Theo luật sư, căn cứ vào điểm l Điều 46 BLHS, người phạm tội là phụ nữ có thai sẽ được xem xét giảm nhẹ hình phạt. Thế nhưng công tố viên không đồng tình, bảo bị cáo mang thai sau khi phạm tội nên không thể viện dẫn điều khoản này để được giảm nhẹ. Trong bản án tòa tuyên hôm ấy cũng không hề kết luận gì về tình tiết tranh cãi này mà chỉ giảm hình phạt tù và hướng dẫn bị cáo làm đơn xin tạm hoãn thi hành án do đang mang thai.
Sự việc trên tuy nhỏ nhưng đã cho thấy có sự không thống nhất trong cách hiểu luật. Theo một thẩm phán TAND TP.HCM, luật quy định người phạm tội là phụ nữ có thai là một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự xuất phát từ tinh thần nhân đạo. Phụ nữ có thai thường có những biểu hiện tâm lý thất thường, hay cáu gắt, dễ bị xúc động..., có thể ảnh hưởng đáng kể đến hành vi phạm tội. Do đó, chỉ những người đang có thai lúc phạm tội mới được giảm nhẹ, còn trường hợp có thai sau khi phạm tội thì không, bởi đây chỉ là sự “đối phó” với pháp luật.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia lại cho rằng trên thực tế, các cơ quan tố tụng không áp dụng hình phạt tử hình đối với phụ nữ có thai mà không cần biết là họ có lúc nào. Thậm chí có vụ đã xử xong, chỉ chờ thi hành án thì can phạm tìm cách có thai trong trại và đương nhiên thoát án tử. Người phạm tội đặc biệt nghiêm trọng như thế còn được khoan hồng thì tại sao người phạm tội ít nghiêm trọng hơn lại không được, dù cùng có thai như nhau? Hơn nữa, việc pháp luật nhân đạo với phụ nữ có thai còn hướng tới mục đích bảo vệ sức khỏe của bà mẹ, trẻ em. Nếu vậy thì tất cả phụ nữ có thai, dù trước hay sau khi phạm tội đều phải được đối xử công bằng như nhau chứ?
HOÀNG YẾN