“Tích tụ ruộng đất là doanh nghiệp (DN) hoặc người dân được sử dụng đất với một quy mô nhiều hơn. Chẳng hạn việc tập trung ruộng đất lại cho một DN thuê hàng chục năm (20-30 năm), đây là dạng tích tụ ruộng đất”.
Về cách thức, có thể là chính quyền đứng ra thuê đất từ nông dân rồi cho nhà đầu tư thuê lại hoặc DN trực tiếp thuê của nông dân nhưng trong hợp đồng ký kết có thể họ sử dụng nhân công là những người chủ đất. Ông Bình cho rằng đây được xem là dạng tích tụ ruộng đất phù hợp.
Cũng theo ông Bình, mô hình liên kết chuỗi giá trị giữa DN và nông dân không phải là tích tụ ruộng đất.
Nếu không có tích tụ ruộng đất lớn thì khó xây dựng nền sản xuất hàng hóa lớn. Trong ảnh: Người nông dân thu hoạch vụ Đông Xuân ở Sóc Trăng. Ảnh: Quốc Trung
Hiện nay, như mô hình của Trung An là người dân sẵn sàng đưa đất (của họ) cho DN đầu tư (vật tư nông nghiệp, các tư liệu sản xuất khác). người dân trực tiếp sản xuất và DN sẽ bao tiêu tất cả sản phẩm. Mô hình này không vướng gì về diện tích sản xuất và DN không cần tích tụ ruộng đất, không cần phải thuê. Tuy nhiên, ông Bình cũng cho hay khi cần sản xuất mặt hàng nào đó mà không thể liên kết với nông dân được như mô hình trên thì buộc DN phải có các cách khác phù hợp hơn và lúc này sẽ xuất hiện nhu cầu tích tụ ruộng đất.
Về hành lang pháp lý cho vấn đề tích tụ ruộng đất, theo ông Bình, nên cho tất cả thành phần kinh tế được tích tụ ruộng đất để sản xuất lớn. Theo đó, cần có nhiều phương thức tích tụ ruộng đất nhưng không nên hạn chế… Các DN và những người nông dân có điều kiện sản xuất lớn muốn tích tụ ruộng đất bao nhiêu cũng được, đừng nên cấm cản, đừng nên có hạn điền, bởi như vậy là không tốt cho phát triển kinh tế đất nước.
Mục tiêu cuối cùng là sản xuất lớn, vì thế các cơ quan có thẩm quyền liên quan cần hoàn thiện hành lang pháp lý để vấn đề tích tụ đất đai được tiến hành một cách thuận lợi nhất với các thành phần kinh tế.
“Có đất đai lớn thì mới sản xuất hàng hóa lớn, từ đó mới có thể cạnh tranh với các nền sản xuất nông nghiệp lớn của thế giới” - ông Phạm Thái Bình nói.
Cái khó lớn nhất hiện nay là việc kiếm chỗ thuê đất Ông Nguyễn Trung Kiên, Chủ tịch HĐQT, Tổng Giám đốc Gentraco (Cần Thơ), cho hay Gentraco đang thực hiện hai mô hình trong ngành hàng lúa gạo. Một là liên kết hợp tác xã để bao tiêu lúa, cụ thể là quản lý từ giống - thuốc - quy trình gieo trồng - thu hoạch - xay xát - đánh bóng, đóng gói và DN mua giá thị trường có cộng điểm thưởng. Hai là DN thuê đất dài hạn 5-10 năm và tự tổ chức, sản xuất. “Quá trình thực hiện hai mô hình nói trên, chúng tôi nhận thấy mô hình một có thể mở rộng do sử dụng được nguồn nhân lực, trình độ của nông dân nhưng ở đây rủi ro có thể xảy ra đó là không kiểm soát được quy trình sản xuất. Còn với mô hình hai, phía DN tự thuê đất và thực hiện sản xuất do vậy kiểm soát được chặt chẽ quy trình sản xuất nhưng cái khó lớn nhất hiện nay là việc kiếm chỗ thuê đất” - ông Kiên cho hay. |