Món ăn quốc dân cơm gà của người dân Singapore đang khủng hoảng vì thiếu hụt nguồn cung thịt gà tươi. Lý do dẫn tới cuộc khủng hoảng này do từ ngày 1-6, Malaysia - nước cung cấp tới 1/3 lượng thịt gà cho Singapore bất ngờ ngừng xuất khẩu. Không chỉ Singapore mà một số nước khác cũng rơi vào tình trạng tương tự.
Nhiều ý kiến cho rằng đây có thể là cơ hội tốt cho Việt Nam xuất khẩu gà sang các thị trường này, tuy nhiên có rất nhiều việc cần làm ngay.
Khách ngoại hỏi mua thịt gà Việt Nam
Là đơn vị hiện đang xuất khẩu các sản phẩm thịt gà đã qua chế biến và xử lý nhiệt vào thị trường Nhật Bản, ông Khưu Nhơn Hiếu, Tổng giám đốc Công ty Koyu & Unitek (Đồng Nai), cho biết: Khi Malaysia bất ngờ ngừng xuất khẩu thịt gà, một số khách hàng từ Singapore đã liên hệ với công ty để hỏi mua sản phẩm thịt gà.
Tuy nhiên, theo ông Hiếu, muốn xuất khẩu thịt gà sang các nước bao gồm Singapore không hề đơn giản vì mỗi nước có các tiêu chuẩn kỹ thuật, chất lượng khác nhau. Quan trọng nhất là chính phủ hai nước phải ký kết hiệp định thú y cũng như kiểm dịch động vật với nhau.
Chế biến thịt gà tại một doanh nghiệp. Ảnh: QH |
“Hiện công ty tôi đã trình bày với Cục Thú y Việt Nam về vấn đề này và phía khách hàng nước ngoài cũng đang xúc tiến làm việc với cơ quan thú y Singapore để hai nước có thể sớm ký kết hiệp định thú y và các thủ tục liên quan. Nếu hai nước triển khai ngay thì Việt Nam hoàn toàn có khả năng xuất khẩu thịt gà sang Singapore giữa lúc nước này đang thiếu hụt trầm trọng” - ông Hiếu nhấn mạnh.
Lãnh đạo Công ty Koyu & Unitek cũng đánh giá Việt Nam hoàn toàn có thể xuất khẩu được thịt gà đông lạnh, thịt gà đã chế biến. Tuy vậy, để làm được việc này phải mất thời gian làm thủ tục, vì hiện nay Việt Nam vẫn chưa được công nhận là vùng xanh về an toàn dịch bệnh mà vẫn là vùng cam.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Văn Ngọc, Phó Chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi gia cầm Đông Nam bộ, cho rằng hiện giá thành chăn nuôi gà Việt Nam và các nước ASEAN gần như tương đương nhau. Đặc biệt Việt Nam có một lợi thế trong xuất khẩu là ức gà ít người ăn, giá ức gà rẻ.
Tương tự, ông Nguyễn Văn Trọng, nguyên Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi, hiện là phó chủ tịch Hiệp hội Trang trại và doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam, nhận định cơ hội cho thịt gà Việt Nam xuất khẩu sang các nước ASEAN và các thị trường khác trên thế giới là hoàn toàn khả thi. Bằng chứng là mới đây, Tập đoàn Chăn nuôi CP đã xúc tiến xuất khẩu sản phẩm thịt gà chế biến lẫn hàng đông lạnh sang thị trường Nhật Bản.
Xuất khẩu 270 tấn thịt gà
chế biến
Ông Khưu Nhơn Hiếu, Tổng giám đốc Công ty Koyu & Unitek, cho biết trong năm tháng đầu năm nay, công ty đã xuất khẩu được 270 tấn các sản phẩm thịt gà chế biến sang thị trường khó tính Nhật Bản. Sản phẩm xuất khẩu là thịt gà đã qua chế biến nhiệt được làm từ cánh, đùi và ức gà.
“Để xuất khẩu sang Nhật, chúng tôi phải hình thành được chuỗi sản xuất khép kín từ con giống, quy trình nuôi, thức ăn; quy trình giết mổ, chế biến hoàn chỉnh đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm” - ông Hiếu nói.
“Dù cơ hội có nhưng để xuất khẩu thịt gà hay một sản phẩm chăn nuôi phải chuẩn bị một thời gian dài chứ không đơn giản ngày một ngày hai là làm được” - ông Trọng lưu ý.
Những việc cần triển khai ngay
Một số công ty chăn nuôi cho rằng việc một số thị trường khan hiếm thịt gà là cơ hội tốt cho Việt Nam. Có điều Việt Nam chưa thể khai thác được ngay cơ hội này do nguồn cung không còn dồi dào như trước đây.
Bên cạnh đó, giá thành nuôi gà của Việt Nam cũng chưa thực sự cạnh tranh, vì 90% nguyên liệu thức ăn chăn nuôi vẫn phải nhập khẩu từ nước ngoài. Thức ăn chiếm 65%-70% giá thành sản phẩm chăn nuôi, trong khi giá thức ăn từ năm 2021 đến nay đã tăng 16%-40%, thậm chí cao hơn.
Phó Chủ tịch Hiệp hội Trang trại và doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam Nguyễn Văn Trọng nêu rõ từ thực tế cho thấy cơ hội xuất khẩu thịt gà của Việt Nam là rất lớn nhưng quan trọng nhất là phải liên kết theo chuỗi khép kín, đạt chuẩn GlobalG.A.P, có các nhà máy chế biến, giết mổ quy mô hiện đại đạt tiêu chuẩn quốc tế...
“Hơn nữa, muốn xuất khẩu sang các nước đối với sản phẩm thịt tươi sống thì bắt buộc phải có vùng an toàn dịch bệnh, cơ sở an toàn dịch bệnh” - ông Trọng nhấn mạnh.
Đại diện Cục Thú y cũng cho biết Việt Nam đang xuất khẩu thịt gà chế biến chính ngạch tới bảy quốc gia và đang đàm phán sang nhiều quốc gia. Song với sản phẩm thịt tươi sống thì vẫn còn một số khó khăn trong xây dựng vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh. Ví dụ, một số nước nhập khẩu không cho phép sử dụng vaccine phòng bệnh cho động vật, đặc biệt là đối với động vật thịt.
Để giải quyết bài toán này, Bộ NN&PTNT và Cục Thú y sẽ thành lập tổ công tác kỹ thuật thúc đẩy xuất khẩu động vật và sản phẩm động vật cũng như hướng dẫn xây dựng cơ sở, chuỗi chăn nuôi, vùng an toàn dịch bệnh; đàm phán thống nhất các yêu cầu, điều kiện xuất khẩu sản phẩm động vật với các nước và tổ chức các đoàn công tác sang các nước nhập khẩu để đàm phán về các vấn đề liên quan.
Nhiều nước cấm xuất khẩu thực phẩm
Malaysia đã ban hành lệnh cấm xuất khẩu gà trong bối cảnh đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn cung sau khi nông dân cắt giảm số lượng gia cầm mà họ nuôi do giá thức ăn cho gà tăng.
Theo hãng tin Reuters, mặc dù nằm trong số những quốc gia giàu có nhất ở châu Á nhưng Singapore lại có diện tích đất nông nghiệp khá eo hẹp. Đất nước này chủ yếu dựa vào nhập khẩu lương thực, năng lượng và các hàng hóa khác. Thịt gà cũng nằm trong số đó. Theo số liệu của Cơ quan Thực phẩm Singapore (SFA), gần như toàn bộ thịt gà của quốc gia này đều được nhập khẩu, gồm 34% từ Malaysia, 49% từ Brazil và 12% từ Mỹ.
Hệ lụy từ xung đột Nga - Ukraine đã khiến nhiều nước áp lệnh cấm xuất khẩu các mặt hàng lương thực, thực phẩm để bảo vệ an ninh lương thực trong nước. Đây là động thái có thể làm trầm trọng thêm nguy cơ khủng hoảng lương thực toàn cầu và đẩy giá mặt hàng này leo thang.