Nhiều thống kê cho thấy căng thẳng, mệt mỏi, chán chường, rối loạn tiêu hóa… cũng gia tăng trong ngày đầu tuần. Thống kê năm năm liền ở BV Shuguan (Thượng Hải) cho thấy số lượng bệnh nhân nhập viện trong ngày thứ Hai cao hơn những ngày khác 10%-20%.
Hậu quả sau hai ngày nghỉ ngơi “tiêu cực”
Thầy thuốc phải đặt tên cho một hình ảnh bệnh lý là “hội chứng ngày thứ Hai” với dấu hiệu điển hình là mệt mỏi, không hứng thú với công việc, trầm uất hay ngược lại. Khoảng 20% số đối tượng của hội chứng này phải chịu đựng tình trạng cáu kỉnh, bứt rứt, khó chịu vô cớ với người xung quanh; nhức đầu âm ỉ, rối loạn tiêu hóa…
Hiện vẫn còn nhiều giả thuyết về nguyên nhân của “hội chứng ngày thứ Hai”. Theo nhiều chuyên gia về bệnh lý do stress, hội chứng này là tình trạng mất quân bình giữa lao động và nghỉ ngơi, nhất là vào dịp cuối tuần, chẳng hạn vì nạn nhân tranh thủ xem video hay chơi game đến khuya hoặc ngược lại ngủ bù suốt hai ngày. Hậu quả của cách nghỉ ngơi “tiêu cực” này là nhịp sống quen thuộc trước đó (thức dậy đúng giờ để đến sở làm, ăn uống có giờ giấc…) bị xáo trộn nghiêm trọng. Sau hai ngày thoải mái, gia chủ không kham nổi khi mọi chuyện lại phải trở lại “nề nếp” vào sáng thứ Hai. Mệt mỏi, chán nản khi đó không mời cũng đến vì cơ thể người cũng như cỗ máy, sau thời gian nghỉ ngơi cần khởi động lại từ từ. Đột ngột lao vào hàng núi công việc ngay sau hai ngày nghỉ ngơi chẳng khác gì stress. Càng stress dòng máu càng đậm đặc, mạch máu càng co thắt đột ngột. Không thiếu máu cơ tim, không tai biến mạch máu não mới là chuyện lạ!
Ăn sáng kỹ, đặc biệt là sáng thứ Hai để có đủ năng lượng làm việc.
Khiến đàn ông trục trặc chuyện phòng the
Nạn nhân của “hội chứng ngày thứ Hai” tuy nhiều ít khác nhau về cường độ và tần suất nhưng bên cạnh những lúc buồn bã, bực bội, rõ ràng rất dễ bốc hỏa! Thầy thuốc nhiều kinh nghiệm với bệnh nam khoa đã phát hiện một điểm lý thú khi so sánh chuyện đau yếu giữa đàn ông trung niên và đàn bà mãn kinh. Đó là bên cạnh “hội chứng ngày thứ Hai”, chuyện phòng the của giới mày râu cũng có khuynh hướng càng lúc càng khó nói. Chuyện đó càng trục trặc thì các dấu hiệu dưới đây càng mau rõ nét:
l Cảm giác nóng bừng mặt đi kèm với đau rát da đầu mỗi khi gặp trở ngại trong công việc.
l Đau mỏi vùng gáy mỗi khi phải điều tiết thị giác trong công việc, chẳng hạn sau không hơn một giờ trước máy vi tính, do tăng áp lực nội nhãn.
l Mất ngủ dưới dạng có thể dễ ngủ khi đặt lưng vì quá mệt sau ngày dài bươn chải nhưng chưa đến canh hai bỗng bật dậy như bị đánh thức rồi trăn trở chờ sáng.
l Không chịu được thay đổi nhiệt độ thái quá vì hệ thần kinh giao cảm quá nhạy cảm. Nạn nhân do đó dễ đổ mồ hôi dù không vận động.
l Dễ nổi nóng khi gặp điều phật ý dù chỉ là chuyện không đâu, dù là chuyện xưa nay là chuyện… nhỏ!
Đáng nói là cho dù có may mắn tìm đúng thầy để được điều trị bằng thuốc đặc hiệu chống tăng áp lực nội nhãn hay thậm chí bằng thuốc an thần, hội chứng nói trên vẫn không thuyên giảm bao nhiêu nếu chuyện “dễ hiểu nhưng khó nói” tiếp tục đè nặng tâm tư nạn nhân.
Lỗ nhỏ đắm thuyền như chơi
Nếu xem “hội chứng ngày thứ Hai” như chuyện thường tình, như chuyện trời kêu ai nấy dạ thì sai. Tình trạng 2B (vừa buồn vừa bốc) vì “hội chứng ngày thứ Hai” là đòn bẩy cho bệnh trầm uất thừa nước đục thả câu. Chuyên gia ngành thần kinh đã báo động trong hội thảo quốc tế ở Đức năm 2014 về bệnh trầm cảm là cánh đàn ông bỗng dưng muốn buồn đã qua mặt số phụ nữ trầm uất. Đáng lo hơn nữa là tỉ lệ điều trị hiệu quả bệnh trầm uất ở đàn ông rất thấp nếu so với phía bị gán là phái yếu! Đáng nói hơn nhiều dù lời thật mất lòng là số đàn ông tự vẫn vì buồn cao gấp ba lần số đàn bà thường chỉ hăm nhưng ít khi “dại gì mà chết”!
Bọc lót đúng chỗ hở
Để không bị “đánh gục” vào sáng thứ Hai, theo lời khuyên của khoa bệnh lý do stress ở ĐH Munich, CHLB Đức, nên tuân thủ một số nguyên tắc như sau:
Cố gắng hoàn tất công việc trong tuần vào thứ Sáu. Như vậy, có thể bắt đầu một tuần mới mà không phải lo lắng cho công việc của tuần qua.
Lên chương trình nghỉ ngơi cho hai ngày cuối tuần. Nếu thứ Hai tuần này cảm thấy quá mệt mỏi khi đi làm thì nên sắp xếp nhiều thời gian nghỉ hơn cho dịp cuối tuần tới.
Tập luyện thể thao vào dịp cuối tuần, đặc biệt là khi công việc trong tuần của bạn đòi hỏi nhiều thể lực.
Tránh thức quá khuya vào tối Chủ nhật. Việc ngủ đủ giấc tạo cảm giác khỏe khoắn và minh mẫn khi thức dậy để cuộc đời bể khổ vẫn còn nét đáng yêu.
Dành nhiều thời gian hơn để chuẩn bị đi làm vào sáng thứ Hai đúng giờ và “mở hàng” tốt cho tuần lễ đó.
Tránh sắp xếp chương trình làm việc quá nặng vào thứ Hai, đặc biệt là không đặt ra thời hạn chót cho một công việc nào đó vào ngày này. Trái lại, nên dàn đều công việc trong tuần ra cho các ngày.
Vào tối thứ Hai, nên sắp xếp để có càng ít công việc riêng càng tốt. Nên nhớ thứ Hai là ngày khởi động của một tuần làm việc; hãy “nương tay” cho cơ thể một chút.