Ngôi làng vắng bóng trẻ con
Làng Lumacha, ẩn mình trong những ngọn núi của tỉnh Cam Túc, Tây Bắc Trung Quốc. Tại ngôi làng được mệnh danh nghèo nhất Trung Quốc này, người ta chỉ có thể kiếm sống bằng việc làm trồng khoai mì trên rẫy.
Cách đây vài năm, người ta dễ dàng nghe thấy tiếng trẻ con vui đùa trên rẫy, trên những con đường làng quanh co. Nhưng giờ đây, việc nhìn thấy trẻ nhỏ trong làng dường như trở thành điều hiếm hoi.
Shi Zhengang, Chang Wenxuan và Du Yongsheng là ba đứa trẻ duy nhất của làng. Ảnh: SCMP
Ngôi làng giờ đây trở nên yên ắng đến đáng sợ kể từ khi những người trẻ lần lượt kéo nhau lên những thành phố lớn để mưu sinh. Họ mang theo con cái, để lại ngôi làng với những người lớn tuổi.
“Ngày xưa, làng này vui lắm, khi nào cũng đầy ắp tiếng nô đùa, la hét của tụi nhỏ. Nhưng giờ đây, hầu như không còn thấy tụi nhỏ nữa. Tụi nhỏ theo bố mẹ lên thành phố rồi không thấy quay trở lại" - Feng Ping, hiệu trưởng của một trường tiểu học ở làng Lumacha cho biết.
Nguy cơ trường học đóng cửa vì không có học sinh
Được biết Cam Túc là một trong những tỉnh nghèo nhất của Trung Quốc. Số liệu chính thức cho thấy GDP đầu người của tỉnh vào năm 2017 chỉ là 4.647 USD, bằng 1/4 con số 20.356 USD của Bắc Kinh và bằng 1/2 trung bình cả nước, 9.311 USD.
Làng Lumacha, tỉnh Cam Túc, Trung Quốc. Ảnh: SCMP
Vào năm 2015, chính phủ Trung Quốc đặt mục tiêu đến năm 2020 sẽ không còn người dân sống dưới mức nghèo khổ. Nhằm giải quyết được vấn đề trên, Trung Quốc đã khuyến khích người dân sống ở vùng nông thôn lên tìm việc tại các thành phố lớn hòng cải thiện đời sống. Cụ thể đặt mục tiêu từ năm 2014 đến năm 2026 sẽ di chuyển 250 triệu người dân đến các thành phố lớn.
Hiện nay, sau khi lũ trẻ theo cha mẹ lên thành phố, trường tiểu học ở làng Lumacha chỉ còn ba học sinh theo học là Shi Zhengang, Chang Wenxuan và Du Yongsheng, cả ba em đều 10 tuổi. Những đứa trẻ đều sống trong những gia đình nghèo của làng. Họ không có đủ tiền để cho con được đi học ở một thành phố lớn hơn nên đành gửi lũ trẻ tại ngôi trường nhỏ này.
Hằng ngày, ba đứa trẻ đều phải đi bộ một giờ đồng hồ, băng qua một thung lũng nhỏ để đến trường, như cách mà chúng vẫn làm từ trước đến nay.
“Khoảng một thập niên trước, trường chúng tôi có đến 300 học sinh, sáu khối, với sáu lớp học. Nhưng giờ đây chúng tôi chỉ còn một lớp duy nhất" - thầy Feng cho biết.
Cũng bởi không có học sinh nên trường cũng không có nhiều giáo viên ngoài thầy hiệu trưởng và hai giảng viên khác, phụ trách môn toán và tiếng Trung. Ngoài ra, các môn học khác như mỹ thuật, âm nhạc... thầy Feng phải áp dụng phương pháp dạy học trực tuyến theo chương trình CCTalk để dạy cho các em. Riêng môn tiếng Anh, thầy Feng cũng là người chịu trách nhiệm hướng dẫn tụi nhỏ nhưng thầy cũng thú nhận rằng tiếng Anh của mình cũng chỉ ở mức tương đối.
Tuy nhiên, hiện ngôi trường của thầy Feng đang đứng trước nguy cơ đóng cửa vì hiện giờ cả ba cậu bé đều đang học lớp 5, chỉ sau một năm nữa. Ngôi trường này sẽ không còn học sinh.
"Mỗi ngôi làng nên có ít nhất một trường học. Được học tập tại nơi mà bọn trẻ sinh ra sẽ dung dưỡng cho nó về nguồn cội, điều mà chúng đôi khi không có được khi học ở những ngôi trường khác ở thành phố" - thấy Feng tiếc nuối.
Theo thống kê của tờ The Economist, từ năm 2000 chính phủ Trung Quốc đã đóng cửa 3/4 số trường học ở nông thôn, con số lên đến 300.000 trường học. Ngôi trường ở làng Lumacha chắc cũng không ngoại lệ.
Những ngôi làng chỉ còn người già
Ngoài việc ngôi làng vắng bóng trẻ thơ, sự di cư vào đô thị còn khiến những ngôi làng heo hắt buồn tẻ nay chỉ còn bóng dáng của người già cô quạnh.
Là một trong số những người còn trụ lại ở cái làng nghèo khổ Lamacha, anh Shi Laijun, 43 tuổi phải làm việc cực lực nhưng vẫn không đủ chi phí cho vợ chồng anh, đứa con trai và ông bố 81 tuổi, đang bị bệnh viêm dạ dày mạn tính.
Những cư dân của làng Lumacha hầu hết đều đã trên 40 tuổi. Ảnh: SCMP
"Năm ngoái, tôi gần như không kiếm được đồng nào từ việc làm rẫy lúa mì. Trước vụ thu hoạch, một trận mưa đá đã phá nát hết mùa màng" - bố của cậu bé Shi Zhengang than thở.
Cả gia đình Shi sống trong một căn nhà gạch đơn sơ không có gì ngoài một chiếc bàn xụp xệ với một cái giường gạch là chỗ ngủ cho cả bốn thành viên trong gia đình. Trong góc nhà là bếp củi đen ngòm, nơi vợ Shi chuẩn bị bữa ăn cho cả nhà, mà theo anh miêu tả thì chỉ toàn là khoai tây, bánh mì và rau. Thịt đối với gia đình anh là một món ăn xa xỉ mà cả nhà chỉ được ăn vào những dịp đặc biệt.
Phải thay đổi để có cuộc sống tốt hơn
Mặc dù rất thất vọng vì ngôi trường có thể đóng cửa vì không có học sinh nhưng thầy Feng cũng thừa nhận rằng những người rời làng lên thành phố đều có những tiền đề tốt đẹp hơn cho con cái họ trong tương lai.
"Một số học trò trước đây của tôi sau khi lên thành phố đã vào được ĐH và giờ đây cuộc sống của chúng khá tốt. Giáo dục vẫn là điều quan trọng nhất đối với trẻ em nông thôn" - thầy Feng nói.
Bà Gao Jinxia, một nông dân ở làng, mẹ của cậu bé Chang, cho biết bà cũng hy vọng sẽ có đủ tiền để cho con lên thành phố học: "Tôi hy vọng con mình có được một công việc ở thành phố và cháu có thể rời khỏi vùng nông thôn nghèo khổ này."
Cậu học sinh Chang Wenxuan và mẹ. Ảnh: SCMP
Về phía các em bé, dường như chúng cũng ý thức được rằng chúng không thể có cuộc sống tốt hơn nếu không rời khỏi ngôi làng nghèo này. Khi được hỏi về ước mơ của chúng, Chang, một trong ba cậu bé nhanh nhảu trả lời: " Con muốn bay vào không gian, con muốn trở thành một phi hành gia và con có thể khám phá được vũ trụ".
Em còn nói rằng em đã từng được đến Thượng Hải trong một chuyến du lịch giáo dục do một chương trình tài trợ và em ước mình sẽ được sống ở đó. "Con muốn làm việc chăm chỉ và trở nên giàu có. Chỉ khi đó con mới có thể mua nhà lớn cho bố mẹ và bản thân mình. ”