Theo ông Cường, thống kê của ban thư ký kỳ họp Quốc hội cho thấy, có 23 ý kiến đại biểu QH đề xuất đưa việc xây dựng Luật Biểu tình vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh trong thời gian tới.
“Biểu tình là một quyền cơ bản được quy định trong Hiến pháp. Hiến pháp đã quy định đối với những quyền cơ bản đó thì chỉ có thể bị hạn chế bằng luật thôi, không thể mãi sử dụng nghị định được” - ông Cường nói và cho rằng, việc sớm đưa vào chương trình xây dựng Luật Biểu tình để có hành lang pháp lý, biểu thị ý kiến của người dân cũng là điều hoàn toàn phù hợp. Đồng thời cũng là cách thể hiện một bước dân chủ trong xã hội.
“Đại biểu đã có ý kiến như vậy về việc xây dựng Luật Biểu tình thì Quốc hội phải lắng nghe để thể hiện dân chủ. Còn cá nhân tôi thấy rằng cố gắng ban hành Luật Biểu tình trong nhiệm kỳ này”.
Theo chương trình, chiều ngày 30- 5 tới đây, QH sẽ chính thức thông qua Nghị quyết về việc điều chỉnh chương trình xây dựng luật và pháp lệnh. Trước đó, trong phiên thảo luận tại hội trường (ngày 26- 5), đại biểu Lê Nam (Thanh Hóa) nhấn mạnh: “QH khóa XIII sẽ rất vinh dự nếu trả được nợ Luật Biểu tình mà 12 khóa QH trước đó chưa có điều kiện thực hiện”.
Theo ông Nam, biểu tình là quyền cơ bản của công dân, mang tính phổ quát của nhân loại, đã được quy định trong Hiến pháp nước ta từ năm 1946 đến nay. Thủ tướng cũng đã từng phát biểu sẽ xây dựng Luật Biểu tình trình QH khóa này nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. “Tôi trân trọng đề nghị đưa Luật Biểu tình vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH khóa 13 này” - ông nói.
ĐB Trương Trọng Nghĩa (TP.HCM) cũng cho rằng, biểu tình không phải chỉ phản đối, chống đối, mà hàng triệu người cũng có nhu cầu biểu tình ủng hộ Chính phủ như sự kiện nhân dân tuần hành ủng hộ Chính phủ - phản đối Trung Quốc vừa qua. Không phải vì biểu tình mà sẽ có rối loạn, đấu tranh dai dẳng mà đó là do bất ổn chính trị ở nước đó”.
ĐB Đỗ Văn Đương – Thường trực Uỷ ban Tư pháp của QH cũng đề nghị bổ sung ngay Luật Biểu tình vào chương trình “để người dân có nơi, có chỗ thực hiện quyền biểu tình, bày tỏ lòng yêu nước và điều chỉnh những hành vi quá khích”.
Thành Văn