Phó Thủ tướng: Cần thiết điều trực thăng cứu nạn

Ngày 21-10, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng – Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai chủ trì Hội nghị chỉ đạo ứng phó với bão và mưa, lũ các tỉnh miền Trung.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng, Trưởng Ban chỉ đạo trung ương về phòng, chống thiên tai, tại cuộc họp của ban chỉ đạo sáng 21-10.  Ảnh: VGP

 

Chủ động phòng chống bão

Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng cho biết: Dù đã có dự báo sớm và cả hệ thống vào cuộc rất quyết liệt nhưng với những diễn biến bất thường của bão, lũ, sạt lở đất ở các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên thời gian qua gây thiệt hại nặng nề nhất trong 5 năm trở lại đây.

Khi kiểm tra vùng thiệt hại do mưa lũ, sạt lở đất, Phó Thủ tướng nhận thấy vẫn còn nhiều hộ dân rất khó khăn, nhất là về lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm khác.

"Tôi đề nghị tập trung cứu trợ người dân... Khẩn trương cứu trợ về lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cho bà con. Bão số 8 đang vào và dự kiến vùng ảnh hưởng rất rộng vì thế công tác cứu trợ phải khẩn trương hơn nữa. Cần nhất bây giờ là chất đốt để nấu nướng, vì điện lưới nhiều nơi đang mất", Phó Thủ tướng chỉ đạo.

Ông cũng cho hay nhiều đoàn cứu trợ mới chỉ vào khu vực thuận lợi về giao thông, còn nhiều chỗ khó khăn hàng cứu trợ chưa đến được với người dân. Phó Thủ tướng đề nghị Bộ NN&PTNT tiếp tục cử đoàn vào các tỉnh miền Trung nắm sát nhu cầu cần hỗ trợ của bà con. "Ngoài lương thực cần chú ý hỗ trợ các loại thực phẩm, rau xanh... đảm bảo đủ dinh dưỡng, sức khỏe cho người dân" -  Phó Thủ tướng lưu ý.

Hàng hóa cứu trợ cần tập trung giao về đầu mối các địa phương, Mặt trận Tổ quốc, cơ quan chuyên trách mới nắm được chính xác danh sách, từ đó hàng cứu trợ mới đến đúng các hoàn cảnh cần hỗ trợ. Trước mắt, Phó Thủ tướng yêu cầu hỗ trợ mỗi tỉnh 5 tấn xúc xích và phải làm thế nào để đến tận tay người dân.

Bộ NN&PTNT phối hợp với các đơn vị chuyên trách của Bộ Quốc phòng tính toán phương án sử dụng trực thăng để đẩy nhanh tốc độ cứu trợ người dân vùng lũ.

Cùng với đó, Phó Thủ tướng cũng yêu cầu các lực lượng có liên quan cùng địa phương phải vào dồn tổng lực vào cuộc hướng dẫn ngư dân trên biển và ven biển phải kịp thời vào nơi tránh trú, bảo đảm an toàn cho những người dân nuôi trồng thủy sản trên biển, khách du lịch

Việc đảm bảo an toàn trên đất liền cần tiếp tục được thực hiện kịp thời, các địa phương có phương án sơ tán dân khỏi các khu vực nguy hiểm như nước ngập sâu, chảy xiết, gần các công trình không an toàn...

Huy động tàu, thuyền, máy bay ứng phó bão

Đánh giá dù hiện nay bão số 8 vẫn còn cách xa đất liền nhưng gió đã bắt đầu có tác động trên biển. Do đó, nếu không chủ động phương án ứng phó cũng dẫn đến nguy cơ mất an toàn.

Trước đó, báo cáo với Phó Thủ tướng, ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Tổng cục Phòng chống thiên tai, Phó trưởng Ban chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống thiên tai, cho biết tính đến 6h ngày 21-10, các địa phương đã thông báo, kiểm đếm, hướng dẫn cho gần 53.000 tàu thuyền (hơn 263.000lao động) biết về cơn bão để di chuyển, thoát khỏi vùng nguy hiểm.

Thiếu tướng Doãn Thái Đức, Chánh văn phòng Ủy ban Quốc gia về Ứng phó sự cố thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cũng cho biết đã huy động lực lượng quân đội sẵn sàng ứng trực, ứng phó với bão số 8. "Đã có gần 700.00 lượt người với hơn 5.300 phương tiện, gồm cả 4 máy bay, tàu biển, ca nô… được huy động tham gia ứng trực ứng phó với bão số 8" - thiếu tướng Đức thông tin.

Cạnh đó, ông Cường cũng đặc biệt lưu ý toàn bộ hướng sườn tây của khu vực miền Trung đang trương nước bão hòa, do đó bất kỳ tổn thương nào dù nhỏ cũng gây nguy cơ sạt lở rất lớn. Vì vậy việc cứu hộ cứu nạn, phục hồi kinh tế cần đặc biệt lưu ý. Ngoài ra, hiện hệ thống các hồ thủy điện, thủy lợi đang đầy ắp nước nên phải đặt trong tầm kiểm soát chặt chẽ nhất.

Sau chỉ đạo của Phó Thủ tướng, trong chiều 21-10, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường đã dẫn đầu đoàn công tác vào Quảng Bình, Quảng Trị để trực tiếp chỉ đạo công tác khắc phục hậu quả mưa lũ và phương án ứng phó với bão số 8.

134 người chết và mất tích

Tính đến 18h ngày 21-10, tổng số người chết và mất tích do mưa lũ đã tăng lên 134 người, tăng một người so với ngày 20-10.

Hơn 120.000 hộ dân ở hai tỉnh Hà Tĩnh, Quảng Bình còn ngập trong nước lũ. Quảng Trị cơ bản nước đã rút khỏi nhà dân, chỉ còn một số tuyến đường ở vùng trũng thấp ngập nhẹ.

.........................

Xuất 5.000 tấn gạo hỗ trợ người dân vùng lũ

Thủ tướng đã đồng ý xuất gạo dự trữ quốc gia và tạm cấp từ dự phòng ngân sách trung ương năm 2020 hỗ trợ năm tỉnh Quảng Bình, Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Quảng Nam và Hà Tĩnh mỗi tỉnh 1.000 tấn gạo và 100 tỉ đồng để cứu trợ khẩn cấp cho người dân vùng lũ, thực hiện công tác cứu hộ, cứu nạn, an sinh xã hội.

Quân khu 4 đã cử các đoàn công tác đến thăm và trao 1.200 thùng mì tôm, 2 tấn gạo, 8,5 tấn lương khô hỗ trợ đồng bào bị lũ lụt của tỉnh Thừa Thiên-Huế. Tỉnh Thừa Thiên-Huế chỉ đạo các huyện, thị xã và TP Huế huy động lực lượng hỗ trợ người dân tập trung khắc phục nhà cửa bị hư hỏng, tổ chức dọn dẹp vệ sinh để đảm bảo sinh hoạt trở lại của người dân; tập trung chỉ đạo khôi phục đường giao thông, hệ thống điện, viễn thông sau khi lũ rút; cấp phát và phân phối 78 tấn gạo, 450 thùng bánh gạo và 38.700 thùng mì tôm, 150 suất hàng hỗ trợ khẩn cấp.

Các tỉnh Thừa Thiên-Huế, Quảng Bình, Quảng Trị, Hà Tĩnh và Quân khu 4 huy động nhiều phương tiện, vật tư, máy móc, nhân lực để tổ chức di dời dân và khắc phục hậu quả do mưa lũ, ngập sâu diện rộng, sạt lở đất.

A.HIỀN 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm