Trong buổi gặp gỡ báo chí trước thềm Hội nghị của Chính phủ về Định hướng, giải pháp phát triển nhanh, bền vững ngành công nghiệp chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu (ngày 8-8 tới đây), Ban chấp hành Hội Mỹ nghệ và Chế biến gỗ TP.HCM -HAWA cho biết chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu đã và đang là ngành có đóng góp tích cực vào GDP của cả nước.
Ông Huỳnh Văn Hạnh - Phó Chủ tịch Hội mỹ nghệ và chế biến gỗ TP HCM (HAWA) cho biết trước mắt từ đây đến cuối năm, nhiều doanh nghiệp đã nhận kín đơn hàng nên mục tiêu xuất khẩu 9 tỷ USD hoàn toàn khả thi, thậm chí vượt xa.
Theo ông Hạnh, một tín hiệu đáng mừng khác là ngày càng nhiều doanh nghiệp ý thức vấn đề nhân lực là giá trị cốt lõi của ngành, từ đó đầu tư nâng cao tay nghề cho nhân viên. Tính đến cuối năm 2017 toàn ngành đã sử dụng 491.565 lao động thường xuyên tại các nhà máy.
"Dự báo trong hai năm tới sẽ tăng lên 533.720 lao động, đưa tổng sản phẩm của ngành lên khoảng 13,34 tỷ USD, năng suất bình quân cũng được cải thiện lên 25.000 USD một người mỗi năm”, ông Hạnh chia sẻ.
Tuy nhiên, theo HAWA đây vẫn chưa phải con số tuyệt đối bởi ngành gỗ hiện mới tập trung vào sản xuất và thương mại, thiếu sự liên kết với những ngành công nghiệp phụ trợ khác. Thương mại hóa công nghiệp chế biến gỗ có thể là động lực tăng trưởng cho các ngành nghề liên quan, tạo nên sự bùng nổ về nguồn nhân lực tham gia chuỗi giá trị liên kết này.
Thống kê cho thấy, cứ một người sản xuất trực tiếp trong chế biến gỗ thì có khoảng ba người có liên quan. Nếu 400.000 lao động trong sản xuất chế biến gỗ thì có thêm 1,2 triệu lao động liên quan, tức là gần 2 triệu lao động trên tổng số khoảng 55 triệu lực lượng lao động trên cả nước đang phục vụ cho ngành. Câu chuyện nhân lực của ngành, vì thế cũng là câu chuyện của dân sinh.
Cơ cấu xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ của VN năm 2017
Bên cạnh khả năng sản xuất, bài toán nguyên liệu chính là lợi thế lớn của ngành. Từ cuối năm 2014, Chính phủ quyết định đóng cửa rừng. Vì thế nhu cầu về nguyên liệu tăng cao, buộc ngành phải dùng hai giải pháp song song đó là nhập khẩu nguyên liệu và trồng rừng để khai thác.
Trữ lượng trồng rừng tăng cao
Nguồn nguyên liệu sẵn có trong nước giúp doanh nghiệp ngành gỗ đang được hưởng lợi đang kể so với nhập khẩu. Tỷ lệ nhập khẩu gỗ nguyên liệu vì thế đã giảm đi tương ứng, lần lượt từ 64% xuống 48% và 45%.
Đây chính là cơ sở để hình thành bản sắc riêng, niềm tự hào quốc gia: Việt Nam là trung tâm sản xuất đồ gỗ hợp pháp, chất lượng và bền vững của thế giới. Niềm tự hào này, không phải quốc gia nào cũng có được.
Hiệp hội Gỗ và Lâm sản Việt Nam (Vifores) cũng cho thấy chỉ số phát triển toàn ngành chế biến gỗ Việt Nam luôn duy trì được ở mức từ 8- 15%/ năm. Nếu như năm 2000 giá trị kim ngạch của ngành chỉ đạt 220 triệu USD thì sau 17 năm, 2017, con số này đã là 8 tỷ USD, bình quân mỗi năm tăng trưởng hơn 440 triệu USD. Tương ứng với tốc độ tăng trưởng trên thì quy mô sản xuất của các doanh nghiệp cũng rất ấn tượng. Đến nay ngành chế biến gỗ VN có gần 100 doanh nghiệp có kim ngạch xuất khẩu đạt 26 triệu USD/ năm và tốc độ tăng trưởng hàng năm đều từ 5-7% so với năm trước. |