Ngày 22-8, UBND tỉnh Tiền Giang phối hợp với Bộ NN&PTNT tổ chức Hội thảo cơ giới hóa trong sản xuất cây ăn trái.
Đưa cơ giới hóa vào sản xuất cây ăn trái
Ông Vũ Văn Tiến- Phó Cục trưởng Cục Kinh tế hợp tác và phát triển nông thôn (Bộ NN&PTNT) cho biết, năm 2021, cả nước có 1,18 triệu ha cây ăn trái. Sản lượng một số trái cây chủ lực, như: Xoài là 940 nghìn tấn; thanh long gần 1,4 triệu tấn; bưởi 992 nghìn tấn; vải 374 nghìn tấn; sầu riêng 664 nghìn tấn; dứa trên 733 nghìn tấn,..., Xuất khẩu trái cây chủ lực của cả nước đạt trên 3 tỉ USD.
Vùng trồng thanh long ở huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang. Ảnh: Đ.HÀ |
Riêng tại vùng ĐBSCL diện tích cây ăn quả là 400 ngàn ha (chiếm gần 40% diện tích cả nước), sản lượng trái cây đạt 4,3 triệu tấn (chiếm 60% cả nước); giá trị sản xuất của cây ăn trái 48.651 tỉ đồng (chiếm 48% giá trị sản xuất cây ăn trái cả nước).
Theo ông Tiến, trái cây là sản phẩm chủ lực xuất khẩu của cả nước. Để nâng cao năng suất, chất lượng, giảm sức lao động, hạ giá thành sản phẩm và tăng sức cạnh tranh các sản phẩm trái cây thì tất yếu phải đưa cơ giới hóa vào sản xuất, thu hoạch.
Ông Võ Hữu Thoại – Viện trưởng Viện cây ăn quả Miền Nam cho biết, thời gian qua việc ứng dụng cơ giới hóa trong sản xuất trái cây vùng ĐBSCL bước đầu mang lại hiệu quả thiết thực.
Cụ thể, tại vùng trồng trên 15.000 ha cây sầu riêng chuyên canh của huyện Cai Lậy, Cái Bè và Thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang, nhà vườn đã ứng dụng mạnh mẽ cơ giới hóa vào việc chăm sóc vườn cây. Các công đoạn như bơm nước ra vào vườn cây, tưới cây, phun thuốc bảo vệ thực vật cho vườn cây đều được cơ giới hóa 100%.
Theo ông Thoại, hiện nay một số trang trại lớn cũng đã bắt đầu áp dụng cơ giới hóa trong sản xuất, thu hoạch trái cây nhằm giảm chi phí thu hoạch, giảm phụ thuộc vào công lao động, đáp ứng nhu cầu thu hoạch, tiêu thụ và giảm tiếp xúc với vi khuẩn của người trong quá trình thu hoạch.
Một số loại trái cây đặc sản của tỉnh Tiền Giang được trưng bày, giới thiệu tại Hội chợ thương mại . Ảnh: Đ.HÀ |
Hay việc cơ giới hóa thu hoạch quả thanh long cũng được nghiên cứu và áp dụng trong thực tế. Với chi phi đầu tư thấp, hệ thống cho năng suất thu hoạch cao hơn 30% so với thu hoạch thủ công, chất lượng sản phẩm tốt không nhiễm khuẩn, không bị đập, chất lượng tốt đạt yêu cầu xuất khẩu.
Tiền Giang được đánh giá là tỉnh có mức độ cơ giới hóa cao trong sản xuất cây ăn trái.
Theo ông Võ Văn Lập - Chi cục trưởng Chi cục phát triển nông thôn (Sở NN &PTNT Tiền Giang), thời gian qua địa phương đã đẩy mạnh việc áp dụng cơ giới hóa vào sản xuất nông nghiệp; trên cây ăn trái, cơ giới hóa trong khâu làm đất chiếm 84,3%, bơm tát bằng động cơ chiếm 100%, phun thuốc BVTV bằng máy chiếm 100%, ứng dụng hệ thống tưới nước phun mưa vào sản xuất chiếm 59,0 % diện tích.
Cũng theo ông Lập, hiện mức độ cơ giới hóa sản xuất nông nghiệp của tỉnh ngày càng tăng, nhiều loại máy móc, thiết bị được sử dụng trong nông nghiệp, nhiều khâu sản xuất có mức độ cơ giới hóa cao đã góp phần nâng cao năng suất và giá trị gia tăng của sản phẩm nông nghiệp.
Cơ giới hóa sản xuất cây ăn trái chưa cao
Ông Nguyễn Đức Long - Phó viện trưởng Viện cơ điện nông nghiệp và công nghệ sau thu hoạch nhìn nhận, hiện nay mức độ cơ giới hóa đối với cây lương thực đạt tỷ lệ tương đối cao có nơi lên đến trên 90%. Tuy nhiên trong lĩnh vực cây ăn trái vốn là thế mạnh nền nông nghiệp nước ta nhưng vấn đề cơ giới hóa chưa thực sự được chú trọng.
Nông dân Tiền Giang thu hoạch mít. Ảnh: Đ.HÀ |
Các thiết bị cơ giới hóa trong sản xuất, thu hoạch cây ăn trái tại cả nước hiện nay mới chỉ tập trung ở khâu làm đất, chăm sóc. Cơ giới hoá trong sản xuất, thu hoạch cây ăn trái ở nước ta chỉ mới thực hiện ở từng khâu riêng lẻ, chưa có sự đồng bộ và chủ yếu tập trung ở khâu làm đất, chăm sóc; còn lại các khâu khác chủ yếu thực hiện bằng lao động thủ công.
Về nguyên nhân khiến việc áp dụng cơ giới hoá còn hạn chế, ông Long cho biết, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, manh mún, hộ nông dân vẫn là chủ thể sản xuất chính, nhưng khả năng đầu tư cho cơ giới hóa còn hạn chế chính là những “rào cản”.
Từ thực trạng nêu trên, để nâng cao khả năng ứng dụng cơ giới hoá vào ngành cây ăn trái, tại hội thảo các đại biểu và các chuyên gia gợi ý: thời gian tới cần xác định tiềm năng, lợi thế của từng vùng để lựa chọn loại máy móc, thiết bị nông nghiệp phù hợp với từng loại cây…
Ngoài ra, các địa phương cũng cần đẩy mạnh thực hiện “dồn điền, đổi thửa” để xây dựng cánh đồng lớn, đầu tư nâng cấp hoàn thiện kết cấu hạ tầng giao thông nông nghiệp- nông thôn nhằm đáp ứng nhu cầu cơ giới hóa.