Cơ quan thuế phải trả cho doanh nghiệp hơn 1,1 tỉ đồng tiền thuế

Ngày 31-5, TAND Cấp cao tại TP.HCM xử phúc thẩm vụ án Công ty TNHH Giải pháp Sức Khỏe kiện hành chính Chi cục Thuế quận 7 và Cục Thuế TP.HCM đòi hoàn trả tiền thuế đã nộp. HĐXX phúc thẩm đã chấp nhận kháng cáo của công ty, sửa án sơ thẩm theo hướng chấp nhận toàn bộ yêu cầu của công ty.

Tòa tuyên hủy các quyết định về việc xử phạt, giải quyết khiếu nại của các cơ quan này; buộc chi cục trưởng Chi cục Thuế khu vực quận 7 - huyện Nhà Bè (do hai chi cục thuế này đã sáp nhập hồi tháng 3-2020) hoàn trả hơn 1,1 tỉ đồng tiền thuế mà công ty đã nộp và hơn 190 triệu đồng tiền lãi với mức lãi suất 0,03%/ngày trên số tiền mà công ty đã nộp.

Chi cục trưởng Chi cục Thuế khu vực quận 7 - huyện Nhà Bè và cục trưởng Cục Thuế TP.HCM mỗi người phải chịu 300.000 đồng án phí sơ thẩm.

Bị phạt và truy thu gần 2 tỉ đồng tiền thuế

Theo đơn kiện, công ty kinh doanh các sản phẩm của OGAWA liên quan đến sức khỏe là ghế, gối massage và tổ chức chương trình bán hàng khuyến mãi.

Cửa hàng của Công ty TNHH Giải pháp Sức Khỏe tại trung tâm thương mại. Ảnh: YC

Ngày 29-9-2017, Chi cục Thuế quận 7 kiểm tra thuế tại công ty. Ngày 30-9-2017, chi cục trưởng Chi cục Thuế quận 7 ban hành Quyết định 1577 xử phạt công ty về hành vi khai thuế không chính xác theo Điều 7 Luật Quản lý thuế 2006.

Cụ thể, phạt công ty hơn 395 triệu đồng, biện pháp khắc phục hậu quả số tiền thuế truy thu, số tiền chậm nộp tiền thuế và giảm lỗ thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) hơn 6,5 tỉ đồng.

Theo Chi cục Thuế quận 7, trong năm 2015 và 2016, công ty đăng ký thực hiện các chương trình khuyến mãi với hình thức giảm giá. Công ty có kê khai doanh thu tính thuế GTGT, thuế TNDN đối với các mặt hàng đã đăng ký khuyến mãi nhưng với giá thấp hơn giá đã đăng ký…

Không đồng ý, công ty khiếu nại nhưng chi cục trưởng Chi cục Thuế quận 7 bác đơn. Công ty khiếu nại lên Cục Thuế TP.HCM.

Ngày 22-8-2018, cục trưởng Cục Thuế TP.HCM ban hành quyết định giải quyết khiếu nại, công nhận một phần nội dung khiếu nại của công ty…

Tháng 10-2018, chi cục trưởng Chi cục Thuế quận 7 ban hành quyết định điều chỉnh số tiền xử phạt còn hơn 133 triệu đồng; truy thu thuế GTGT, tiền chậm nộp thuế GTGT, giảm lỗ thuế TNDN hơn 1,7 tỉ đồng.

Sau đó, chi cục trưởng Chi cục Thuế quận 7 ban hành quyết định về việc cưỡng chế bằng biện pháp trích tiền từ tài khoản của công ty hơn 1,1 tỉ đồng.

Không đồng ý với các quyết định của cơ quan thuế, công ty đi kiện đề nghị tòa hủy các quyết định xử phạt, quyết định điều chỉnh, quyết định giải quyết khiếu nại của chi cục trưởng Chi cục Thuế quận 7; hủy một phần quyết định giải quyết khiếu nại của cục trưởng Cục Thuế TP.HCM về thuế GTGT; buộc Chi cục Thuế quận 7 hoàn trả tiền thuế công ty đã nộp và tiền lãi.

Lội ngược dòng và thắng kiện

Ngày 9-11-2020, TAND TP.HCM xử sơ thẩm đã bác toàn bộ yêu cầu của công ty.

Công ty kháng cáo toàn bộ nội dung án sơ thẩm.

Tại phiên tòa phúc thẩm ngày 31-5 vừa qua, đại diện VKSND Cấp cao tại TP.HCM cho rằng công ty kháng cáo nhưng không cung cấp được tài liệu mới chứng minh nên đề nghị không chấp nhận kháng cáo, giữ nguyên án sơ thẩm.

Tuy nhiên, HĐXX phúc thẩm đã ra phán quyết chấp nhận toàn bộ yêu cầu của công ty, với nhận định: Công ty tổ chức chương trình khuyến mãi bán hàng, cung ứng dịch vụ với giá thấp hơn giá bán hàng, giá cung ứng dịch vụ trước đó. Công ty có đăng ký việc khuyến mãi bán hàng với Sở Công Thương TP.HCM.

Tuy nhiên, thực tế công ty không bán được giá đã đăng ký nên đã bán với giá thấp hơn. Các hóa đơn của công ty là giá thực tế bán ra của sản phẩm đến tay người tiêu dùng.

Theo Thông tư 219/2013 của Bộ Tài chính thì đối với hình thức bán hàng, cung ứng dịch vụ với giá thấp hơn giá bán hàng, dịch vụ trước đó thì giá tính thuế GTGT là giá bán đã giảm áp dụng trong thời gian khuyến mãi đã đăng ký hoặc thông báo.

Theo quy định này thì trong thời gian bán hàng khuyến mãi với giá thấp hơn giá đã đăng ký, công ty phải đăng ký lại giá bán với Sở Công Thương nhưng công ty không thực hiện.

Tuy nhiên, việc đăng ký lại giá bán với Sở Công Thương chỉ là thủ tục hành chính, trường hợp có vi phạm sẽ bị xử lý hành chính, mà không phải là căn cứ để tính thuế, bởi thuế GTGT được tính giá thực tế trên hóa đơn bán hàng.

Cạnh đó, tại phiên tòa phúc thẩm, phía Chi cục Thuế khu vực quận 7 - huyện Nhà Bè cũng thừa nhận việc công ty bán sản phẩm và xuất các hóa đơn đều đúng giá thực tế bán ra nên không có cơ sở pháp lý để xử phạt vi phạm thuế.

HĐXX phúc thẩm cũng nhận định rằng Cục Thuế TP.HCM chấp nhận khiếu nại của công ty về thuế TNDN nhưng lại không điều chỉnh thuế GTGT là giải quyết chưa toàn diện và triệt để.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới