề xuất của Chính phủ, với lý giải “so với nhiều địa phương, Khánh Hòa xứng đáng có được nhiều cơ chế, chính sách đặc thù nhất”.

Đáng chú ý, Ủy viên thường trực Ủy ban Tài chính, Ngân sách Lê Thanh Vân (Cà Mau) nhấn mạnh: “Khánh Hòa rất xứng đáng”. Theo ông, Khánh Hòa có hai đặc thù vượt trội là có huyện đảo Trường Sa, có vịnh Cam Ranh và cảng nước sâu, mang ý nghĩa quan trọng về quốc phòng, an ninh, phòng thủ của đất nước.

Tuy nhiên, ông Lê Thanh Vân cho rằng các cơ chế đặc thù trong tờ trình Chính phủ đưa ra “cơ bản vẫn nằm trong trần pháp lý hiện tại và một số cơ chế đã có tiền lệ khi chúng ta đã quyết cho tám địa phương như TP.HCM, Hải Phòng, Thanh Hóa, Nghệ An và Thừa Thiên-Huế, Cần Thơ...

“Đề nghị Chính phủ, ban soạn thảo có thể nghiên cứu để minh định thêm các cơ chế đặc thù cho Khánh Hòa” - ông Vân nói.

Ông Vân nhắc lại tinh thần Nghị quyết 09 của Bộ Chính trị giao nhiệm vụ cho Đảng đoàn QH và Ban cán sự đảng Chính phủ phải thiết kế được các chính sách đặc thù cho Khánh Hòa ở ba bình diện: Cơ chế đầu tư, cơ chế tài chính, đặc biệt là phân cấp ủy quyền. Tuy nhiên, trong dự thảo nghị quyết mới chỉ thấy bóng dáng của đầu tư và tài chính.

“Đầu tư, tài chính là tỉ lệ phân chia ngân sách. Chúng ta không thể nói tạo ra giá trị bằng cách chuyển tiền từ trung ương xuống địa phương được. Điều quan trọng là phải tạo cho Khánh Hòa năng lực pháp lý của chính quyền để tự định đoạt được cách đi cho mình bằng cơ chế thu hút đầu tư” - ông Vân nhấn mạnh.

Do vậy, kiến nghị đầu tiên mà ĐBQH tỉnh Cà Mau đưa ra là phải rà soát, trao cho Khánh Hòa quyền được tự quyết định chủ trương đầu tư để thu hút công nghệ mới, vì “không có công nghệ mới thì không thay đổi, bứt phá được”.

Theo ĐB, nghị quyết của Bộ Chính trị nêu rõ từ nay đến năm 2030, Khánh Hòa phải trở thành TP trực thuộc trung ương và phải là một cực tăng trưởng, trung tâm của khu vực duyên hải Nam Trung bộ, Tây Nguyên; là một điểm “kích nổ” cho sự phát triển lan truyền của miền Trung và Tây Nguyên.

Như vậy, đầu tư công phải tăng lên và cơ chế chính là trao cho Khánh Hòa được tự quyết định chủ trương đầu tư phù hợp với quy hoạch quốc gia, quy hoạch vùng đã được phê duyệt.

Theo ĐBQH Lê Thanh Vân, Khánh Hòa cần có cơ chế đặc thù riêng biệt mới phát triển được, hơn là cho cơ chế bằng tiền, bằng đầu tư công.

Tỉnh quyết chức danh phó chủ tịch, trung ương phê chuẩn

ĐB Vân đặc biệt quan tâm về quyền được tự tổ chức bộ máy hành chính phù hợp với tiêu chí quản lý của Luật Tổ chức chính quyền địa phương. “Khánh Hòa có thể tổ chức Sở Kinh tế biển trên cơ sở rút một bộ phận ở Sở TN&MT, một bộ phận ở Sở Công nghiệp và Sở NN&PTNT” - ông Vân đề xuất với lý giải “lợi thế của Khánh Hòa chính là biển”.

Ông Lê Thanh Vân cũng kiến nghị trao cho Khánh Hòa quyền quyết định nhân sự theo phân cấp của trung ương, chẳng hạn tỉnh được quyết định nhân sự phó chủ tịch UBND tỉnh, trung ương chỉ phê chuẩn. Việc này nhằm thu hút được nhân tài thực sự để lãnh đạo, tổ chức thực thi nhiệm vụ phát triển kinh tế.

“Cần có cơ chế đặc thù riêng biệt mới phát triển được, hơn là cho cơ chế bằng tiền, bằng đầu tư công” - vẫn lời ông Vân.

Giải trình sau đó, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng đồng tình với nhiều ý kiến của các ĐB đã nêu, trong đó có ĐB Lê Thanh Vân, là phải có cơ chế, chính sách mạnh hơn đối với Khánh Hòa. Lần này trình ra QH, Chính phủ lựa chọn 11 nhóm chính sách, trong đó có bảy chính sách tương đồng với các chính sách của tám tỉnh và QH đã cho phép.

“Chỉ có bốn chính sách mới phù hợp với tính đặc thù, chủ yếu là phục vụ cho phát triển Khu kinh tế Vân Phong có các tiềm năng nổi trội, để phát triển bật lên” - ông Dũng thông tin.•

Cần cơ chế đặc thù cho từng địa phương, tránh bình quân

Trước ý kiến của một số ĐB cho rằng bên cạnh việc xem xét cho Khánh Hòa, cần xem xét cơ chế đặc thù cho địa phương khác, ông Vân nhận xét “đây là tư duy theo chủ nghĩa bình quân”. ĐB Cà Mau đề nghị Chính phủ sớm tổng kết Nghị quyết 54/2017/QH14 thí điểm cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP.HCM cũng như bảy nghị quyết tương tự cho các địa phương khác, phân loại ra nhóm chính quyền địa phương có cùng tiêu chí phát triển, cùng đặc thù...

“Trên cơ sở đó chúng ta có thể thiết kế cho một số nhóm chính quyền địa phương có trình độ phát triển, có năng lực, tiềm năng như nhau và bãi bỏ mô hình cơ chế đặc thù” - ông Vân nói và lưu ý sau Khánh Hòa, QH đã trao cơ chế đặc thù cho 9/63 tỉnh, thành.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm