Chiều 24-10, Hội doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao (HVNCLC), Câu lạc bộ doanh nghiệp dẫn đầu (LBC) có buổi trao đổi với chủ đề “Phát triển cơ hội thị trường để hiện thực hóa bước phát triển mới: Bài học biến cơ hội thành thắng lợi”.
Ông Lê Trí Thông, Phó Chủ tịch Hội doanh nghiệp HVNCLC cho biết, thế giới đang bước vào khúc quanh, mô hình kinh tế dựa trên thâm dụng lao động, sản xuất giá rẻ đang đòi hỏi sự phát triển mới.
Với xu thế liên quan đến môi trường, xanh, đổi mới sáng tạo rất quan trọng thì thời cơ mở ra cho Việt Nam không chỉ dựa vào sức lao động, mà kết hợp năng suất lao động với sáng tạo.
Bên cạnh đó, môi trường tự nhiên của Việt Nam chưa bị ảnh hưởng nhiều bởi quá trình công nghiệp hóa, doanh nghiệp (DN) cần sáng tạo trong khai thác, bảo vệ môi trường tự nhiên đó để biến thành lợi thế của mình.
Theo ông Thông, đối với DN, ngay cả các DN lớn đang đòi hỏi sự tái cấu trúc nên đổi mới sáng rất quan trọng.
Đơn cử như PNJ khoảng năm năm trước đã bấm nút đổi mới sáng tạo nên cả về doanh số lẫn lợi nhuận tăng 3,5 lần, giá trị vốn hóa tăng gấp đôi, giá trị thương hiệu tăng lên 2,5 lần...
Song song đó, có những DN nhỏ, những startup áp dụng sáng tạo chỉ sau năm năm trở thành start up kỳ lân (những starup định giá trên 1 tỉ USD).
Mặc dù DN nhỏ có nhiều không gian mới để thử nghiệm nên có nhiều lợi thế sáng tạo hơn so với các DN lớn, tuy nhiên, để phát triển được cần có nội lực bên trong, khả năng kết hợp với những DN lớn. Cốt lõi vẫn là năng lực sáng tạo của chính DN đó, cùng với việc khai thác thế của các DN lớn để cùng mạnh lên.
Bên cạnh đó, việc vận dụng thế và lực cho đổi mới sáng tạo DN cần nhận diện các mảnh ghép của thế và lực từ công nghệ, tài chính, tài nguyên, nhân tài, thị trường...quan trọng hơn DN cần liên kết thế và lực đó để phát triển.
Một số DN đặt câu hỏi Việt Nam cần có chính sách nào thúc đẩy đổi mới sáng tạo, Việt Nam có trở thành trung tâm đổi mới sáng tạo thế giới...
Ông Thông cho rằng sáng tạo là hành trình, Việt Nam đi sau vừa có lợi và cũng có bất lợi. Tuy nhiên trong nền kinh tế sáng tạo tài sản cốt lõi là chất xám, năng lực người lãnh đạo.
Hiện nay các công ty Việt Nam đã nhìn thấy cần bước vào nền kinh tế sáng tạo, tuyển về nhiều người tài nhưng họ có trụ lại lâu dài hay không phụ thuộc vào năng lực lãnh đạo, năng lực quản trị, văn hóa DN.
Vì vậy, so với mô hình kinh tế khác, gốc rễ của nền kinh tế sáng tạo là thế của nhân hòa, năng lực của nhân hòa.