Nhiều chuyên gia về xét nghiệm y khoa cảnh báo hành vi cắt que xét nghiệm HIV, viêm gan B sẽ làm sai lệch kết quả xét nghiệm của người bệnh và dẫn đến hậu quả khôn lường. Hiện dư luận cũng đang đặt ra câu hỏi hành vi gian lận vật tư y tế kể trên sẽ bị xử lý như thế nào?
Có dấu hiệu hình sự
TS Phan Anh Tuấn, Trưởng bộ môn Luật hình sự, Trường ĐH Luật TP.HCM, nhận định: Với các chứng cứ có được về vụ gian lận xét nghiệm này cho đến nay (thông qua báo chí) thì hành vi của những người nêu trên bước đầu có dấu hiệu của tội phạm. Trong khi đợi kết quả xác minh của các cơ quan chức năng thì tạm thời có những khả năng sau đây:
Trường hợp không chứng minh được việc chiếm đoạt que xét nghiệm, hóa chất xét nghiệm... thì hành vi của những người trong vụ việc này có dấu hiệu của tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (Điều 356 BLHS). Cụ thể, các nhân viên xét nghiệm cho rằng làm theo sự chỉ đạo của người phụ trách phòng xét nghiệm. Những nhân viên này nếu biết việc gian dối là trái quy định của ngành y tế về xét nghiệm mà vẫn làm theo sự chỉ đạo của phụ trách phòng xét nghiệm thì là đồng phạm về tội này. “Việc gây thiệt hại cho lợi ích của Nhà nước (bệnh viện) và người bệnh trong vụ này đã rõ” - TS Tuấn nói.
Trường hợp chứng minh được những người trong vụ việc này chiếm đoạt que thử và các hóa chất xét nghiệm thì họ có dấu hiệu của tội tham ô tài sản (Điều 353 BLHS). Việc chứng minh tài sản bị chiếm đoạt trên 2 triệu đồng là cần thiết để xử lý hình sự về tội này. “Với các chứng cứ ban đầu nêu trên, có thể khởi tố vụ án để điều tra đầy đủ về vụ việc nghiêm trọng này. Qua đó nhanh chóng đưa ra xét xử, răn đe những hành vi tiêu cực tương tự để lấy lại niềm tin cho người dân” - TS Tuấn nêu quan điểm.
Đồng quan điểm, luật sư Nguyễn Đức Thắng Ý, Đoàn Luật sư TP.HCM, cho biết nếu CQĐT xác minh, làm rõ và đủ cơ sở kết luận những người thực hiện hành vi gian lận xét nghiệm đã lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để chiếm đoạt tài sản (có giá trị từ 2 triệu đồng trở lên) mà mình có trách nhiệm quản lý (cụ thể là chiếm đoạt các que test của bệnh viện để mang đi bán và lấy tiền) thì hành vi của họ đã phạm tội tham ô tài sản theo Điều 353 BLHS.
TS Phan Anh Tuấn, Trưởng bộ môn Luật hình sự, Trường ĐH Luật TP.HCM. Ảnh: LỆ TRINH
Có thể khởi kiện dân sự
Cũng theo luật sư Ý, trong trường hợp những người thực hiện hành vi nêu trên làm những việc vượt ra ngoài phạm vi chức vụ, quyền hạn của mình và không nhằm mục đích để chiếm đoạt tài sản của người khác thì hành vi của họ có thể phạm tội vi phạm quy định về khám bệnh, chữa bệnh, sản xuất, pha chế, cấp phát thuốc, bán thuốc hoặc dịch vụ y tế khác theo Điều 315 BLHS.
Nếu các hành vi không đủ yếu tố cấu thành tội phạm thì có thể bị xử phạt hành chính theo quy định tại Nghị định số 96/2011 (quy định xử phạt hành chính về khám chữa bệnh).
Mặt khác, theo luật sư Kim Ron Tha, Đoàn Luật sư TP.HCM, đối với bệnh nhân thì hành vi của các nhân viên y tế bệnh viện cũng đã vi phạm sự thỏa thuận trong giao dịch dân sự. Bởi họ đã tiến hành xét nghiệm không đúng quy chuẩn đã cam kết; làm xâm hại đến quyền, lợi ích hợp pháp của bệnh nhân (khách hàng)... Các bệnh nhân đã đến đây xét nghiệm có thể khởi kiện dân sự yêu cầu bệnh viện phải thực hiện việc xét nghiệm lại và bồi thường thiệt hại (nếu có).