Mua bán đất với giá 4,9 tỉ đồng nhưng làm hợp đồng công chứng chỉ ghi 150 triệu đồng (chênh lệch là 4,75 tỉ đồng) nhằm giảm được hơn 118 triệu đồng tiền thuế thu nhập cá nhân và lệ phí trước bạ. Với ghi nhận do TAND TP Buôn Ma Thuột chuyển sang như thế, CQĐT Công an TP này cho là người bán, người mua cùng có dấu hiệu phạm tội trốn thuế (báoPháp Luật TP.HCM đăng bài ngày 11-3).
Liệu rằng việc xác định như trên của CQĐT Công an TP Buôn Ma Thuột có căn cứ pháp lý thuyết phục?
Quang cảnh phiên tòa xử vụ trốn thuế "đình đám" hồi tháng 11-2019 ở Nha Trang, Khánh Hòa. Ảnh: B.TL
Điều 161 BLHS 1999 (sửa đổi, bổ sung năm 2009) quy định về tội trốn thuế như sau: “Người nào trốn thuế với số tiền từ 100 triệu đồng đến dưới 300 triệu đồng hoặc dưới 100 triệu đồng nhưng đã bị xử phạt hành chính về hành vi trốn thuế hoặc đã bị kết án về tội này (hoặc về một trong các tội theo quy định), chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ một lần đến năm lần số tiền trốn thuế hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến hai năm” (khoản 1).
Thông tư liên tịch số 10/2013 của Bộ Tư pháp, Bộ Công an, TAND Tối cao, VKSND Tối cao và Bộ Tài chính hướng dẫn thêm: Người phạm tội trốn thuế đồng thời với việc thỏa mãn các dấu hiệu được quy định tại Điều 161 của BLHS thì còn là người thực hiện một trong các hành vi được quy định tại Điều 108 Luật Quản lý thuế 2006 (đã được sửa đổi, bổ sung) mà theo đó có chín hành vi trốn thuế, gian lận thuế.
Nay Điều 200 BLHS 2017 quy định về tội trốn thuế cũng giữ nguyên cấu thành tội phạm nêu trên và chính thức đưa chín hành vi trốn thuế, gian lận thuế nói trên vào trong điều luật này.
Lần lượt đối chiếu chín hành vi trốn thuế ở Điều 200 BLHS 2017 thì có thể thấy việc khai sai giá mua bán nhà, đất chỉ có vẻ sát hợp với hành vi “sử dụng chứng từ, tài liệu không hợp pháp khác để xác định sai số tiền thuế phải nộp”. Tuy nhiên, khi xem xét kỹ lưỡng thì hoàn toàn không phải.
Lý do: Thông tư 92/2015 của Bộ Tài chính quy định hồ sơ khai thuế của cá nhân đối với thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản gồm có: Tờ khai thuế theo mẫu; bản chụp giấy chủ quyền nhà đất; hợp đồng chuyển nhượng nhà đất đã được công chứng; các giấy tờ làm căn cứ xác định thuộc đối tượng được miễn thuế (nếu có)…
Cũng theo Thông tư 92/2015, người đóng thuế và các cơ quan thuế đều cùng dựa vào các giấy tờ khai thuế nêu trên chứ không dựa vào giấy tờ nào khác để xác định số tiền thuế phải nộp. Do giấy chủ quyền hay một số giấy tờ khác khi được cơ quan có thẩm quyền cấp thật thì là hợp pháp nên chỉ còn một chứng từ, tài liệu quan trọng cần được soi rọi về sự hợp pháp, đó là hợp đồng công chứng.
Luật Công chứng quy định văn bản công chứng có hiệu lực kể từ ngày được công chứng viên ký, đóng dấu và chỉ bị coi là vô hiệu theo tuyên bố của tòa. Căn cứ theo luật này, hợp đồng công chứng nào cũng là hợp pháp khi được công chứng đúng trình tự, thủ tục quy định; hội đủ các điều kiện của Luật Công chứng, không bị tòa phủ nhận.
Như vậy, khi hợp đồng công chứng cùng các giấy tờ quy định đều hợp pháp và không thể có tài liệu nào khác để có sự bất hợp pháp dẫn đến việc số tiền thuế phải nộp bị xác định sai thì hành vi trốn thuế của nhiều người mua, bán nhà đất không thể thuộc hành vi “sử dụng chứng từ, tài liệu không hợp pháp khác để xác định sai số tiền thuế phải nộp”.
Đây là lý do mà những trường hợp có căn cứ để xác định đã trốn thuế mua, bán nhà đất (đa phần do được các bên tự thừa nhận khi ra tòa yêu cầu giải quyết các tranh chấp dân sự về nhà, đất đã giao dịch) hiếm khi bị công an đề nghị xử lý hình sự.
Từ thực tế này, nhất định BLHS cần phải được sửa đổi để có thể thống nhất xử lý hình sự những hành vi trốn thuế tựa như vụ việc ở TP Buôn Ma Thuột. Theo chúng tôi, hành vi “sử dụng chứng từ, tài liệu không hợp pháp khác để xác định sai số tiền thuế phải nộp” có thể sửa là “sử dụng chứng từ, tài liệu có nội dung gian dối, không hợp pháp để xác định sai số tiền thuế phải nộp”.
Chỉ có vậy thì mới có được những bản án xác đáng, thuyết phục về tội trốn thuế trong mua, bán nhà, đất, chấm dứt được những tréo ngoe trong xét xử khi lúc dựa vào quy định chung chung để xử lý tùy nghi, lúc có quy định chi tiết (nhưng không đầy đủ) thì lại không áp dụng theo.