Có đô thị lên hạng nhờ “đậu vớt”

“Một số đô thị dù hạ tầng còn nhiều vấn đề nhưng vẫn được nâng lên hạng cao hơn. Điều này làm nảy sinh các nghi ngờ về quá trình nâng hạng cũng như chất lượng đô thị”. Đó là vấn đề được nhiều nhà quản lý, chuyên gia đô thị quan tâm khi trao đổi với Pháp Luật TP.HCM bên lề Đại hội Các đô thị Việt Nam, ngày 8-11.

Bà Vũ Thị Vinh, Phó Tổng Thư ký Hiệp hội Các đô thị Việt Nam, cho biết: Theo quy định, nếu đô thị đạt từ 70 điểm (trên tổng số 100 điểm) trở lên so với loại đô thị cấp cao hơn thì sẽ được nâng cấp. Nhưng trên thực tế có một số trường hợp được xét vớt, cho nợ một số chỉ số. “Theo tôi, có những chỉ số không thể cho nợ là giao thông, điện nước. Vấn đề là đô thị đó phải nhanh chóng hoàn thiện những điểm chưa hoàn chỉnh” - bà Vinh lưu ý.

Về phía cơ quan quản lý, bà Đỗ Tú Lan, Cục phó Cục Phát triển đô thị - Bộ Xây dựng, cho rằng nếu mới chỉ đạt 70 điểm thì đô thị đó dù được nâng cấp nhưng vẫn còn khiếm khuyết, cần phấn đấu để hoàn thiện. Bà Lan cũng khẳng định không có chuyện đô thị chưa đủ điểm đã được nâng cấp.

Có đô thị lên hạng nhờ “đậu vớt” ảnh 1

Thành phố Vũng Tàu sẽ được nâng hạng từ đô thị loại II lên đô thị loại I. Ảnh: HTD

“Vậy sau khi đô thị được nâng cấp, những điểm còn khiếm khuyết không được chính quyền địa phương hoàn thiện thì sao?”. Trả lời câu hỏi này, bà Vinh cho rằng chính quyền phải tự nhận thức được trách nhiệm của mình. Nếu chính quyền không khắc phục, người dân sẽ có ý kiến. Ông Nguyễn Lân, Tổng Thư ký Hiệp hội Các đô thị Việt Nam, đánh giá cao vai trò của người dân trong việc nâng hạng đô thị. “Trong việc nâng hạng đô thị, người dân không phải là bên đối lập với chính quyền. Thay vào đó, họ có thể hỗ trợ để chính quyền giải phóng mặt bằng nhanh hơn, tham gia bảo vệ cơ sở hạ tầng…” - ông Lân nói.

Nâng hạng đô thị: Một quy trình ngược?

“Hạng đô thị” là khái niệm chỉ trình độ phát triển của một đô thị về các mặt cơ bản: hạ tầng kinh tế-kỹ thuật, vai trò kinh tế-xã hội, trình độ phát triển văn hóa, môi trường... Do đó các “hạng đô thị” đều có những tiêu chí rõ ràng và chặt chẽ. Nếu đô thị nào đáp ứng đầy đủ các tiêu chí, mặc nhiên cơ quan kiểm định phải công nhận “đẳng cấp”của đô thị ấy chứ không có quyền “nâng lên”. Việc này giống như trường hợp gắn số “sao” cho các khách sạn đã đạt tiêu chuẩn tương đương.

Từ cách hiểu đó, người ta sẽ đặt những câu hỏi:

- Tại sao không dùng khái niệm “công nhận hạng đô thị” mà lại dùng khái niệm “nâng hạng”? Phải chăng các đô thị đó chưa đạt đầy đủ các tiêu chí nhưng “nâng hạng” là để xây dựng các chỉ tiêu mới. Nếu vậy, đây là cách làm ngược, chẳng khác gì tình trạng đề bạt cán bộ trước rồi cho qua trường để “dán tem bằng cấp” nhằm “hợp thức hóa chức vụ”.

- Phải chăng “nâng hạng” thực chất là việc cấp phép cho một số đô thị được đầu tư “nâng cấp”? Nếu vậy thì phải có luận chứng thuyết phục về sự cần thiết nâng cấp đối với đời sống nhân dân, về vai trò và tác động tích cực đến kinh tế-xã hội đối với địa phương hoặc khu vực và khả năng huy động nguồn lực cho việc nâng cấp.

Nhu cầu phát triển đô thị phản ánh nhu cầu phát triển công nghiệp và dịch vụ. Do vậy, nếu “nâng hạng” đô thị cao hơn khả năng phát triển công nghiệp và dịch vụ thì các đô thị ấy sẽ không có cơ sở để phát triển bền vững.

Việc “nâng hạng” hàng loạt hơn 100 đô thị có vẻ như vì “bệnh thành tích” và nhằm “nâng bậc lương cho cán bộ” nhiều hơn là vì nhu cầu phát triển kinh tế-xã hội của đất nước. Điều này cũng chưa phù hợp với trình độ quy hoạch và quản lý đô thị. Thực tế ấy được minh chứng qua câu chuyện cụ thể: Một cán bộ thị trấn trên vùng rừng núi mới được nâng lên “thị xã” băn khoăn: Ban đêm, ở phố trung tâm vẫn nghe rất rõ tiếng ếch nhái kêu. Chúng tôi chưa biết làm cách nào để lên thị xã, lấy đâu ra tiền để xây dựng? Mà không chỉ các đô thị nhỏ, ngay cả một TP lớn như TP.HCM hiện cũng còn nhiều lúng túng trong việc lập và thực hiện quy hoạch. Từ thực tế ấy mà ào ạt “nâng hạng” thì diện mạo đô thị Việt Nam sẽ thế nào?

TS NGUYỄN HỮU NGUYÊN, Trung tâm Nghiên cứu kinh tế miền Nam (SVEC)

Sự phát triển của các đô thị phản ánh mức phát triển kinh tế của một nước nhưng với điều kiện chúng ta phát triển

Gượng ép nâng hạng sẽ phát sinh lộn xộn

đô thị một cách đúng chuẩn chứ không làm theo kiểu gượng ép. Càng gượng ép thì càng phát sinh lộn xộn, dẫn đến việc điều chỉnh, cải tạo sau này sẽ tốn kém hơn rất nhiều lần so với đầu tư, phát triển đô thị mới.

TS DƯ PHƯỚC TÂN, Trưởng phòng Nghiên cứu quản lý đô thị, Viện Nghiên cứu phát triển TP.HCM

Khâu quản lý rất quan trọng

Điều quan trọng không phải là cả nước có ít hay nhiều đô thị mà là cách chúng ta quản lý như thế nào khi đã nâng hạng các đô thị. Công tác quản lý phải làm sao để không phát sinh các vấn đề như tăng dân số cơ học, quá tải về hạ tầng cơ sở, giao thông… Đáng lo ngại là trình độ quản lý đô thị ở nước ta hiện chưa cao, chưa dự báo được các tình huống sẽ xảy ra trong tương lai.

PGS-TS TÔN NỮ QUỲNH TRÂN, Trung tâm Nghiên cứu đô thị và Phát triển TP.HCM

V.HOA ghi

HOÀNG VÂN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm