Coi chừng dính bẫy cộng tác viên bán hàng online

Chị NTL (29 tuổi, ngụ TP Hạ Long, Quảng Ninh) làm nghề hướng dẫn viên du lịch. Do dịch COVID-19, chị L thất nghiệp nên muốn có việc làm tạm trong lúc chờ ngành du lịch hoạt động trở lại. Tối 14-2, chị L ấn vào một bài quảng cáo tuyển cộng tác viên check đơn online trên Facebook thì được trả lời qua Messenger.

Hàng loạt người sập bẫy

Sau đó, có một người nói là nhân viên của trang này kết bạn với chị L qua Zalo rồi giới thiệu công việc. Hôm sau, chị L bắt đầu thực hiện các giao dịch do người bạn trên Zalo này hướng dẫn.

Theo hướng dẫn, khi “hệ thống” gửi cho chị L một đường link kèm thông tin sản phẩm (link sản phẩm trên trang Sendo), chị phải xác nhận đơn hàng và thanh toán trước cho bên đại diện hệ thống cửa hàng để thiết lập một đơn hàng thật. Sau khi thiết lập đơn hàng thành công, trong vòng 10 phút thì bên hệ thống đại diện cho các cửa hàng sẽ hoàn lại cho chị số tiền gốc và tiền công hoa hồng về tài khoản ngân hàng.

Một quảng cáo tuyển cộng tác viên bán hàng và nội dung mà bọn lừa đảo đã nhắn cho chị L khiến chị bị sập bẫy. (Ảnh do nạn nhân cung cấp)

Sau đó, chị nhận được hai link và làm theo hướng dẫn như trên với tổng số tiền một đơn hàng là 1 triệu đồng, rồi đơn thứ hai là 2,5 triệu đồng. Sau khi thực hiện xong giao dịch các đơn hàng trên thì trong vòng 10 phút, chị L đã nhận lại được cả tiền gốc lẫn 10% hoa hồng như thỏa thuận.

Yên tâm, chị L tiếp tục thao tác cho bảy đơn hàng khác, đã chuyển khoản mua hàng nhưng chị không được thanh toán lại. Tổng cộng các đơn hàng lên đến hơn 115 triệu đồng, trong đó có đơn hơn 5 triệu đồng, có đơn lên đến 32 triệu đồng.

Thắc mắc, chị L được “người hướng dẫn” trên Zalo bảo chị nhập sai nên đơn hàng đã bị lỗi và không thanh toán được. Chị phải tiếp tục thực hiện các đơn hàng trong ngày, nếu không thì toàn bộ số tiền gốc trước đó của chị sẽ bị “đóng băng”, nếu muốn lấy lại thì sau 24 tháng và phải đóng “phí mở đóng băng” là 50% tổng số tiền đang bị treo.

Kế tiếp, chuyện gì đến phải đến, “người hướng dẫn” qua Zalo khóa tài khoản, cắt đứt liên lạc. Lúc này, chị L mới biết mình bị lừa và trình báo công an.

Cũng với thủ đoạn tương tự, nhóm lừa đảo đã chiếm đoạt của chị PTKY (30 tuổi, ngụ thị xã Hương Trà, Thừa Thiên-Huế) hơn 100 triệu đồng. Với hình thức lừa đảo như trên, nhiều bị hại đã mất từ vài triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng.

Cảnh báo của công an

Theo Thượng tá Nguyễn Văn Tăng, Phó Giám đốc Công an TP Đà Nẵng, đây là một chiêu lừa đảo khá mới. Lợi dụng nhiều người đang gặp khó khăn về tài chính do ảnh hưởng của dịch COVID-19, những người lừa đảo đã sử dụng không gian mạng để lừa bằng thủ đoạn đăng bài tuyển cộng tác viên bán hàng.

“Những đối tượng lừa đảo trên mạng nói rằng công ty ở TP Đà Nẵng nên nhiều nạn nhân đã gửi đơn đến Công an TP Đà Nẵng tố cáo. Nhưng thực chất các công ty này đều không có thật. Với những hình thức lừa đảo trên không gian mạng như thế này, phải nói rất khó điều tra và xác định được nghi phạm” - Thượng tá Tăng nói.

Đầu tiên, nhóm lừa đảo sử dụng tài khoản mạng xã hội đăng bài và chạy quảng cáo với những nội dung “Tuyển cộng tác viên mua bán hàng trên các sàn thương mại điện tử Shopee, Lazada, Tiki…”. Với mỗi lần mua hàng, bị hại sẽ được hoàn trả tiền cộng thêm hoa hồng 10%-20% giá trị đơn hàng.

Đối với những đơn hàng giá trị nhỏ đầu tiên, bị hại sẽ được thanh toán kèm hoa hồng như đã hứa đầy đủ nhằm tạo lòng tin và đánh vào lòng tham của bị hại vì việc kiếm tiền quá dễ dàng. Sau đó, khi số tiền đơn hàng lớn, các đối tượng đã đưa ra nhiều lý do như cú pháp soạn tin bị sai, hệ thống bị lỗi...

Tiếp đó, nếu bị hại muốn nhận lại tiền thì phải chuyển khoản thêm tiền cho đơn hàng, nếu không sẽ bị mất toàn bộ tiền. Bị hại với tâm lý muốn nhận lại tiền, lại tin vào lời hứa số tiền chuyển vào sẽ được hoàn trả mà liên tục chuyển tiền cho các đối tượng cho đến khi không còn khả năng chi trả nữa thì các đối tượng sẽ chặn liên lạc và chiếm đoạt.

Vì vậy, người dân cần tỉnh táo, đừng tin vào những lời dụ dỗ của bọn xấu để dính vào bẫy lừa.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm