“Quốc hội (QH) khóa XIII sẽ rất vinh dự nếu trả được nợ Luật Biểu tình mà 12 khóa QH trước đó chưa có điều kiện thực hiện”. Đại biểu (ĐB) Lê Nam (Thanh Hóa) đã có ý kiến như vậy trong phiên họp toàn thể về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2014, năm 2015 và trong khóa XIII vào chiều 26-5.
Có nhu cầu biểu tình ủng hộ Chính phủ
Theo ĐB Lê Nam thì QH cần cấp bách xây dựng, xem xét và thông qua Luật Biểu tình. Bởi lẽ đây là quyền cơ bản của công dân, mang tính phổ quát của nhân loại, đã được quy định trong Hiến pháp nước ta từ năm 1946 đến nay. Thủ tướng cũng đã từng phát biểu sẽ xây dựng Luật Biểu tình trình QH khóa này nhưng đến nay vẫn chưa thực hiện được. “Tôi trân trọng đề nghị đưa Luật Biểu tình vào chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của QH khóa 13 này” - ông nói.
ĐB Lê Nam lý giải thêm: Trong những năm qua, từ Bắc đến Nam đều có những đoàn người khiếu nại, tố cáo tập trung trước các cơ quan công quyền, như nông dân đòi hỏi được giải quyết những bức xúc về đất đai, công nhân đòi giải quyết quyền lợi của họ bị xâm phạm. Việc tụ tập trong trật tự đang diễn ra phổ biến, có xu hướng gia tăng, có phải là biểu tình không? Xây dựng Luật Biểu tình là yêu cầu khách quan, là đòi hỏi xuất phát từ thực tiễn xã hội để phục vụ nhân dân và cũng để đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước, đảm bảo an toàn trật tự xã hội, an ninh quốc gia. Đây là đạo luật rất bức thiết, ban hành sẽ được nhiều mặt lợi, khả năng xây dựng và thực hiện là có.
ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho rằng không thể cứ tùy tiện đề xuất dự án luật, pháp lệnh đưa vào rồi lại rút ra khỏi chương trình hằng năm. Ảnh: TTXVN
Phân tích của ĐB Lê Nam được nhóm ĐB Đoàn ĐBQH TP.HCM ủng hộ. ĐB Trần Du Lịch cho rằng: “Cần sớm có Luật Biểu tình để thiết lập trật tự, đảm bảo thực thi quyền con người và quyền công dân đã được Hiến định”. ĐB Trương Trọng Nghĩa lưu ý: “Ưu tiên nhóm những luật triển khai thi hành Hiến pháp 2013, trong đó có Luật Biểu tình. Tuy hiện nay có Nghị định 38/2005 nhưng liên quan đến các biện pháp chế tài để hạn chế quyền con người và quyền công dân thì cần có luật điều chỉnh. Chúng ta có đủ trí tuệ, nguồn nhân lực để xây dựng Luật Biểu tình. Biểu tình không phải chỉ phản đối, chống đối, mà hàng triệu người cũng có nhu cầu biểu tình ủng hộ Chính phủ như sự kiện nhân dân tuần hành ủng hộ Chính phủ - phản đối Trung Quốc vừa qua. Không phải vì biểu tình mà sẽ có rối loạn, đấu tranh dai dẳng mà đó là do bất ổn chính trị ở nước đó”. ĐB Đỗ Văn Đương nhận xét: Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh “mang tính kế hoạch hóa hơi cao, làm luật xếp hàng như thời bao cấp…”. Ông đề nghị đưa những luật chưa bức thiết ra khỏi chương trình 2014-2015 mà bổ sung ngay Luật Biểu tình vào chương trình “để người dân có nơi, có chỗ thực hiện quyền biểu tình, bày tỏ lòng yêu nước và điều chỉnh những hành vi quá khích”.
Soạn thảo chậm, chất lượng thấp
Trước bất cập “luật cần chưa có, luật có chưa cần”, ĐB Nguyễn Bá Thuyền (Lâm Đồng) đã than phiền về việc mỗi kỳ họp QH, các ĐB phải mất thời gian bàn về việc điều chỉnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh. Nguyên nhân: Khâu chuẩn bị dự án luật, pháp lệnh chậm trễ, việc soạn thảo không đạt chất lượng yêu cầu nên phải lùi thời điểm trình QH. Chưa kể một số dự án luật, pháp lệnh rút khỏi chương trình do chưa phù hợp với nhu cầu cấp thiết. “Không thể cứ tùy tiện đề xuất dự án luật, pháp lệnh đưa vào rồi lại rút ra khỏi chương trình hằng năm. Khi đề nghị đưa vào chương trình thì có lý do rất thuyết phục, rồi đến khi rút khỏi chương trình cũng lại có lý do thuyết phục. Phải đánh giá nghiêm túc hơn trách nhiệm của các cơ quan trong việc chuẩn bị dự án luật không bảo đảm tiến độ; làm rõ trách nhiệm của Chính phủ, các bộ trong việc chuẩn bị dự án, làm rõ nơi nào đề xuất chưa phù hợp, xây dựng luật chậm, nêu đích danh và xem xét trách nhiệm cụ thể” - ông Thuyền mổ xẻ.
ĐB Nguyễn Thái Học (Phú Yên) tán thành “đến thời điểm trình dự án luật mà chưa đạt thì phải chế tài xử phạt nghiêm minh”. ĐB Trần Du Lịch (TP.HCM) phân tích tuổi thọ các luật thấp, phải sửa nhiều do “quan điểm làm luật không rõ, không đặt trên nền tảng nào cả mà đi vào quy định điều khoản luật khiến luật đó không thể đi vào cuộc sống nên phải sửa”. ĐB Đỗ Văn Đương cũng đề nghị “với những sự kiện không hay xảy ra gần đây, QH cũng cần có nghị quyết về biển, đảo và hỗ trợ nông sản”.
Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu nhấn mạnh chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 2014-2015 cần tập trung các dự án luật thi hành Hiến pháp 2013, chọn những dự án luật tạo bước đột phá, phải đảm bảo tính khả thi, đồng bộ của các dự án luật. Việc xây dựng phải dựa trên khả năng thực tế, nếu có quá nhiều luật thì nên rút một số, thà làm ít mà tốt còn hơn làm nhiều không đạt chất lượng.
BÌNH MINH
Cần quy định rõ cấm kinh doanh gì Có ý kiến lo ngại Luật Phá sản sửa đổi sẽ bị một số người lợi dụng đi kiện tụng, tuyên bố phá sản. “Để bảo đảm sự thống nhất và minh bạch, cần tập hợp thành danh mục những ngành nghề cấm kinh doanh và kinh doanh có điều kiện kèm theo luật này. Đồng thời, quy định rõ hơn trong dự luật nguyên tắc xác định các ngành, nghề cấm kinh doanh”. Đó là lưu ý của nhiều đại biểu qua thẩm tra Luật Doanh nghiệp sửa đổiđược trình QH sáng 26-5. Báo cáo tờ trình trước QH, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho biết sau gần tám năm thực hiện, Luật Doanh nghiệp 2005 đã làm cho việc gia nhập thị trường, khởi sự kinh doanh và rút khỏi thị trường trở nên phức tạp và tốn kém. Ngoài ra, luật hiện hành cũng hạn chế quyền tự do kinh doanh của người dân và DN, không còn phù hợp với Hiến pháp năm 2013... “Việc sửa đổi Luật Doanh nghiệp nhằm tăng cường thu hút và huy động các nguồn lực và vốn đầu tư vào sản xuất, kinh doanh...” - ông Vinh nhấn mạnh ý này và cho biết một trong những nguyên tắc nổi bật của dự luật là tiếp tục hiện thực hóa đầy đủ quyền tự do kinh doanh theo nguyên tắc “DN được quyền kinh doanh tất cả ngành nghề mà pháp luật không cấm hoặc không hạn chế”. Nguyên tắc này được thể hiện khá rõ qua nội dung giấy chứng nhận đăng ký DN (giấy phép), thủ tục đăng ký thành lập DN... Ông Nguyễn Văn Giàu, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế, cho biết đa số ý kiến tán thành với quy định này. “Theo tinh thần của Hiến pháp, mọi người có quyền tự do kinh doanh trong những ngành nghề mà pháp luật không cấm và có nghĩa vụ nộp thuế. Do vậy, người kinh doanh phải báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh và các cơ quan có thẩm quyền theo quy định pháp luật và chỉ bắt buộc ghi ngành, nghề kinh doanh có điều kiện trong giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp” - ông Giàu nói. Thêm một điểm mới thể hiện tinh thần thông thoáng hơn của dự luật, đó là việc đăng ký thành lập DN. Đa số ý kiến tán thành sự tách biệt giữa việc đăng ký thành lập DN và việc xin giấy phép kinh doanh đối với các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện. Hướng cụ thể là bãi bỏ các yêu cầu về điều kiện kinh doanh như yêu cầu về chứng chỉ hành nghề, xác nhận vốn pháp định... “Thực tế hiện nay có DN lợi dụng việc thành lập để mua bán hóa đơn, thậm chí có DN hoạt động lừa đảo nhưng nguyên nhân chủ yếu là do hạn chế, yếu kém trong khâu kiểm soát sau khi thành lập DN, chứ không hẳn do quy định của luật. Để bảo đảm hiệu quả quản lý nhà nước, đề nghị quy định cụ thể trong dự luật một cơ quan đầu mối quản lý thống nhất về đăng ký thành lập DN. Đồng thời bổ sung quy định chặt chẽ về hậu kiểm đối với DN để bảo đảm DN đã đăng ký là có tồn tại và hoạt động” - ông Giàu lưu ý. Sáng cùng ngày, QH đã nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ QH và thảo luận tại hội trường về dự luật Phá sản sửa đổi. Nhiều đại biểu lo lắng sự ra đời của luật này sẽ bị một số người lợi dụng đi kiện tụng, tuyên bố phá sản và phá sản nhiều. Tuy nhiên, ĐB Trần Du Lịch cho rằng nếu không sửa Luật Phá sản hiện hành thì không giải quyết được thực tế DN chết mà không chôn được. Luật này hoàn toàn không khuyến khích phá sản DN mà giúp DN lành mạnh hóa tài chính trong kinh doanh và bảo vệ quyền lợi của các chủ nợ hợp pháp” - ông Lịch nhấn mạnh. Theo ĐB Trần Hoàng Ngân thì tên gọi của luật này có phần nhạy cảm. “Tôi đề nghị nên gọi là Luật Phục hồi và phá sản DN thì nghe nó nhẹ hơn” - ông Ngân nêu ý kiến. THU HẰNG Đóng BHXH theo thu nhập thực tế Chiều 26-5, Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Phạm Thị Hải Chuyền đã thay mặt Chính phủ trình QH dự thảo Luật BHXH (sửa đổi). Theo dự thảo, từ ngày luật này có hiệu lực đến trước ngày 1-1-2018, người lao động đóng BHXH theo mức lương và phụ cấp lương ghi trên hợp đồng lao động (HĐLĐ). Còn từ 1-1-2018 trở đi sẽ đóng BHXH theo mức lương, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác ghi trên HĐLĐ. Như vậy, người lao động sẽ phải đóng BHXH mức cao hơn (theo thu nhập thực tế) so với hiện nay (tính theo tiền lương trong HĐLĐ). Chủ nhiệm Ủy ban Về các vấn đề xã hội của QH Trương Thị Mai cho biết kết quả thẩm tra của ủy ban “tán thành quy định đầy đủ các yếu tố của tiền lương làm căn cứ đóng BHXH là cần thiết, nhằm góp phần tăng nguồn thu cho quỹ BHXH…”. BÌNH MINH |