Mới đây, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Tổ chức Forest Trends tổ chức Hội thảo “Đảm bảo gỗ hợp pháp trong đấu thầu mua sắm công ở Việt Nam. Thực thi Hiệp định VPA-FLEGT”.
Mục đích của tọa đàm là để hỗ trợ các cơ quan có thẩm quyền trong việc rà soát, nghiên cứu, xây dựng văn bản về mua sắm sản phẩm gỗ nhằm đảm bảo tuân thủ VPA-FLEGT về gỗ hợp pháp.
Ông Hoàng Quang Phòng, Phó chủ tịch VCCI nói các các gói thầu mua sắm sản phẩm gỗ trên Mạng đấu thầu quốc gia (VNEPS) có 77% hồ sơ không có yêu cầu về gỗ hợp pháp, 23% hồ sơ chỉ đề cập tới một số khía cạnh của gỗ hợp pháp, trong số này lại có 11% hồ sơ liên quan tới gỗ quý nhóm I-II, tức là nhóm gỗ có rủi ro về tính bất hợp pháp.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang, Giám đốc trung tâm WTO và Hội nhập VCCI cho hay: kết quả rà soát pháp luật về đấu thầu và thực tiễn mua sắp sản phẩm gỗ ở Việt Nam theo cam kết VPA-FLEGT thấy: cần thiết phải xây dựng một khung khổ pháp lý về gỗ hợp pháp trong đấu thầu.
Thủ tướng đã có quyét định 1624/2019 về vấn đề này.
Bà Nguyễn Thị Thu Trang cho hay, qua rà soát 100 bộ hồ sơ mời thầu mua sắm đồ gỗ nội thất do các cơ quan nhà nước thực hiện giai đoạn 2016-2018, hầu như vấn đề gỗ hợp pháp ít được quan tâm. Ảnh: VCCI
Theo bà Trang, VCCI đã thực hiện rà soát đối với 100 bộ hồ sơ mời thầu mua sắm đồ gỗ nội thất do các cơ quan Nhà nước, các đơn vị sự nghiệp, DNNN thực hiện trong giai đoạn 2016-2018 qua VNEPS thì hầu như các bên mời thầu không quan tâm tới vấn đề gỗ hợp pháp.
Thậm chí có dấu hiệu mua sắm gỗ có rủi ro về tính hợp pháp. Ngoài ra còn có một số sản phẩm gỗ cung cấp trong các gói thầu có nguy cơ không đảm bảo gỗ hợp pháp mà nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ bên mời thầu.
Bà Nguyễn Thị Diệu Phương, Giám đốc Trung tâm Hỗ trợ Đấu thầu, Bộ KH&ĐT cho biết: “Về mặt thực thi, các vấn đề cơ bản pháp lý đã có nhưng cụ thể chi tiết cho mặt hàng gỗ thì chưa có”.
Bà nói tiếp: “Chính sách ban hành gỗ hợp pháp yêu cầu phải bắt buộc, sau khi bắt buộc ta mới thấy được hiệu quả, sau đó mới nhân rộng ra và thực hiện chính sách tốt được”.
Từ Australia, ông Tô Xuân Phúc, chuyên gia của Forest Trends cho hay: với EU, Australia, Nhật Bản,… yêu cầu về gỗ hợp pháp trong mua sắm công được đặt ra mạnh mẽ trong khoảng một, hai thập kỷ trở lại đây.
Với các nước đang phát triển tương tự Việt Nam, vấn đề gỗ hợp pháp nói chung và gỗ hợp pháp trong mua sắm công nói riêng được đặt ra khi EU thực thi quy định về Gỗ 2013 và triển khai việc đàm phán ký kết các VPA-FLEGT với các nước là nguồn cung gỗ chủ yếu vào EU.
Các chính sách ở các nước phát triển chung quy đều yêu cầu gỗ và các sản phầm từ gỗ phải có nguồn hợp pháp và bền vững thì mới được cung cấp cho các cơ quan nhà nước. Ông Phúc khuyến cáo Việt Nam nên hướng tới điều này để hòa nhập với thế giới phát triển.
Đại diện EU tại Việt Nam, ông Hoàng Thành cho biết, EU luôn khuyến khích mục tiêu đảm bảo môi trường và phát triển bền vững trong đó bao gồm cả việc xây dựng các quy định gỗ hợp pháp để ngăn chặn phá rừng, tác động tiêu cực đến rừng.
EU cũng mong muốn các đề xuất được các nhà làm luật lắng nghe và sửa đổi cho hợp với tình hình hiện tại.