Nhưng có một câu chuyện vui mà đoán chắc ai cũng biết: Một buổi sáng, vợ gọi chồng "Anh ơi, trưa nay anh có thể về sớm tí để thay giùm em cái vòi nước không". "Cô tưởng tôi là thợ sửa ống nước à?". Trưa trưa vợ lại gọi "Anh ơi, vậy chiều nay anh có thể về sớm chút xíu để thay giùm em cái bóng điện không?". "Cô tưởng tôi là thợ điện à? Rách việc!".
Chiều anh chồng về, nhà cửa sáng choang, có nghĩa là bóng điện đã được thay rồi. Nước nôi không những bơm đầy mà còn tưới tắm vuông sân nhỏ thật tươi mát. Anh hồ hởi "Em gọi được thợ sửa điện, nước rồi à? Thợ ở đâu mà giỏi vậy?". Vợ cười cười: "Không ạ.. có ông hàng xóm rành điện nước lắm, ông sang nhà ta sửa giùm. Ông không lấy tiền, chỉ yêu cầu em một là nấu cho ông một bữa ăn thật ngon, hai là phải 'chiều' ông". "Thế... em đã nấu cho ông ấy những món gì?". "Anh tưởng tôi là thợ nấu à?". Cô vợ nói bằng âm giọng cao cao y như chồng buổi sáng.
Trong trường hợp này, có thể nói là cô vợ ngoại tình không? Chắc chắn, kẻ nói có, người nói không. Nhưng dù sao nó cũng là chuyện cười.
Ta hãy nhìn vào ti tỉ chuyện thực tế khi đàn ông thời nay vẫn có thể không những "phòng nhì, phòng ba" mà còn hàng lô hàng lốc em này em nọ qua đêm qua đường đến mức chưa kịp biết tên. Còn người đàn bà của họ? Thử một lần tay trong tay người đàn ông khác xem có trời long đất lở không thì biết liền! Tại sao có sự bất công như vậy? Tôi không nói "bất công" ở khía cạnh "ông ăn chả bà ăn nem", tôi muốn nói bất công ở việc tại sao anh sa đà như thế, vợ anh vẫn có thể tha thứ. Còn khi vợ lỡ một lần chênh chao thì anh sẳn sàng đẩy luôn xuống vực! Đó là bất công.
Hãy nhìn thời khóa biểu của người phụ nữ hiện nay: sáng dậy trước chồng, để có thể là nấu ăn sáng ở nhà hoặc xem lại quần áo, sách vở cho con. Ăn xong thì 95% vợ là người dọn dẹp. Nếu hai vợ chồng mới có một đứa con thì 85% nhiệm vụ đưa con đến trường là của vợ. Nếu đã có hai con thì "may mắn" lắm mới được chồng đưa giùm một đứa. Trưa, nếu con học bán trú thì người mẹ còn đỡ, con học hai buổi là xem như người phụ nữ phải tất tả chạy về "dòm ngó" con. Chiều ra khỏi nơi làm việc. Thao tác đầu tiên của người phụ nữ là đến trường đón con. Trong khi "nhiệm vụ thiêng liêng" của người chồng là nghe điện thoại hoặc gọi cho bạn bè xem có ai "hú" chiều nay không?
Vợ rước con về thì "tiện tay" ghé luôn góc chợ nào đó mua ít thức ăn. Về nhà, con lớp 2, lớp 3 còn đỡ, con dưới 8 tuổi là xem như người mẹ phải phân thân để nấu ăn, dọn dẹp và ngó chừng con. Cơm nấu xong thì mẹ tắm cho con nhỏ, nhắc như nhắc tuồng con lớn mới chịu rời khỏi cái máy vi tính. Cơm dọn lên "hên" thì thằng bé lên 10 dọn giúp cái chén đôi đũa, "xui" thì nó ngồi thừ lừ một chỗ. Có kêu gọi gì nó đều bảo "Ủa, sao mọi khi ba cũng ngồi mà mẹ không kêu". Người mẹ nào không... á khẩu khi nghe con nói vậy là tôi... chết liền!
Cơm dọn rồi tầm sáu giờ hơn nhưng bóng dáng đức lang quân vẫn xa tít mù khơi. Điện thoại reo chán thì nín, bằng có trả lời cũng nhát gừng "Kẹt xe". "Bận". "Mệt quá!". Bao giờ chồng về? Đó là câu hỏi truyền kỳ mạn lục cho người vợ chơi trò "đi tìm ẩn số". Chồng về khi con nhỏ đã ngủ gà ngủ gật. Vợ lật đật buông con ra, hấp tấp hâm thức ăn (hoặc cằn nhằn rồi gây lộn nhau). Kết quả rất nhiều hôm thức ăn bỏ thừa nhưng "người về từ nghìn trùng" thì đói meo và bắt đầu ói tùm lum... Vợ đặt lưng xuống giường đã chạm 23 giờ đêm. Vừa chợp mắt được chút thì con ú ớ mơ ngủ. Dỗ con xong, lại chợp mắt, tầm 2-3 giờ sáng gì đó thì chồng giật mình thức dậy và "kêu gọi hòa bình". Thế là vòng quay 5 giờ sáng phải thức dậy lại tiếp diễn khi ngày mới đã lao xao.
Tại sao có sự bất công như vậy? Ảnh minh họa
Một ngày và ngàn ngày của 95% đàn bà thời nay như thế đấy! Vậy còn gì thi vị, còn gì tươi tắn cho cuộc sống hôn nhân? Để rồi một ngày nào đó, trong buổi giao lưu Công đoàn hay dã ngoại, về nguồn... người đàn bà mong manh tâm tư, bê tông thời gian gặp một tay "sồn sồn xấu xấu hơn người nhà mình" nhưng biết mở lời khen "Dáng em không cao nhưng người khác phải ngước nhìn; da em không trắng nhưng không bao giờ bắt nắng" và hào phóng tặng một bó hoa dù không vào dịp gì cả. Rồi hẹn cà phê ở cao ốc A. để lắng mình trong buổi trưa yên ả. Rồi mời cơm chiều ở nhà hàng X. để dừng thử món ghẹ sữa chiên bột, sườn dê một nắng nướng than củi... Toàn những món bình dân thôi, nhưng hình như gần 10 năm trời "lão mắc dịch" nhà mình chưa một lần mời mình. Với lão, hàng tháng đưa hai phần ba lương là đã đạt chuẩn chồng tốt rồi!
Thì "tội gì" không đi? Một cái nắm tay, "chậc, có mất mát gì". Hai cái nheo mắt, thì nheo lại có "chết thằng tây" nào. Ba, một nụ hôn lướt qua má "vì quá nể người phụ nữ siêu nhân như em". Chậc, vẫn còn nguyên hình nguyên trạng chứ có rách rời chắp vá chi đâu!
Chuyện có rất nhiều khi chỉ dừng lại ở đó... Vậy đàn bà có ngoại tình không? Vì sao họ ngoại tình?
Cuộc sống bây giờ nhiều áp lực, sợi dây hạnh phúc sẽ vuột mất khi chỉ một người cầm nắm. Dĩ nhiên, tôi không nói vợ ngoại tình là do chồng gián tiếp tạo cơ hội qua những vô tâm, ỷ lại, ơ thờ của quý ông. Nhưng trong cuộc chiến đàn bà ngoại tình thì người chồng là nguyên nhân rất rõ ràng. Thì nếu một ngày bất chợt phát hiện vợ mình ngoại tình, đức ông chồng có cân phân là "tha" hay "bắt" hay không?
Theo Hoàng Phương (PNO)