Ông Nguyễn Văn Tập – Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long cho biết huyện Bình Tân là huyện nông nghiệp. Do đó, kinh tế của huyện muốn phát triển thì phải tập trung đầu tư cho phát triển nông nghiệp, tái cơ cấu ngành nông nghiệp, phát triển cây trồng, vật nuôi chủ lực, lợi thế của huyện.
Hướng đến xuất khẩu khoai lang qua đường chính ngạch
Hiện huyện có 20 HTX và 2 Quỹ tín dụng đang hoạt động, tăng 11 HTX so với năm 2011; 100% HTX hoạt động theo đúng Luật Hợp tác xã năm 2012. Cây khoai lang là cây trồng chủ lực của huyện, có 220ha khoai lang được chứng nhận VietGAP và sản xuất theo hướng IPM. Diện tích trồng hằng năm khoảng 10.000ha, ước sản lượng trung bình khoảng 300.000 tấn.
Hiện trên địa bàn huyện có các công ty, doanh nghiệp, HTX và các vựa khoai chuyên thu mua và cung cấp ra thị trường với sản lượng trung bình từ 25.000-29.000 tấn/tháng.
Nông dân Bình Tân phân loại khoai lang giao cho thương lái. Ảnh: HD
Ông Tập cũng thừa nhận thị tường tiêu thụ hiên nay cũng đang là một vấn đề luôn được tỉnh và huyện quan tâm tháo gỡ. “Chỉ có loại khoai lang tím là xuất khẩu nhưng cũng chỉ theo đường tiểu nghạch. Tình hình dịch COVID-19 vừa qua, khoai không xuất được qua Trung Quốc nên giá rớt thể thảm, còn khoai lang trắng thì chỉ tiêu thụ nội địa.
Hiện tỉnh đang gấp rút triển khai đề nghị Cục BVTV cấp mã số vùng trồng cho 251ha khoai lang, phấn đấu trong năm 2022 này hoàn thành để sớm đưa khoai xuất khẩu theo đường chính ngạch”, ông Tập thông tin.
Ông Tập khẳng định Bình Tân vẫn tiếp tục duy trì và giữ cây khoai lang là cây trồng truyền thống, chủ lực và mang lại hiệu quả cao.
Những cánh đồng khoa lang bạc ngàn tại thủ phủ khoai lang Bình Tân, Vĩnh Long. Ảnh: HD
Cũng theo ông Tập, hiện huyện cũng đã đặt hàng Trường Đại học Cần Thơ khôi phục giống khoai thông qua nuôi cấy mô; hướng nông dân đến sản xuất khoai lang an toàn, sử dụng chế phẩm sinh học, phân hữu cơ đảm bảo sản xuất sạch, có thể tận dụng hết tất cả bộ phận của cây khoai lang.
Cạnh đó, địa phương cũng hướng đến phát triển du lịch gắn với nông nghiệp như cho du khách tham quan, trải nghiệm trồng, thu hoạch khoai và được thưởng thức khoai tại chỗ…
Hoàn thành các mục tiêu Nông thôn mới
Thông tin về kết quả thực hiện xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2011-2021 của huyện Bình Tân, ông cho biết huyện triển khai chương trình Mục tiêu quốc gia về xây dựng NTM trong điều kiện địa phương nông nghiệp có điểm xuất phát thấp về kinh tế, nguồn lực đầu tư, chất lượng nhân lực thấp, sản xuất nông nghiệp chưa tương xứng tiềm năng lợi thế vai trò vị trí tiềm lực.
Song với sự nỗ lực và quyết tâm chính trị cao cùng với sự đồng thuận chung sức chung lòng của nhân dân đến nay huyện Bình Tân đã tập trung mọi nguồn lực quyết tâm thực hiện thành công nhiệm vụ xây dựng Huyện Bình Tân đạt chuẩn nông thôn mới. Hiện huyện đã hoàn thành 9/9 xã đạt chuẩn nông thôn mới (trong đó có 03 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao) và đạt 9/9 tiêu chí Huyện nông thôn mới.
Ông Nguyễn Văn Tập – Phó Bí thư, Chủ tịch UBND huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long. Ảnh: HD
Tiếp tục phát huy nhưng kết quả đạt được, Bình Tân đặt mục tiêu đến năm 2025 giữ vững và nâng chất 09/09 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới và 04 xã nông thôn mới nâng cao và 01 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; số khu dân cư ấp nông thôn mới kiểu mẫu đạt 8 ấp.
Nâng cao chất lượng cuộc sống của người dân nông thôn, phấn đấu đến năm 2025 thu nhập bình quân đầu người đạt 70-75triệu đồng/người/năm; tỷ lệ hộ nghèo giảm < 1,1%; 100% số trường học các cấp đạt chuẩn quốc gia.
Cạnh đó huyện tập trung phát triển các sản phẩm đặt trưng, thế mạnh của huyện tham gia Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP), phấn đấu đến cuối năm 2025 huyện có ít nhất 15 sản phẩm được công nhận sản phẩm OCOP cấp tỉnh. Hiện huyện có 06 sản phẩm OCOP được tỉnh công nhận trong đó có 02 sản phẩm đạt 4 sao.