Theo báo Taiwan News (Đài Loan), ngày 14-7 truyền thông Trung Quốc đã có một số bài báo gián tiếp nói rằng đập Tam Hiệp đã hoàn thành sứ mệnh ngăn mưa lũ của mình. Điều này dẫn tới đồn đoán có thể Trung Quốc đang chuẩn bị từ bỏ con đập.
Một bản tin trên trang NetEase (Trung Quốc) kêu gọi công chúng ngừng chỉ trích tình hình của đập Tam Hiệp – vốn được xem là công trình thủy điện lớn nhất thế giới, vì con đập đã hoàn thành sứ mệnh chiến đấu với lũ lụt. Từ bản tin này, nhiều người đặt câu hỏi liệu có phải NetEase muốn chuẩn bị tâm lý cho người đọc để chấp nhận việc chính phủ Trung Quốc từ bỏ con đập và khai tử nó.
Đập Tam Hiệp đã mở hết tất cả các cửa xả lũ?
Theo báo Taiwan News ngày 13-7, ba ngày trước một đại tá quân đội Ấn Độ về hưu có công bố một số hình ảnh vệ tinh (của nhà cung cấp ảnh vệ tinh Sentinel) với báo India Today cho thấy đập Tam Hiệp đã mở cửa xả lũ sớm hơn về thời gian và mạnh hơn về lưu lượng nước mà chính phủ Trung Quốc thông báo công khai.
Đại úy Vinayak Bhat phục vụ trong quân đội Ấn Độ 33 năm, là chuyên gia phân tích hình ảnh vệ tinh trong hơn hai thập niên. Đại tá Vinayak được biết như là một nguồn tin tình báo của India Today.
Cơ quan Khí tượng Trung Quốc ra cảnh báo mưa lớn khắp nước trong cả tháng 6. Đến ngày 29-6 chính phủ Trung Quốc thông báo đập Tam Hiệp đã mở hai cửa xả lũ và thời điểm mở cửa là sáng cùng ngày.
Tuy nhiên ngày 10-7 đại tá về hưu Vinayak Bhat (Ấn Độ) đã công bố với báo India Today một hình ảnh vệ tinh cho thấy đập Tam Hiệp đã mở cửa xả lũ ở ít nhất năm cửa lớn và năm cửa nhỏ hơn từ ngày 24-6, năm ngày trước khi chính phủ Trung Quốc thông báo chính thức.
Hình ảnh đập Tam Hiệp mở một số cửa xả lũ ngày 24-6. Ảnh: INDIA TODAY/TAIWAN NEWS
Ngày 22-6, Trạm quan sát khí tượng Trùng Khánh ra cảnh báo đỏ về lũ nghiêm trọng trong cả 80 năm qua với sông Kỳ Giang. Con sông này là một nhánh đổ nước về sông Dương Tử - nơi có đập Tam Hiệp, nên nhiều ý kiến lo ngại nước ở hồ chứa đập Tam Hiệp sẽ còn dâng cao hơn nữa trong những ngày tới.
Theo đại tá Vinayak, mực nước tại hồ chứa đập Tam Hiệp ngày 24-6 - hai ngày sau khi xảy ra một đợt lũ lớn - lại thấp hơn 15 m so với hình ảnh chụp ngày 27-10-2017, thời điểm toàn bộ các cửa lũ ở hồ chứa con đập này đóng.
Hình ảnh vệ tinh chụp năm 2017 thời điểm đập Tam Hiệp không mở cửa xả lũ. Ảnh: INDIA TODAY/TAIWAN NEWS
Đại tá Vinayak cho rằng với mực nước cao hơn 15 m của năm 2017 mà hồ chứa đập Tam Hiệp không xả lũ thì việc hồ chứa này xả lũ như ngày 24-6 là không cần thiết. Thêm nữa, với đợt mưa lớn kỷ lục trong 80 năm qua trong ngày 22-6 thì mực nước ở hồ chứa đập Tam Hiệp thời điểm tháng 10-2017 không thể so sánh được.
Điều này dẫn tới nghi ngờ là đập Tam Hiệp đã xả lũ mà không báo.
Ngày 27 và 28-7, nhiều video trên mạng xã hội quay cảnh TP Nghi Xương nằm ngay dưới đập Tam Hiệp bị lũ nặng. Người dân cho đây là hậu quả từ việc đập Tam Hiệp xả lũ để giảm áp lực.
Ngày 3-7, đài CGTN của nhà nước Trung Quốc cho biết đập Tam Hiệp đã mở ba cửa xả lũ vào ngày 2-7. CGTN nói rằng nước đổ vào hồ chứa con đập tới 50.000 m3 mỗi giây, nhưng nước xả ra được “kiểm soát” ở mức 35.000 m3 mỗi giây. Động thái này giúp giảm lũ tại con sông Dương Tử.
Tuy nhiên hình ảnh vệ tinh chụp ngày 9-7 cho thấy toàn bộ cửa xả lũ của đập Tam Hiệp đã được mở. Đập Tam Hiệp có tổng cộng 23 cửa dưới và 22 cửa bề mặt.
Ảnh vệ tinh chụp ngày 9-7 cho thấy đập Tam Hiệp đã mở hết tất cả cửa xả lũ. Ảnh: INDIA TODAY/TAIWANS NEWS
Nói với Taiwan News, đại tá Vinayak cho rằng theo tính toán của ông thì ít nhất có năm cửa mở hoàn toàn và toàn bộ các cửa còn lại ít nhất đã được mở một phần.
Thậm chí ông Vinayak còn cho rằng mục đích của việc mở các cửa xả lũ này là “để toàn bộ chứng cứ bị quét sạch trước khi các đại diện của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đến điều tra các bệnh viện và phòng thí nghiệm ở Vũ Hán”. Hai chuyên gia WHO đến Bắc Kinh cuối tuần rồi để bàn kế hoạch đến Vũ Hán điều tra nguồn gốc COVID-19.
Đã hơn 140 người chết vì lũ
Chính phủ Trung Quốc từng nói con đập đã giảm lũ, hạn chế thiệt hại về người và của do lũ trong thời gian qua. Quan điểm này có sự tranh cãi.
“Một trong những sứ mệnh của đập Tam Hiệp là kiểm soát lũ, nhưng trong gần 20 năm sau khi nó hoàn thành chúng ta lại có đợt lũ cao kỷ lục trong lịch sử. Thực tế là nó không thể ngăn chặn các tình huống nghiêm trọng” - hãng tin Reuters dẫn lời nhà địa lý David Shankman tại đại học Alabama (Mỹ) vốn nghiên cứu về lũ lụt Trung Quốc.
Lũ dọc sông Dương Tử - con sông lớn thứ ba thế giới – vốn là đã là cơn ác mộng vào mùa hè của người dân khu vực này, nhưng tình trạng năm nay nghiêm trọng hơn rất nhiều.
Lũ lụt ở Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc (Trung Quốc) ngày 5-7. Ảnh: AP/TAIWAN NEWS
Đợt mưa lớn nhất trong gần sáu thập niên qua và kéo dài hơn cả tháng đã gây ngập hàng loạt tỉnh thành vùng lưu vực con sông này. Đợt mưa bắt đầu từ cuối tháng 5 và mạnh thêm từ tuần trước. Hàng chục nhánh sông Dương Tử đã ghi nhận mực nước lũ cao kỷ lục, vượt mức cảnh báo.
“Kể từ tháng 6, lượng mưa trung bình ở lưu vực sông Dương Tử đã ở mức cao nhất kể từ năm 1961” – theo Thứ trưởng Quản lý khẩn cấp Trung Quốc Zheng Guoguang ngày 13-7.
Lưu vực sông Dương Tử là nơi sinh sống của khoảng 400 triệu người dân Trung Quốc.
Truyền thông Trung Quốc đưa tin hơn 100.000 người – nhân viên cứu hộ, binh sĩ, người tình nguyện – đã được huy động đối phó lũ ở tỉnh Giang Tây – nơi có con sông Dương Tử. Một nửa trong số này được triển khai đến hồ Bà Dương – hồ nước ngọt lớn chảy vào con sông Dương Tử. Rất nhiều đê, đập ở hồ Bà Dương đã bị sụp vì mưa lũ.
Theo kênh Channel News Asia, ngày 14-7, Trung Quốc đã phải huy động binh sĩ xếp hàng rào bao cát ngăn lũ ở một số địa phương.
Tính tới ngày 13-7 đã có ít nhất đã 141 người chết và mất tích, 29.000 ngôi nhà bị sụp đổ, gần 38 triệu người phải sơ tán.