Có ngân hàng 'đi đêm' lãi suất tiết kiệm, cao gấp đôi so với niêm yết

(PLO)- Mặc dù tiền trong hệ thống vẫn dư thừa, nhu cầu vay vốn của người dân và doanh nghiệp chưa tăng đột biến, song vẫn có ngân hàng thương mại lách luật để vượt trần lãi suất huy động.

Hiện Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến góp ý cho dự thảo Thông tư quy định về việc áp dụng lãi suất đối với tiền gửi bằng đồng Việt Nam (VND) của tổ chức, cá nhân tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài. Đây là dự thảo Thông tư thay thế Thông tư số 07/2014 của NHNN.

Nghiêm cấm thực hiện khuyến mãi dưới mọi hình thức

Một trong những nội dung đáng chú ý tại dự thảo Thông tư là nghiêm cấm tổ chức tín dụng thực hiện khuyến mãi dưới mọi hình thức (bằng tiền, lãi suất và các hình thức khác) không đúng với quy định của pháp luật khi nhận tiền gửi bằng VND.

"Tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài khi huy động tiền gửi bằng VND của tổ chức và cá nhân không vượt mức lãi suất tối đa đối với tiền gửi không kỳ hạn. Tiền gửi có kỳ hạn dưới 1 tháng, tiền gửi có kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng do Thống đốc NHNN quyết định trong từng thời kỳ và đối với từng loại hình tổ chức tín dụng"- dự thảo nêu rõ.

Lãi suất tối đa đối với tiền gửi bằng VND được hiểu là đã bao gồm cả khoản chi khuyến mãi dưới mọi hình thức, áp dụng đối với phương thức trả lãi cuối kỳ và các phương thức trả lãi khác được quy đổi theo phương thức trả lãi cuối kỳ. Đối với tiền gửi bằng VND kỳ hạn từ 6 tháng trở lên của tổ chức và cá nhân tại tổ chức tín dụng, lãi suất sẽ do tổ chức tín dụng ấn định trên cơ sở cung cầu vốn thị trường.

Tiền trong hệ thống vẫn dư thừa. Ảnh:T.L

Một điểm đáng chú ý nữa của dự thảo Thông tư là NHNN bổ sung, chỉnh sửa quy định tổ chức tín dụng niêm yết công khai lãi suất tiền gửi bằng VND tại địa điểm giao dịch hợp pháp thuộc mạng lưới hoạt động của tổ chức tín dụng và đăng tải trên trang thông tin điện tử (nếu có) của tổ chức tín dụng, để đồng bộ với quy định tại các Thông tư quy định về tiền gửi của NHNN.

Hiện nay NHNN quy định mức trần lãi suất tiền gửi không kỳ hạn (tức là tiền gửi trong tài khoản thanh toán là 0,5%/năm) và trần lãi suất của các kỳ hạn dưới 6 tháng là 4,75%/năm.

Vẫn có ngân hàng vượt trần lãi suất

Dù quy định hiện hành về trần lãi suất tiền gửi không kỳ hạn và tiền gửi kỳ hạn dưới 6 tháng đã có, nhưng vẫn có ngân hàng cố tình “vượt rào”.

Chia sẻ với Pháp Luật TP.HCM, một lãnh đạo doanh nghiệp nhỏ tại TP.HCM cho biết: Theo biểu lãi suất niêm yết công khai của một ngân hàng thương mại thì tiền gửi kỳ hạn 3 tháng chỉ được chi trả mức lãi suất 3%/năm, ngay cả kỳ hạn 12 tháng cũng chỉ được 4,5%/năm.

"Thế nhưng khi biết tôi muốn gửi kỳ hạn 3 tháng với số tiền lên đến 45 tỉ đồng, lãnh đạo chi nhánh ngân hàng trên tuyên bố sẵn sàng duyệt cho tôi mức lãi suất lên đến 6%/năm. Đây không chỉ là mức lãi suất cao kỷ lục ở thời điểm hiện tại đối với kỳ hạn 3 tháng mà nó còn vượt trần lãi suất mà NHNN quy định", vị lãnh đạo doanh nghiệp bình luận.

Ông còn thông tin thêm: Phía ngân hàng làm cho ông một sổ tiết kiệm kỳ hạn 12 tháng với lãi suất 6%/năm, trong khi thực tế ông chỉ gửi 3 tháng. Đến thời điểm đáo hạn sổ tiết kiệm, ngân hàng vẫn cho ông rút toàn bộ tiền gốc và nhận lãi đầy đủ như cam kết, đồng thời họ làm một hợp đồng cho vay với thời hạn là 9 tháng...

"Song song với các thủ tục ký nhận hợp đồng vay vốn, ngân hàng còn cho tôi ký trước một loạt giấy tờ liên quan đến việc tất toán khoản vay. Tất cả mọi thủ tục đều được thực hiện một cách nhanh chóng”, vị này chia sẻ.

Siết chất lượng tín dụng quan trọng hơn siết huy động

Lý giải về việc vì sao ngay tại thời điểm này, khi mà nhu cầu vốn của nền kinh tế không cao mà vẫn có ngân hàng cố tình vi phạm vượt trần lãi suất mà NHNN quy định, Tổng giám đốc một ngân hàng thương mại nêu quan điểm:

Trong bối cảnh hiện tại, ngân hàng nào dám vượt trần lãi suất huy động thì có thể do họ đang rất cần vốn để đảo nợ cho trái phiếu doanh nghiệp, chứ dư nợ tín dụng cho hoạt động sản xuất tăng không đáng kể. Hoặc có thể ngân hàng đó đang căng thẳng về thanh khoản, do khách hàng vay vốn mà không có khả năng trả nợ khi đến hạn dẫn đến ngân hàng phải “nuôi” khách hàng tiền gửi để luôn luôn đảm bảo tính thanh khoản.

Bản chất của việc bị mất thanh khoản là do dòng tiền không luân chuyển, ngân hàng cho vay ra nhưng không thu được vốn về. Giờ đây cộng thêm với việc bị cấm vượt trần lãi suất huy động dưới mọi hình thức thì thanh khoản của ngân hàng đó vốn đã căng thẳng, sẽ càng trở nên căng thẳng hơn.

“Trong dự thảo Thông tư mới mà NHNN đang lấy ý kiến có việc nghiêm cấm tình trạng vượt trần lãi suất quy định. Theo đó, những khoản như lãi suất ưu đãi, quà tặng khuyến mãi, voucher… cũng phải được cộng vào lãi suất để tính mức trần. Và đương nhiên, ngân hàng nào đang trong tình trạng căng thẳng thanh khoản sẽ chịu tác động mạnh nhất từ những quy định này”, vị lãnh đạo nhà băng nhấn mạnh.

Bà Nguyễn Thị Phượng, Phó Tổng giám đốc Agribank cho biết: Về mặt nguyên tắc, bên cạnh lãi suất đã công bố, mỗi ngân hàng luôn thiết kế những gói tín dụng, hoặc các chương trình ưu đãi dành cho nhóm khách hàng ưu tiên.

Chẳng hạn, khách hàng vay có dòng tiền tốt, tài sản đảm bảo tốt, dự án kinh doanh tiềm năng sẽ được hưởng mức lãi suất tốt hơn so với các những khách có điều kiện vay không tốt bằng. Tương tự, các khách hàng tiền gửi cũng như vậy. Ngoài lãi suất tiền gửi niêm yết, khách hàng nào có số tiền gửi lớn vẫn sẽ được ngân hàng trả lãi suất hấp dẫn hơn.

Nhưng dù là chính sách ưu tiên đối với sản phẩm hay chính sách ưu tiên đối với khách hàng thì các ngân hàng cũng không được phép vượt trần lãi suất mà NHNN quy định.

Bà Phượng nhấn mạnh: “Một khi ngân hàng nào cố tình lách để huy động vốn cũng sẽ dễ dàng bị phát hiện trong quá trình hậu kiểm. Bởi chỉ cần dựa trên những tính toán từ lãi suất huy động thực tế cộng với các loại chi phí khuyến mãi, cơ quan chức năng sẽ biết được lãi suất huy động của từng ngân hàng có vi phạm quy định về trần lãi suất hay không”.

TS Nguyễn Hữu Huân, chuyên gia tài chính ngân hàng phân tích: Trong thời điểm hiện nay khi tiền trong hệ thống vẫn dư thừa, tín dụng vẫn tăng rất chậm thì những quy định về trần lãi suất không có nhiều ý nghĩa. Thực tế cho thấy là lãi suất không kỳ hạn và lãi suất dưới 6 tháng đang rất thấp so với mức trần mà NHNN đưa ra.

Thế nhưng, trong thời gian tới, khi tín dụng tăng trưởng xoay chiều, các ngân hàng có thể sẽ phải tăng lãi suất huy động thì với các quy định về trần lãi suất sẽ giúp ngăn chặn các ngân hàng lách luật, qua đó tạo sự công bằng minh bạch giữa các ngân hàng trong việc huy động vốn.

"Bên cạnh đó, NHNN cũng cần đưa ra mức trần lãi suất ở từng thời điểm như thế nào cho hợp lý, để ngân hàng nhỏ không cần phải lách luật vẫn có thể cạnh tranh lãi suất, nhằm duy trì thanh khoản, qua đó cũng đảm bảo an toàn hệ thống”, TS Huân nêu quan điểm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới