Rộng cửa cho trái cây Việt vào Trung Quốc bằng chính ngạch

(PLO)- Con đường xuất khẩu chính ngạch được đẩy mạnh giúp trái cây Việt chủ động được thị trường, giá cả ổn định, giảm rủi ro cho doanh nghiệp và nông dân.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Trung Quốc (TQ) là thị trường lớn nhất của xuất khẩu rau quả Việt Nam. Thế nhưng từ năm 2019, kim ngạch xuất khẩu giảm khi TQ siết chặt nhập khẩu các mặt hàng rau quả từ Việt Nam thông qua các biện pháp tăng cường kiểm dịch, kiểm nghiệm, kiểm tra chất lượng, truy xuất nguồn gốc.

Việc tăng các loại trái cây được xuất khẩu chính ngạch là hướng đi bền vững của ngành hàng trái cây Việt Nam. Ảnh: AN HIỀN

Việc tăng các loại trái cây được xuất khẩu chính ngạch là hướng đi bền vững của ngành hàng trái cây Việt Nam. Ảnh: AN HIỀN

Bấp bênh tiểu ngạch

Ngoài ra, nước này cũng tăng diện tích trồng cây ăn quả, thúc đẩy tiêu thụ nội địa và chính sách kiểm soát dịch bệnh COVID-19 nghiêm ngặt tại các cửa khẩu.

Điển hình vào đầu năm, hàng ngàn xe hàng, có thời điểm lên tới 5.000 xe, chủ yếu là trái cây, nông sản bị ùn tắc tại các cửa khẩu biên giới sang TQ. Trong đó lượng hàng chờ xuất khẩu theo hình thức tiểu ngạch lớn hơn nhiều so với lượng hàng chờ xuất khẩu theo hình thức chính ngạch qua cửa khẩu quốc tế.

Ông Trần Quốc Toản, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương), cho biết dù đã cảnh báo nhiều, liên tục từ nhiều năm nhưng doanh nghiệp vẫn chủ yếu xuất khẩu qua đường tiểu ngạch. Nguyên do là sản xuất nông sản nước ta chưa bám sát nhu cầu thị trường, chất lượng, bao gói sản phẩm nhiều khi không đảm bảo, vùng trồng chậm được đăng ký, không chú ý đến truy xuất nguồn gốc...

“Việc không đủ điều kiện để xuất chính ngạch cũng giải thích vì sao các hình thức vận chuyển khác như đường biển, đường sắt rất thuận lợi nhưng rất ít thương nhân Việt Nam có thể tận dụng được” - ông Toản nói.

Những loại trái cây không đủ điều kiện xuất khẩu chính ngạch chỉ có thể bán sang TQ theo hình thức mua bán, trao đổi hàng hóa cư dân biên giới. Hệ quả dẫn đến trái cây Việt Nam phụ thuộc gần như 100% vào các cửa khẩu phụ, lối mở, tức là những điểm thông quan thường bị đóng đầu tiên khi dịch bệnh xảy ra.

Đến nay, Việt Nam có 11 loại trái cây được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường TQ gồm: Xoài, thanh long, chuối, nhãn, vải, dưa hấu, chôm chôm, mít, măng cụt, chanh dây và sầu riêng.

Hướng ra chính ngạch

Mới đây, tin tốt đến với ngành rau quả Việt Nam khi TQ đã đồng ý thí điểm nhập khẩu chính ngạch trái chanh dây và sầu riêng Việt Nam, qua đó có thể góp phần cải thiện thu nhập của hàng trăm ngàn nông dân. Bởi hiện nay, riêng mặt hàng sầu riêng đã có tổng sản lượng hằng năm lên tới khoảng 1,3 triệu tấn.

Như vậy đến nay, Việt Nam đã có tổng cộng 11 loại trái cây được xuất khẩu chính ngạch vào thị trường tỉ dân lớn nhất thế giới này, bao gồm xoài, thanh long, chuối, nhãn, vải, dưa hấu, chôm chôm, mít, măng cụt, chanh dây và sầu riêng.

Đây không chỉ là tin vui với người dân trồng sầu riêng, chanh dây mà là tín hiệu thuận lợi cho cả ngành rau quả của Việt Nam. Bởi việc tăng các loại trái cây được xuất khẩu chính ngạch là hướng đi bền vững của ngành hàng trái cây.

Ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết trước đây chúng ta xuất sang TQ chủ yếu qua hình thức tiểu ngạch, nhiều rủi ro nên cần thiết phải đẩy mạnh đàm phán, gia tăng các loại nông sản được xuất khẩu chính ngạch.

“Nếu xuất khẩu chính ngạch được đẩy mạnh giúp trái cây Việt chủ động được thị trường, giá cả ổn định, giảm nhiều rủi ro cho doanh nghiệp xuất khẩu và người sản xuất. Hơn nữa, hiện nay TQ cũng đã hạn chế tối đa xuất khẩu tiểu ngạch thì chỉ còn con đường duy nhất là xuất khẩu chính ngạch” - ông Bình nói.

Tuy nhiên, để đẩy mạnh việc xuất khẩu chính ngạch còn nhiều việc phải làm. Ông Nguyễn Quang Hiếu, Trưởng phòng Hợp tác quốc tế và truyền thông thuộc Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN&PTNT), cho biết khi xuất khẩu trái cây sang TQ phải tuân thủ các luật, quy định và tiêu chuẩn liên quan đến vệ sinh an toàn thực phẩm, không nhiễm các chất thuộc kiểm dịch thực vật mà nước bạn quy định.

Ngoài ra, theo quy định, tất cả vùng trồng cũng như cơ sở đóng gói trái cây xuất khẩu sang TQ phải được đăng ký với Bộ NN&PTNT, được Bộ và Tổng cục Hải quan TQ phê duyệt.

Những lô hàng từ các vườn trồng, cơ sở đóng gói không đăng ký sẽ không được xuất khẩu vào TQ. Trong trường hợp phát hiện lô hàng không phù hợp với tiêu chuẩn an toàn thực phẩm quốc gia của TQ, lô hàng sẽ bị từ chối nhập khẩu hoặc tiêu hủy.

Theo ông Hiếu, thị trường TQ đã thay đổi rất nhiều, đòi hỏi nông dân, doanh nghiệp, nhà quản lý nước ta phải thay đổi thói quen, tập quán canh tác theo hướng tổ chức lại sản xuất, gắn với chuẩn hóa quy trình sản xuất. Trái cây Việt Nam phải có mã số vùng trồng, mã số cơ sở đóng gói, truy xuất nguồn gốc để đảm bảo quản lý chất lượng sản phẩm từ gốc.•

Sầu riêng được doanh nghiệp cấp đông ngay sau khi thu mua để xuất khẩu. Ảnh: QUANG HUY

Sầu riêng được doanh nghiệp cấp đông ngay sau khi thu mua để xuất khẩu. Ảnh: QUANG HUY

Cơ hội xuất sầu riêng cấp đông sang Mỹ, Nhật

Sáng 22-7, Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) và các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài phối hợp tổ chức phiên tư vấn xuất khẩu sản phẩm sầu riêng Việt Nam.

Ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam, cho biết Bộ NN&PTNT Việt Nam và Tổng cục Hải quan TQ đã ký nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật với quả sầu riêng Việt Nam xuất khẩu sang TQ. Đây là cơ sở pháp lý để sầu riêng Việt Nam được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này.

Hiện nay đã có phương pháp cấp đông mới sử dụng khí ni-tơ lỏng, cấp đông đạt -18 độ C chỉ mất 1 giờ đồng hồ, nhanh gấp nhiều lần so với cấp đông thông thường. Sau khi rã đông thì hương vị như sầu riêng tươi.

Ngoài thị trường TQ, theo ông Nguyên, sầu riêng Việt Nam có thể xuất khẩu đi các nước dưới hình thức cấp đông nguyên trái hoặc tách múi, chủ yếu ở các thị trường có đông người Việt sinh sống như Mỹ, Úc, EU, Nhật Bản... với loại sầu riêng ri 6.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm