Sáng 24-8, tại TP Cần Thơ, Bộ NN&PTNT tổ chức Hội thảo "Cơ giới hóa đồng bộ hướng tới nền nông nghiệp bền vững".
Phát biểu tại hội thảo, ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT, cho biết hiện nay, mức độ cơ giới hóa ở một số khâu trong một số lĩnh vực ngành có tỉ lệ khá cao, như: trồng trọt đạt từ 70-100%, chăn nuôi đạt từ 55-90%.
Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: NGỌC TRINH |
Tuy nhiên, cơ giới hóa đồng bộ trong sản xuất nông nghiệp vẫn còn tồn tại một số vấn đề. Cụ thể, tỉ lệ cơ giới hóa ở lĩnh vực lâm nghiệp, khai thác thủy sản...còn thấp, chưa đáp ứng yêu cầu của công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn.
Cạnh đó, quy mô sản xuất theo chuỗi giá trị còn phân tán, công tác đào tạo nguồn nhân lực phục vụ quá trình cơ giới hóa đồng bộ từ sản xuất, chế biến, bảo quản, tiêu thụ chưa được quan tâm đúng mức.
Thông tin về tình hình cơ giới hóa nông nghiệp trên địa bàn TP Cần Thơ, ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP cho hay địa phương thực hiện cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp theo từng vụ, từng vùng.
Trong đó, đối với cây lúa, hiện khâu làm đất, bơm tưới đều được cơ giới hóa hoàn toàn thông qua tổ, nhóm dịch vụ trong cộng đồng; khâu gieo sạ đã thực hiện trên 95% bằng các loại máy sạ hàng.
Ông Nguyễn Ngọc Hè, Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết tỉ lệ cơ giới hóa trong lĩnh vực cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản còn ít. Ảnh: CHÂU ANH |
"Nhìn chung, đối với các vùng sản xuất lúa chuyên canh, tập trung, các khu vực liên kết theo mô hình cánh đồng lớn, việc áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất ngày càng phát triển theo các hình thức dịch vụ trong cộng đồng. Riêng lĩnh vực cây ăn trái và nuôi trồng thủy sản thì tỉ lệ ứng dụng cơ giới còn ít, còn gặp nhiều khó khăn” - Phó Chủ tịch UBND TP Cần Thơ cho biết thêm.
Theo Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT), thời gian qua cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông sản đã có những bước phát triển đáng kể. Qua đó góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng, ổn định của ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Tuy nhiên, mức độ cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp mới tập trung ở một số khâu và áp dụng với một số sản phẩm chủ lực, nhưng chưa đồng bộ. Chế tạo máy móc, thiết bị trong nước phục vụ sản xuất nông nghiệp chưa đáp ứng được yêu cầu về chủng loại, số lượng, cũng như chất lượng máy.
Cơ giới hóa nông nghiệp và chế biến nông sản đã góp phần quan trọng vào sự tăng trưởng, ổn định của ngành nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới. Ảnh: VĂN VŨ |
Chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp hỗ trợ còn hạn chế, nhất là công nghiệp hỗ trợ cho máy động lực, máy canh tác phục vụ sản xuất nông nghiệp... Từ đó, chưa tạo ra tác động tích cực do thiếu chế tài bắt buộc phải tuân thủ về việc bố trí các nguồn lực để triển khai.
Ngoài ra, kết cấu hạ tầng kỹ thuật chưa phù hợp để áp dụng cơ giới hoá đồng bộ vào sản xuất nông nghiệp. Công tác an toàn lao động, vệ sinh lao động trong sử dụng, vận hành máy, thiết bị nông nghiệp chưa được quan tâm đúng mức, tiềm ẩn nguy cơ tai nạn lao động. Chất lượng máy móc, thiết bị nông nghiệp chưa được kiểm soát, giám định chặt chẽ.
Công nghệ và thiết bị chế biến, bảo quản nông sản cũ và lạc hậu, gây tốn nhiều nguyên liệu trong sản xuất, năng suất thấp dẫn đến giá thành sản phẩm cao, khó cạnh tranh. Cơ sở vật chất, phương tiện chứa đựng, tích trữ, kho bảo quản còn thiếu, công nghệ bảo quản tiên tiến chưa được nghiên cứu, chuyển giao áp dụng nhiều trong sản xuất, dẫn đến tổn thất sau thu hoạch một số ngành hàng còn cao.
Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam: "Bộ đang trình Chính phủ Nghị định về cơ giới hóa đồng bộ trong nông nghiệp, làm cơ sở pháp lý để triển khai phát triển cơ giới hóa trong sản xuất nông nghiệp thời gian tới". Phấn đấu đến năm 2030, đưa Việt Nam trở thành trung tâm chế biến nông sản đứng trong TOP 10 thế giới.