Ngày 7-6, các học sinh Trung Quốc (TQ) bước vào kỳ thi tuyển sinh đại học (ĐH), thường được gọi là cao khảo. Theo đài CGTN, đây là một trong những kỳ thi khắc nghiệt nhất thế giới.
Trong kỳ cao khảo năm nay, TQ có 12,91 triệu thí sinh đăng ký tham gia - mức cao kỷ lục trong lịch sử. Theo Bộ Giáo dục TQ, con số này tăng 980.000 thí sinh so với năm 2022.
Thí sinh tại một điểm thi ở Nam Kinh, Trung Quốc vào ngày 7-6. Ảnh: GETTY IMAGES |
Cao khảo là gì?
Cao khảo (gaokao) là tên viết tắt của "Kỳ thi tuyển sinh ĐH quốc gia". Sự kiện thường niên này có thể được xem là kỳ thi lớn nhất trên thế giới. Cao khảo thường được tổ chức trên khắp TQ trong cùng một ngày vào đầu tháng 6 hàng năm.
Kết quả cao khảo là tiêu chí duy nhất để được nhận vào các trường ĐH TQ. Người TQ còn dùng hình ảnh hàng nghìn con ngựa và hàng nghìn binh sĩ đi trên một cây cầu gỗ để nói về tính cạnh tranh khốc liệt của kỳ thi này.
Thí sinh tham gia cao khảo bắt buộc phải thi 3 môn là tiếng Trung, Toán và ngoại ngữ (thường là tiếng Anh), cùng một bài thi tổ hợp Khoa học Tự nhiên (Lý, Hóa, Sinh) hoặc Khoa học Xã hội (Sử, Địa, Chính trị).
Trước hoặc sau khi học sinh tham gia cao khảo, họ cần hoàn thành phiếu liệt kê nguyện vọng các trường ĐH mà họ muốn vào học.
Các trường đại học sẽ dựa vào điểm thi để thông báo thí sinh trúng tuyển. Nếu điểm của thí sinh không đủ, thí sinh sẽ được chuyển sang trường tiếp theo trong nguyện vọng để xem xét.
Nếu thí sinh không được trường nào nhận, thí sinh đó sẽ mất cơ hội học ĐH trong năm tới.
Đoàn xe buýt chở các thí sinh dự thi hôm 7-6 ở Sơn Đông, Trung Quốc. Ảnh: AFP |
Chuẩn bị lâu dài, cạnh tranh khốc liệt
Để chuẩn bị cho cao khảo, các thí sinh phải trải qua một thời gian dài ôn tập. Trong quá trình này, các thí sinh phải làm bài tập gần như mỗi ngày.
Trường trung học Mao Thản Xưởng - một “trường luyện thi” nổi tiếng ở tỉnh An Huy - từng bị chỉ trích khi bắt học sinh học tập 16 giờ/ngày.
Trong cuộc phỏng vấn với tờ The New York Times, một học viên của trường cho biết: “Nếu bạn trải tất cả bài kiểm tra thực hành mà tôi đã làm trong 3 năm qua ra, chúng sẽ bao trùm khắp thế giới”.
Theo hãng tin Bloomberg, đề thi Văn của cao khảo đòi hỏi vận dụng một lượng lớn kiến thức về lịch sử, văn học cổ điển và thậm chí cả các sự kiện hiện tại.
Tỉ lệ nhập học sau cao khảo là 90%, nhưng chỉ có 40% trong số các thí sinh dự thi được nhận vào các trường ĐH.
Theo trang Sohu.com, chỉ 2% thí sinh dự thi năm 2016 được 38 trường ĐH hàng đầu ở TQ nhận, và chỉ 0,05% thí sinh được nhận vào ĐH Thanh Hoa và ĐH Bắc Kinh - vốn được ví như ĐH Oxford và ĐH Cambridge của TQ.
Trước kỳ thi năm nay, mạng xã hội TQ tràn ngập những lời động viên và chúc may mắn gửi đến các thí sinh. Ngoài ra, nhiều người còn đăng tải hình ảnh các thí sinh đến đền thờ cầu nguyện và hình ảnh giáo viên tặng học sinh bánh ú để lấy may.
Thí sinh cầu nguyện tại một ngôi đền ở tỉnh LIêu Ninh, Trung Quốc. Ảnh: AFP |
Đài CNN dẫn lời một người dùng TikTok cho biết vào thời điểm người này thi cao khảo vào năm 2000, số thí sinh chỉ khoảng 3,75 triệu. “Khi đến thế hệ con cái tôi, có 12,91 triệu thí sinh, gần gấp 4 lần so với thời của tôi. Thật sự khó để vào được trường ưng ý” - tài khoản này viết.
Điều kiện tốt nhất
Vào thời gian diễn ra cao khảo năm 2022, các chuyến bay thương mại và quân sự phải đi đường vòng, giao thông xung quanh các điểm thi bị kiểm soát chặt chẽ, tài xế bị cấm bấm còi, các công trường xây dựng bị đóng cửa.
Để đảm bảo thí sinh đi thi đúng giờ, các cơ quan chức năng đã áp dụng nhiều biện pháp khác nhau.
Các quan chức giao thông ở TP Thượng Hải cho phép những người dự thi được ưu tiên vào tất cả ga tàu điện ngầm. Thí sinh có thẻ dự thi cũng được đi tàu miễn phí.
Các tình nguyện viên và cảnh sát cũng được triển khai để hướng dẫn đường đi. Vào năm 2014, hơn 1.700 tài xế taxi đã tình nguyện chở miễn phí cho các thí sinh ở thủ đô Bắc Kinh đến địa điểm thi. Vào năm 2021, 1.200 tài xế taxi ở TP Quảng Châu, tỉnh Quảng Đông đã tình nguyện chở các thí sinh miễn phí.
Thí sinh ở Hà Nam, Trung Quốc ôn tập cho cao khảo. Ảnh: VCG |
Thắt chặt quy chế thi
Theo tờ Global Times, Bộ Công an TQ đã phát động chiến dịch truy quét các vụ việc liên quan đến gian lận có tổ chức, mua bán băng ghi âm kỳ thi và mua bán thiết bị chụp ảnh được thiết kế để gian lận trong kỳ thi.
Một số tỉnh như Quảng Đông và Vân Nam đã nâng cấp hệ thống kiểm tra an ninh. Các tỉnh này cho lắp đặt thêm hệ thống an ninh thông minh để phát hiện những thiết bị điện tử như điện thoại di động, tai nghe, đồng hồ điện tử hoặc các thiết bị hỗ trợ khác có thể gian lận trong kỳ thi.
TP Tất Tiết ở tỉnh Quý Châu thậm chí còn yêu cầu người tham gia thi phải trải qua 3 bước kiểm tra an ninh, trước khi bước vào địa điểm thi.
An ninh được thắt chặt tại các địa điểm thi. Ảnh: TÂN HOA XÃ |
Một giáo viên ở TP Trùng Khánh cho biết năm nay là năm đầu tiên TP lắp đặt hệ thống kiểm tra an ninh thông minh. Theo đó, ngoài khả năng phát hiện thiết bị gian lận, hệ thống này còn tích hợp công nghệ nhận dạng khuôn mặt để tránh trường hợp thi hộ.
TP Quảng Châu yêu cầu các thí sinh không được mặc quần áo có gắn kim loại hoặc đeo đồ trang sức bằng kim loại. Theo chính quyền TP, điều này sẽ gây ra báo động giả trong quá trình kiểm tra an ninh và có thể dẫn đến thời gian sàng lọc lâu hơn.