Cháu tôi vì cần tiền đi chơi nên cầm cố CCCD tại một tiệm cầm đồ gần nhà. Hai bên thỏa thuận một tháng sau sẽ trả tiền gốc và lãi. Sau đó, cháu tôi không có tiền trả nên xin gia hạn trả tiền nhiều lần. Trong lúc hai bên tranh cãi, người của tiệm cầm đồ tức tối suýtđập gãy CCCD của cháu tôi. Tôi xin hỏi cháu tôi đem CCCD đi cầm thì có vi phạm gì không? Giả sử chủ tiệm cầm đồ cố tình đập gãy CCCD của cháu tôi thì có bị xử lý gì không?
đọc Ngọc Thảo (An Giang)
Luật sư Ngô Minh Trực, Đoàn Luật sư TP.HCM, trả lời:
Theo Luật CCCD, CCCD là thông tin cơ bản về lai lịch, nhân dạng của công dân. Đây là giấy tờ quan trọng của một công dân. Mọi công dân phải có nghĩa vụ bảo quản, giữ gìn thẻ CCCD đã được cấp; khi mất phải kịp thời trình báo với cơ quan quản lý CCCD.
Khoản 7 Điều 7 Luật CCCD 2014 có quy định các hành vi bị nghiêm cấm liên quan đến CCCD như sau: Làm giả, sửa chữa, làm sai lệch nội dung thẻ CCCD; chiếm đoạt, sử dụng trái phép thẻ CCCD của người khác; thuê, cho thuê, mượn, cho mượn, cầm cố, nhận cầm cố, hủy hoại thẻ CCCD; sử dụng thẻ CCCD giả.
CCCD là giấy tờ quan trọng của công dân, pháp luật nghiêm cấm hành vi cầm cố CCCD. |
Do đó, cháu của bạn có thể bị xử phạt về hành vi cầm cố CCCD, còn người nhận cầm cố có thể bị xử phạt về hành vi nhận cầm cố CCCD. Nếu người chủ tiệm cố tình đập gãy CCCD của cháu bạn (việc đập gãy CCCD đã xảy ra) thì sẽ bị xử phạt thêm hành vi hủy hoại, cố ý làm hư hỏng CCCD.
Về mức xử phạt được quy định tại Điều 10 Nghị định 144/2021. Cụ thể, người nào có hành vi cầm cố hoặc nhận cầm cố CCCD bị phạt tiền từ 4 triệu đến 6 triệu đồng, đồng thời buộc người nhận cầm cố nộp lại số tiền bất hợp pháp do thực hiện hành vi nhận cầm cố. Người nào có hành vi hủy hoại, cố ý làm hư hỏng CCCD thì bị phạt từ 1 triệu đến 2 triệu đồng. Đây là các mức phạt đối với cá nhân vi phạm, đối với tổ chức có cùng hành vi vi phạm thì mức phạt là gấp đôi mức đã nêu.