Malaysia cấm xuất khẩu thịt gà, cơ hội cho Việt Nam

(PLO)- Chính phủ Malaysia đang có chủ trương tăng nhập khẩu gạo từ Việt Nam để đảm bảo an ninh lương thực.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 2-6, Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố TP.HCM (ITPC) phối hợp Công ty TNHH Beyond World tổ chức Chương trình Hội thảo xúc tiến xuất khẩu với thị trường Malaysia và một số nước khác.

Gạo Việt Nam vẫn chưa đến với người tiêu dùng cuối Malaysia

Đại sứ Việt Nam tại Malaysia, ông Trần Việt Thái cho biết, có một số vấn đề mới nổi các doanh nghiệp (DN) Việt cần quan tâm.

Thứ nhất chuỗi cung ứng hiện nay bị ảnh hưởng nghiêm trọng kể từ khi xảy ra xung đột Nga-Ukraine cùng tác động hai năm dịch COVID-19 rất nhiều chuỗi kinh tế đang sắp xếp lại.

Đây là cơ hội lớn cho DN Malaysia và Việt Nam tham gia chuỗi này trong quá trình sắp xếp lại. DN TP.HCM kể cả DN các tỉnh lân cận cần nhận thức được đây là cơ hội lớn chưa từng có.

Đơn cử như vấn đề lúa mì và giá lúa mì tòan cầu. Kể từ khi xảy ra xung đột Nga-Ukraine thì xuất khẩu lúa mì, bột mì của hai quốc gia này sang các nước trong đó có Malaysia gần như gián đoạn hoàn toàn.

Trong khi đó, bột mì đang là nguồn nguyên liệu quan trọng sản xuất nhiều gia vị, thực phẩm của người dân Malaysia.

Do vậy, trong chuyến thăm của Thủ tướng Malaysia đến Việt Nam tháng 3, chính phủ Malaysia đã nâng quota nhập khẩu gạo của Việt Nam từ 520.000 lên 700.000 tấn.

Điều này đặt ra cơ hội rất lớn cho DN Việt xuất khẩu vào Malaysia. Rất tiếc, từ tháng 3 đến nay, Đại sứ quán Việt Nam và Thương vụ Việt Nam thúc đẩy nhưng hiện nay hai bên vẫn chưa có động thái quyết liệt.

“Tôi xin khẳng định chính phủ Malaysia có chủ trương trong việc tăng nhập khẩu gạo từ Việt Nam để đảm bảo an ninh lương thực. Các DN nếu có nhu cầu thì liên hệ sớm Thương vụ để được hướng dẫn” - ông Thái chia sẻ.

Bên cạnh đó, ông Thái lưu ý, việc xuất khẩu lúa gạo từ Việt Nam sang Malaysia có năm vấn đề cần khắc phục.

Thứ nhất là chứng chỉ Halal, thứ hai là Việt Nam hiện nay chủ yếu xuất khẩu gạo thô, chưa phát triển được thương hiệu, thương mại. Do đó, rất cần xây dựng thương hiệu, đưa thương hiệu gạo cao cấp Việt Nam đến với NTD Malaysia hơn nữa.

Thứ ba, qua khảo sát của thương vụ, hệ thống phân phối gạo Việt Nam ở Malaysia còn kém hiệu quả, chưa đến được với NTD cuối cùng mặc dù chất lượng gạo Việt không thua gì so với Thái Lan.

Nông sản rau củ quả Việt Nam cần đảm bảo các tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm. ẢNH: TÚ UYÊN

Nông sản rau củ quả Việt Nam cần đảm bảo các tiêu chí an toàn vệ sinh thực phẩm. ẢNH: TÚ UYÊN

Singapore từng nhập gạo, rau từ TP.HCM, Đà Lạt

Về tình hình thịt gà, gần đây giá thịt gà ở Malaysia tăng vọt, có những siêu thị tăng giá 20%-40% và chính phủ Malaysia phải ngừng xuất khẩu thịt gà sang một số nước trong đó có Singapore. Điều này dẫn đến nhu cầu nhập khẩu thịt gà và một số mặt hàng nông sản của Singapore tăng lên.

Cũng thời điểm này năm 2020, 2021, cao điểm dịch COVID-19 có hiện tượng Singapore phải nhập khẩu gạo từ TP.HCM, đặc biệt nhập rau tươi từ Đà Lạt.

Việc dịch chuyển chuỗi cung ứng này đặt ra nhiều cơ hội cho DN không chỉ ở mặt hàng thịt gà mà các nông sản, lương thực thực phẩm đang còn nhiều tiềm năng.

Tuy nhiên, Đại sứ quán có một số cảnh báo DN Việt cần hết sức lưu ý. Thứ nhất là tìm hiểu kĩ đối tác, tránh bị lừa đảo.

“Hôm qua tôi làm việc với Thương vụ và hiện nay Thương vụ Việt Nam đang giúp một DN ở Gia Lai bị đối tác lừa đặt ba container hạt tiêu trị giá hơn 200.000 USD. Vấn đề lừa đảo quốc tế phổ biến không chỉ ở Malaysia mà nhiều quốc gia khác” - ông Thái kể.

Thứ hai, nông sản Việt Nam phải đảm bảo nguồn nguyên liệu, các tiêu chuẩn vệ sinh ATTP.

Ví dụ hiện nay sứ quán đang làm việc nhiều lần với DN Việt Nam xuất khẩu ớt và các sản phẩm gia vị khác sang Malaysia nhưng quả ớt Việt Nam vừa rồi bị đình chỉ do dư lượng thuốc bảo vệ thực vật cao so với quy định chung. Hiện nay vấn đề này đã khắc phục được nhưng vẫn chưa có kết quả.

“Cơ hội xuất khẩu nông sản rau củ quả thủy hải sản Việt Nam đang tăng lên nhưng DN cần lưu ý vấn đề lừa đảo, vệ sinh ATTP, các quy định chứ không riêng vấn đề Halal. Đặc biệt, để tham gia xuất khẩu, xây dựng sự hiện diện lâu dài, DN cần có hệ thống phân phối, marketing phù hợp” - ông Thái nhấn mạnh.

Giá xăng Ron 95 tại Malaysia chỉ 13.000 đồng/lít.

Về xăng dầu, hiện nay tại Việt Nam giá xăng Ron 95 tăng lên 31.500 đồng/lít. Trong khi đó thời điểm này tại Malaysia giá xăng Ron 95 tương đối ổn định, khoảng 13.000 đồng/lít, do chính phủ trợ cấp giá xăng dầu… Điều này sẽ tác động đến đầu tư tại Việt Nam.

Vì vậy, để đảm bảo bình ổn giá xăng dầu và giúp đa dạng hóa thị trường cung ứng xăng dầu của Việt Nam trong những năm qua, Chính phủ Malaysia đồng ý xuất cho Việt Nam 300.000 lít xăng Ron95 với giá hữu nghị nhưng đến nay chưa triển khai được nhiều.

Malaysia là một đối tác lớn về xăng dầu và khí hóa lỏng, có tiềm năng lớn có thể giúp Việt Nam đa dạng hóa nguồn cung xăng dầu, góp phần cùng chính phủ bình ổn giá xăng, kiểm soát lạm phát…

Nếu DN quan tâm lĩnh vực này thì liên hệ Đại sứ quán và Thương vụ hỗ trợ giúp tìm kiếm kết nối đầu mối, cơ hội làm ăn kinh doanh nhập khẩu cũng như hợp tác.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm