Tại phiên chất vấn ngày 9-11 của Quốc hội, ĐBQH Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội) nêu ra tình trạng dịch COVID-19 và thảm hoạ bão lũ tại miền Trung đã gây thiệt hại lớn về người và của.
Mặc dù cả nước đã vào cuộc ứng phó, tuy nhiên vẫn có những bất cập về hành lang pháp lý.
ĐBQH Nguyễn Văn Chiến (Hà Nội)
“Ở các quốc gia đều có Bộ tình trạng khẩn cấp, còn chúng ta có cả hệ thống chính trị, toàn dân vào cuộc mỗi khi thiên tai, dịch bệnh nhưng vận hành khó khăn. Vậy chúng ta có cần một đạo luật về vấn đề này? Giao cho một bộ chuyên trách về tình trạng khẩn cấp để đối phó với tình trạng thiên tai, dịch bệnh đang diễn biến ngày càng phức tạp như hiện nay hay không?” - ĐB Nguyễn Văn Chiến nói.
Trả lời, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cho biết trước diễn biến phức tạp của thiên tai, thực hiện quy định của Luật Phòng chống thiên tai, Thủ tướng đã quyết định thành lập cơ quan trung ương về phòng chống thiên tai (do Bộ NNPT&NT là cơ quan thường trực) và Uỷ ban quốc gia về ứng phó sự cố và tìm kiếm cứu nạn (do Bộ Quốc phòng là cơ quan thường trực). Ở địa phương cũng có ban chỉ đạo phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
“Đây là hai cơ quan rất quan trọng, phối hợp liên ngành, có trách nhiệm chỉ đạo trực tiếp, đồng thời có chức năng tham mưu cho Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ để chỉ đạo các ngành địa phương trong công tác phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn” - ông Dũng nói.
Về việc có cần một đạo luật giao cho một bộ chuyên trách về tình trạng khẩn cấp chịu trách nhiệm phòng chống thiên tai dịch bệnh hay không, ông Dũng cho biết hiện thế giới có nhiều mô hình khác nhau về phòng chống thiên tai.
Cụ thể có khoảng 10 nước (Nga, Trung Quốc, Ukraina…) thành lập bộ tình trạng khẩn cấp với chức năng ngoài ứng phó thiên tai, thảm hoạ còn có trách nhiệm xử lý khủng hoảng về an ninh, phòng chống dịch bệnh trên quy mô lớn.
Một số quốc gia, vùng lãnh thổ khác (Mỹ, Canada…) thành lập cơ quan phòng chống thiên tai quốc gia, nhiều nước thành lập cơ quan tương tự như mô hình của Việt Nam.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng.
“Chính phủ sẽ tiếp tục tổng kết thực tiễn trong quá trình chỉ đạo phòng chống thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ cứu nạn, các kinh nghiệm quốc tế, nghiên cứu mô hình phù hợp nhất, cũng như giải pháp để huy động sức dân trong việc phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn, giúp đỡ nhau trong quá trình chịu thiệt hại do thiên tai để báo cáo cơ quan thẩm quyền xem xét quyết định’ - ông Dũng nói.
Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng cũng thừa nhận công tác phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn còn có hạn chế như các ĐBQH đã nêu.
“Nguyên nhân do tính chuyên nghiệp của các lực lượng ứng phó thiên tai, cứu hộ, cứu nạn còn hạn chế. Phương tiện, trang thiết bị vừa thiếu, chưa hiện đại, chưa đáp ứng được yêu cầu. Từ phòng cháy chữa cháy, cứu hộ cứu nạn ngoài biển chúng ta đều đang thiếu” - ông Dũng nói thêm.
Theo ông, thời gian tới Việt Nam cần tập trung nghiên cứu, kiện toàn tổ chức bộ máy. Yêu cầu là phải có một lực lượng phòng chống thiên tai, ứng phó sự cố, tìm kiếm cứu nạn chuyên nghiệp có trang thiết bị hiện đại để ứng phó có hiệu quả với mọi loại hình thiên tai, sự cố có thể xảy ra.
“Đặc biệt phải hoàn thành lực lượng xung kích tại cơ sở, có tính chuyên nghiệp. Đây là vấn đề rất quan trọng. Thành công cứu hộ, cứu nạn trong thời gian vừa qua, lực lượng tại chỗ có vai trò quyết định” - Phó Thủ tướng nói.
Đồng thời đầu tư trang thiết bị cho các địa phương, ví dụ bổ sung trực thăng chuyên dùng, tàu cứu hộ cứu nạn xa bờ, tàu lớn, thường xuyên tổ chức diễn tập để tăng cường sự phối hợp để ứng phó với mọi loại hình thiên tai khác nhau; xây dựng trung tâm điều hành quốc gia về phòng chống thiên tai...