Có phải đi lang thang là bị tập trung?

Trong số báo ngày 17-8, Pháp Luật TP.HCM có bài “Đi đêm bị bắt vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội”. Chúng tôi đã phỏng vấn ông Nguyễn Trung Trực, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP.HCM (thuộc Sở LĐ-TB&XH), quanh vấn đề này. Theo ông Trực, khi thấy những người có hành vi sinh sống, lang thang nơi công cộng hoặc ở các điểm nóng tệ nạn xã hội… hay có những biểu hiện khả nghi, công an địa phương sẽ hỏi giấy tờ tùy thân. Nếu họ không có giấy tờ tùy thân và nơi cư trú nhất định, công an sẽ lập hồ sơ ban đầu là người lang thang…

Thủ tục vào trung tâm không dễ

. Thưa ông, một người nhập cư bị mất giấy CMND, chưa có điều kiện về quê làm lại giấy tờ, chẳng may đi về khuya bị công an xét hỏi giấy tờ và kết quả sẽ là phải vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội theo diện lang thang?

+ ÔngNguyễn Trung Trực, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ xã hội TP.HCM: Muốn tập trung một người phải có ba điều kiện: Thứ nhất, họ phải có biểu hiện đang ngủ hoặc sinh sống nơi công cộng, có hành vi gây ảnh hưởng đến trật tự xã hội. Thứ hai, họ không có giấy tờ tùy thân. Thứ ba, họ không chứng minh được mình đang lưu trú tại một địa chỉ nào đó.

. Vậy sao những người này cho rằng khi vào trung tâm, họ bị điều tra xét hỏi, bị người cùng phòng trấn lột?

+ Trung tâm không có cán bộ điều tra, xét hỏi. Nhân viên trung tâm chỉ hướng dẫn họ làm phiếu lý lịch tự khai để bổ sung đầy đủ, giúp xác minh đúng nơi ở và người thân của họ để thực hiện việc thông báo cho người thân và tiến hành bảo lãnh… Về tình trạng bị trấn lột như thông tin đã nêu, trước đây có thể xảy ra nhưng nay tôi khẳng định nó đã không còn. Trung tâm lúc nào cũng có nhân viên trực 24/24 giờ, thực hiện việc kiểm tra các phòng để chặn tình trạng đánh nhau giữa các trại viên.

Có phải đi lang thang là bị tập trung? ảnh 1

Nhân viên Trung tâm Hỗ trợ xã hội đang lấy thông tin để lập hồ sơ bổ sung cho các đối tượng lang thang vừa được đưa vào trung tâm. Ảnh: T.MẬN

Thân nhân có thể bảo lãnh trong ngày

. Các đối tượng vào trung tâm bao lâu sẽ được bảo lãnh? Nếu gia đình không bảo lãnh thì số phận họ được giải quyết ra sao?

+ Khi vào trung tâm, nếu họ liên lạc được với người nhà thì người nhà có thể bảo lãnh được ngay trong ngày. Hồ sơ bảo lãnh gồm: Đơn bảo lãnh (có xác nhận của địa phương nơi cư trú), bản sao hộ khẩu và CMND không cần thị thực. Người bảo lãnh phải là người cùng hộ khẩu, từ 18 tuổi trở lên. Trong trường hợp không có người bảo lãnh, họ sẽ được ở tại trung tâm tối đa 30 ngày. Sau đó, trung tâm trình ban giám đốc Sở LĐ-TB&XH để nơi đây có quyết định chuyển họ về các trung tâm bảo trợ khác. Khi về những trung tâm này, họ tiếp tục được liên lạc với gia đình để người thân đến bảo lãnh.

. Nếu không có người bảo lãnh họ sẽ phải ở đó suốt đời?

+ Người dân lương thiện hãy yên tâm. Ngoài việc tiếp nhận đối tượng, trung tâm cũng có trách nhiệm chủ động thông báo và hướng dẫn người thân của trại viên làm thủ tục bảo lãnh.

. Ông có lời khuyên nào cho người dân để tránh rơi vào trường hợp như năm thanh niên này, nhất là những người nhập cư?

+ Chủ trương tập trung người lang thang của TP nhằm bảo vệ người lương thiện, tránh những tình huống xấu xảy ra, như tránh việc đối tượng có lệnh truy nã đến đây sinh sống hay trường hợp giả người lang thang chờ thời cơ gây án...

Để không lâm vào tình huống bị tập trung nhầm, khi đến TP.HCM làm ăn sinh sống, người dân các tỉnh cần sớm gặp tổ trưởng tổ dân phố để chủ động đăng ký lưu trú và nên mang theo giấy tờ tùy thân khi ra đường.

“Công an phường phải nghiêm túc rút kinh nghiệm

Ông Đặng Quang Đức, Phó Trưởng Công an quận Gò Vấp, đã có ý kiến như vậy về vụ anh Trần Đức Dự và bốn người bạn bị bắt oan vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội (Pháp Luật TP.HCM ngày 17-8 đã phản ánh). Ông Đức cũng chỉ đạo Công an phường 6, quận Gò Vấp phải trao đổi với UBND phường 6 để sớm tổ chức gặp mặt anh Dự.

Trong công văn gửi đến báo ngày 17-8, Công an phường 6, quận Gò Vấp cho biết sáng 8-8, sau khi nhận được tin báo về việc có năm thanh niên đang đẩy bộ một xe máy có nhiều dấu hiệu nghi vấn, cơ quan này đã tiến hành làm rõ vụ việc. Cả năm người đều có mùi rượu và không xuất trình được CMND, giấy tờ xe.

Căn cứ lời khai của họ, Công an phường 6 xác định họ đang ở nhà số 105/66 Hoàng Bật Đạt, phường 15, quận Tân Bình và đã cử cán bộ đến Công an phường 15, quận Tân Bình xác minh. Theo kết quả xác minh thì địa chỉ trên không có người đăng ký lưu trú. Sau đó, công an phường đã làm việc với nhân viên tổ tệ nạn xã hội phường. Tổ này cùng Phòng LĐ-TB&XH quận đã đưa năm thanh niên trên vào Trung tâm Hỗ trợ xã hội.

Theo anh Dự, khoảng 8 giờ cùng ngày, vợ anh đã mang CMND của cả năm người cùng giấy tờ xe đến Công an phường 6 để xin cho cả nhóm được về và phải hơn 10 giờ họ mới bị đưa đến trung tâm. Thế nhưng trên báo, Trung tá Phan Văn Vui, Phó Trưởng Công an phường 6 (quận Gò Vấp), lại cho rằng: “Khi vợ anh Dự mang giấy tờ đến thì công an phường đã cử lực lượng hỗ trợ cán bộ phường chuyển người lên trung tâm”.

Trao đổi thêm với PV về việc này, Trung tá Phan Văn Hùng (Trưởng Công an phường 6) và Trung tá Phan Văn Vui cho biết: “Ban Chỉ huy công an phường không hề biết có một cán bộ đã từ chối giải quyết yêu cầu của vợ anh Dự. Chúng tôi sẽ làm việc lại với cán bộ công an liên quan và sẽ phê bình nghiêm khắc nếu mọi việc đúng như anh Dự đã phản ánh”.

Sáng 17-8, UBND phường 6 (quận Gò Vấp) đã họp gấp với công an phường và thống nhất trong tuần sau sẽ mời anh Dự đến làm rõ vụ việc.

THÀNH NHÂN

Sẽ mở rộng nhà lưu trú cho người cơ nhỡ

Chiều 17-8, Sở LĐ-TB&XH TP.HCM đã họp với các sở, ngành liên quan nhằm thu nhận ý kiến góp ý dự thảo Kế hoạch giải quyết tình trạng người lang thang xin ăn, sinh sống nơi công cộng trên địa bàn TP mang tính bền vững giai đoạn 2011-2015.

Theo dự thảo, TP sẽ mở rộng nhà lưu trú tại Trung tâm Hỗ trợ xã hội để cung cấp nơi lưu trú; hỗ trợ cho người cơ nhỡ, lỡ đường, gặp sự cố khi đến TP. Người các tỉnh đến TP mà bị mất cắp, không có thân nhân… nhưng có nhu cầu về chỗ ở tạm thời sẽ được đưa vào đây. Bên cạnh đó, trung tâm sẽ thành lập tổ tư vấn để hỗ trợ người ở các tỉnh (không có thân nhân tại TP) đến TP.HCM tìm việc làm…

T.MẬN

THANH MẬNthực hiện

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm