Chiều 20-7, tại phiên chất vấn kỳ họp thứ 8 HĐND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu khoá VI (2016-2021), các đại biểu đã dành nhiều câu hỏi chất vấn ông Trần Văn Cường, giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu xoay quanh việc thí điểm nạo vét các hồ chứa nước, tận thu khoáng sản trên địa bàn tỉnh thời gian qua.
Pháp lý chưa đúng đã khẩn trương mang cát đi
Theo đại biểu Nguyễn Thị Vân Anh, ở dự án thí điểm nạo vét hồ thuỷ lợi hiện nay, nhà đầu tư tạm ứng 100% vốn đầu tư sau đó sẽ được hoàn trả chủ yếu thông qua tận thu khối lượng vật liệu nạo vét sau khi được các ngành chức năng thẩm định giá.
Như vậy theo quy định của Luật Đầu tư công, đây chính là các dự án đầu tư theo hình thức đối tác công tư. Dự án phải nằm trong kế hoạch đầu tư trung hạn 2016-2020 và kế hoạch đầu tư hàng năm. Dự án phải được đấu thầu. Quá trình thực hiện phải có hợp đồng, có sự giám sát, theo dõi…
Tuy nhiên các dự án nạo vét thời gian qua được triển khai ồ ạt, không theo quy định, ảnh hưởng đến môi trường sinh thái, có nguy cơ thất thoát khoáng sản là tài sản của Nhà nước.
"Đề nghị giám đốc Sở NN&PTNT cho biết quá trình triển khai có thông qua cơ quan chuyên môn chưa? Sở có tham mưu cho tỉnh tổng kết việc thí điểm? Liệu có lợi ích nhóm trong triển khai nạo vét”, bà Anh đặt câu hỏi.
Đại biểu Bùi Chí Tình hỏi thêm: Các DN khi khai thác chưa đảm bảo yêu cầu về pháp lý nhưng tiến độ thực hiện rất nhanh, khẩn trương đưa cát đi. Đây là các hồ ảnh hưởng rất lớn đến người dân, cần tính toán thời gian khai thác, đánh giá tác động ảnh hưởng.
“Hồ Bút Thiền khai thác đến 5 năm, độ sâu 5 m, huyện Long Điền từng có văn bản có ý kiến liệu có phù hợp hay không? Như vậy việc nạo vét hồ có đưa ra bàn bạc, thống nhất?”- đại biểu Tình nêu vấn đề.
Thí điểm trong khi chưa có quy chế quản lý
Trả lời, ông Trần Văn Cường, Giám đốc Sở NN&PTNT, khẳng định không có lợi ích nhóm. Theo chủ trương của UBND tỉnh (được Ban Thường vụ Tỉnh uỷ thông qua) cho phép DN được tham gia nạo vét hồ thuỷ lợi theo hình thức xã hội hoá Sở NN&PTNT tham mưu, thẩm định về mặt kỹ thuật.
Việc nạo vét các hồ là cần thiết sau nhiều năm hoạt động để đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp, sinh hoạt… Hồ Sông Hoả, Sông Kinh, hồ Bút Thiền là một trong số các hồ được thí điểm trước khi triển khai đại trà.
Đến nay cũng chưa có một văn bản nào quy định quy chế phối hợp giữa các sở, ngành, địa phương để quản lý việc nạo vét. Sở NN&PTNT đã dự thảo, lấy ý kiến nhưng phải chỉnh sửa để trình lại UBND tỉnh trước khi ban hành.
Tuy vậy việc triển khai nạo vét trong thời gian qua có những sai xót. Các DN khi thực hiện chưa bàn giao mốc ranh giới khu vực nạo vét; chưa tuân thủ đầy đủ các quy định về cấp giấy phép khai thác khoáng sản, chưa thực hiện giám sát môi trường định kỳ, chưa thực hiện đúng thiết kế nên bùn thảo trong nạo vét dẫn tới đục nước tưới tiêu của dân… Lỗi thuộc về các công ty, trách nhiệm của bên quản lý hồ trong đó có Sở và các địa phương.
“Chúng tôi xin nhận trách nhiệm và đã có kiểm điểm, kiến nghị tỉnh giao một đơn vị giám sát độc lập việc nạo vét, DN sẽ phải trả tiền”- ông Cường nói.
DN nạo vét hồ Bút Thiền không ghi thời gian khởi công, ngày hoàn thành công trình
Ông Cường cũng cho rằng về kỹ thuật, thời gian nạo vét là đúng. Ở hồ Bút Thiền do có sự tranh chấp với người dân nên có sự phối hợp chưa đồng bộ trong giải quyết, không phải huyện không ủng hộ chủ trương nạo vét.
Trả lời về việc đây có phải dự án đầu tư đối tác công tư, ông Lê Hoàng Hải, Giám đốc Sở KH&ĐT, cho rằng khi được Sở NN&PTNT lấy ý kiến, Sở này đã yêu cầu xác định rõ quy trình, cơ chế quản lý các hồ như thế nào. Từ đó xác định trách nhiệm, kinh phí nạo vét từ nguồn nào. Nếu là thí điểm xã hội hoá thì Sở KH&ĐT sẽ về nghiên cứu thêm…
Sau khi nghe xong, ông Trần Đình Khoa, Phó chủ tịch HĐND tỉnh- điều hành phiên hỏi và trả lời chất vấn đã đề nghị lãnh đạo Sở Xây dựng trả lời ngay: “Khi nạo vét hồ Bút Thiền, Sở NN&PTNT có tham khảo ý kiến Sở Xây dựng không?”.
Khi Sở Xây dựng trả lời là không, ông Trần Đình Khoa, thông tin thêm: “Với một chủ trương như vậy thì đây là đầu tư công. Sở NN&PTNT khi thực hiện không tham khảo ý kiến Sở Xây dựng ở dự án hồ Bút Thiền là không chấp nhận được. Bởi hồ Bút Thiền đã có quy hoạch dự án du lịch (số tiền hơn 1,5 tỉ đồng lập quy hoạch). Nhưng khi nạo vét đã bất chấp quy hoạch”.
Tiếp thu chất vấn của các đại biểu, ông Nguyễn Văn Trình, Chủ tịch UBND tỉnh thẳng thắn thừa nhận việc khai nạo vét thời gian qua bị buông lỏng, ảnh hưởng nguồn nước. Có những nơi cần phải đình ngay.
“Tôi đã đề nghị tạm dừng việc nạo vét các hồ để chờ hướng dẫn thực hiện chung của Chính phủ. Hồ nào cấp thiết như hồ Đá Đen thì phải được xem xét, đánh giá kỹ”- ông Trình nhấn mạnh.