Có nên học lý thuyết lái xe online?

(PLO)- Học online, người học có thể tự học mọi lúc, mọi nơi, tiết kiệm chi phí, thời gian học tập, đồng thời vẫn có thể trao đổi thông tin.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mới đây, Sở GTVT TP.HCM có văn bản trình UBND TP đề xuất triển khai đề án thí điểm “đào tạo tập trung trên nền tảng số và hệ thống quản trị cơ sở đào tạo nghề lái ô tô hạng B (B1, B2), C”. Cụ thể, hình thức học tập của đào tạo trên nền tảng số là sử dụng công nghệ thông tin và truyền thông để giảng dạy như máy tính, điện thoại, Internet, phần mềm, ứng dụng, trang web.

Ủng hộ đề xuất

Trao đổi với PV về đề xuất trên, ông Nguyễn Văn Lương, giáo viên dạy lái xe, cho biết ông ủng hộ việc dạy học theo hình thức trực tuyến. Thời điểm dịch COVID-19, các trường đều tổ chức học online, đến nay nhiều trường cũng đào tạo trên hình thức này và đã có hiệu quả. Tuy nhiên, ông Lương băn khoăn liệu học viên có được tương tác hay không, kết nối mạng với từng học viên ra sao và có cần điểm danh theo quy định như học trực tiếp hay không?

Nhiều nước trên thế giới như Mỹ hay Đức đều học lý thuyết lái xe online nhưng khi thi thì sẽ đến trực tiếp đơn vị sát hạch để thi. Việc học lý thuyết khá dễ dàng nhưng bộ đề thi bắt buộc người học phải học thì mới thi được. Tại các trung tâm sát hạch lái xe sẽ có máy tính để học viên đến thi, nếu không đạt, sau 2 tiếng học viên có thể thi lại nếu muốn.

Một số nước ở khu vực châu Á cũng thực hiện việc học lý thuyết online, thậm chí học viên muốn học sao cũng không giám sát mà chỉ nắm kết quả thi cuối cùng. Nếu cơ quan nhà nước muốn đạt được hiệu quả cao trong việc học và thi có thể nâng mức phạt lên, lúc đó người dân sẽ tự ý thức được và không vi phạm.

Ông NGUYỄN MINH ĐỒNG, chuyên gia ô tô

“Bộ GTVT nên thống nhất quan điểm làm sao việc học đạt kết quả tốt nhất chứ không nhất thiết phải học trực tiếp, bởi học trực tiếp mà học viên không nghe giảng cũng như không” - ông Lương nói.

Tương tự, ông Lê Trung Tính, Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô hành khách TP.HCM, cũng đồng tình với đề xuất. “Việc học lý thuyết đào tạo lái xe trên môi trường số đã được nhiều nước trên thế giới áp dụng từ lâu và mang lại hiệu quả rõ rệt về chất lượng đào tạo. Vì thế, Việt Nam cũng cần thực hiện để bắt kịp xu thế 4.0 và nâng cao chất lượng đào tạo” - ông Tính cho hay.

Ông Tính cũng cho biết ngoài các môi trường đại học, hay thời điểm dịch COVID-19, hiện nay một số đơn vị tập huấn lái xe cũng đang thực hiện mô hình dạy trực tuyến. “Tài xế có thể tranh thủ thời gian để học bất kể lúc nào và ở đâu” - ông Tính nói thêm.

Bà Huỳnh Thị Thu Hồng, Phó Giám đốc Trung tâm Đào tạo và sát hạch lái xe Hoàng Gia, cho rằng nên song song hai hình thức trực tiếp và trực tuyến để những người không rành về công nghệ cũng có thể đi học trực tiếp nếu muốn. “Đặt trường hợp là người học lái xe, học viên sẽ chọn mô hình nào linh động, phù hợp với thời gian của mình hơn là việc đến trực tiếp tại lớp học. Hơn nữa, người học chưa rõ có thể quay lại để học thêm lần nữa” - bà Hồng cho hay.

Cũng theo bà Hồng, việc học trực tuyến phù hợp nhưng cần phải tính toán làm sao với trường hợp học viên chỉ đăng nhập tài khoản nhưng không ngồi học nghiêm túc? Điểm danh và báo cáo như thế nào để không đi ngược lại với những quy định hiện hành? “Chương trình học lý thuyết hiện nay khá nặng. Ví dụ, học B1 là liên tục 17 ngày, B2 là 21 ngày. Vậy học trực tuyến có gì để chứng minh, kiểm tra hết môn trên hình thức đó hay lại phải tổ chức một buổi thi trực tiếp tại trường? Rồi bài học, bài tập có phải đưa lên trực tuyến hay không” - bà Hồng đặt câu hỏi.

Học viên học lái xe tập trung tại Trung tâm Đào tạo và sát hạch lái xe Hoàng Gia. Ảnh: THY NHUNG

Học viên học lái xe tập trung tại Trung tâm Đào tạo và sát hạch lái xe Hoàng Gia. Ảnh: THY NHUNG

Học viên học lái xe tại Trường CĐ Giao thông vận tải. Ảnh: THY NHUNG

Học viên học lái xe tại Trường CĐ Giao thông vận tải. Ảnh: THY NHUNG

Học lý thuyết online là phù hợp

Ông Bùi Hòa An, Phó Giám đốc Sở GTVT TP, cho rằng việc thực hiện chuyển đổi số tại các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực đào tạo lái ô tô, thay đổi phương thức đào tạo các môn học lý thuyết từ truyền thống sang đào tạo theo mô hình tập trung trên nền tảng số phù hợp với chương trình chuyển đổi số, chiến lược phát triển chính phủ điện tử của Chính phủ.

Do đó, Sở GTVT đề xuất UBND TP có văn bản kiến nghị Bộ GTVT có ý kiến chấp thuận cho Công ty TNHH Ô tô Hiệp Phát thực hiện đề án thí điểm này. Sau khi được Bộ GTVT thống nhất triển khai đề án thí điểm này sẽ triển khai thực hiện tại các cơ sở đào tạo lái xe khác trên địa bàn TP nhằm tránh tình trạng độc quyền.

Ông Lương Duyên Thống, Trưởng phòng Quản lý vận tải phương tiện và người lái, Cục Đường bộ Việt Nam, cho biết hiện Luật Giáo dục nghề nghiệp đã cho phép đào tạo học nghề theo hình thức học trực tiếp, trực tuyến, từ xa. Tuy nhiên, Luật Giao thông đường bộ chỉ cho phép không phải học tập trung đối với các hạng giấy phép lái xe (GPLX) không thời hạn như A1, A2, A3 (cấp cho người lái mô tô), A4 (cấp cho người lái máy kéo) và B1 (cấp cho người không hành nghề lái xe điều khiển ô tô đến chín chỗ; xe tải, máy kéo dưới 3.500 kg).

Đối với GPLX hạng B2 trở lên bắt buộc học tập trung. Trong thời gian giãn cách xã hội do dịch COVID-19, Bộ GTVT cũng cho các sở GTVT tổ chức đào tạo trực tuyến về cấp GPLX nhưng đây là giải pháp tình thế, cấp bách.

Tuy nhiên, theo ông Thống, trước ý kiến của một số cơ sở đào tạo lái xe và xu hướng hiện nay, ngành giao thông cũng nhìn nhận cần phải điều chỉnh hình thức học cho phù hợp. Vì vậy, Bộ GTVT đang giao cho Cục Đường bộ nghiên cứu quy định đào tạo hình thức không tập trung các hạng GPLX B2, C, D, E, F. “Việc sửa đổi này sẽ được thực hiện trong thời gian tới, không chờ đến khi sửa Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ (tách ra từ Luật Giao thông đường bộ)” - ông Thống cho hay.•

Sẽ có tương tác giữa người dạy và người học

PGS-TS Nguyễn Thị Bích Hằng, giảng viên Trường ĐH GTVT Phân hiệu TP.HCM, một trong những người nghiên cứu đề án, cho biết vấn đề học lý thuyết tập trung rất khó đối với người học lái xe. Bản thân một số đơn vị đào tạo, sát hạch lái xe hiện nay cũng khó để có đội ngũ giáo viên dành toàn thời gian cho việc dạy lý thuyết, bởi để có đội ngũ giáo viên chuyên dạy lý thuyết cũng là “gánh nặng” cho các đơn vị đào tạo lái xe.

Theo bà Hằng, học lái xe không như học đại học là có khóa khai giảng mà nó phát sinh trên nhu cầu của người học.

Cũng theo bà Hằng, hiện tại các trường đại học được Bộ GD&ĐT cho phép 30% khối lượng giảng dạy lý thuyết cho giảng online thì đối với việc học lái xe sẽ phù hợp vì nó chưa chiếm đến 30% theo quy định.

“Trong đề án có sự tương tác giữa người dạy và người học, người dạy sẽ có sự kiểm tra, đánh giá xem người học có thực sự nắm được kiến thức hay không. Có những diễn đàn để học viên và người dạy giao lưu. Nội dung này đang tiệm cận với những quy định về giảng dạy trực tuyến và các chương trình đào tạo” - bà Hằng nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm