Trong ba ngày liên tiếp, PV Pháp Luật TP.HCM đã nhận được điện thoại của một cụ bà ở Cà Mau với yêu cầu ghi âm lại tất cả lời nói của bà. Bà cụ vừa khóc vừa nói sẽ “chết chung” với lãnh đạo VKS ở Cà Mau nếu trong 10 ngày nữa gia đình bà vẫn không được nhận tiền bồi thường oan mà không có lý do chính đáng.
Hơn nửa năm chưa nhận được tiền bồi thường
Đó là bà Lê Kim Phụng (66 tuổi, ngụ xã Tân Thạnh, Giá Rai, Bạc Liêu, mẹ ruột anh Huỳnh Nhật Quang, người được giải oan hồi năm ngoái).
Như chúng tôi đã phản ánh, tháng 2-2013, anh Quang (33 tuổi) bị Công an TP Cà Mau khởi tố, bắt tạm giam để điều tra về tội chống người thi hành công vụ. Sau đó VKSND TP Cà Mau truy tố anh Quang về tội danh này. Tuy nhiên, trong năm 2015, hai cấp tòa sơ, phúc thẩm ở Cà Mau đều tuyên anh Quang không phạm tội.
Ngày 25-2-2016, VKSND TP Cà Mau đã có quyết định giải quyết bồi thường thiệt hại cho anh Quang với số tiền hơn 129 triệu đồng. Từ đó đến nay đã hơn nửa năm trôi qua nhưng anh Quang vẫn chưa nhận được tiền bồi thường.
Theo bà Phụng, gia đình cũng không nhận được câu trả lời từ VKSND TP Cà Mau là bao giờ sẽ được nhận số tiền đó, trong lúc đời sống đang khốn khó. “Do dính vào vụ án oan này, gia đình tôi suy sụp. Trước đây với cơ sở kinh doanh in và quảng cáo tại gia, chúng tôi kiếm được năm, sáu trăm ngàn đồng mỗi ngày, sống rất khỏe. Sau khi con tôi bị bắt, khách hàng mất hết. Hiện tại tôi và con tôi phải thường xuyên đi trốn các chủ nợ. Bây giờ chủ nợ không tin mẹ con tôi nữa, nói rằng tôi nói dóc, gạt người ta. Thậm chí họ nói tôi bịa chuyện được Nhà nước bồi thường oan trên trăm triệu đồng để gạt vay tiền họ. Nhục quá, khổ quá rồi, nhiều hôm không biết kiếm đâu ra tiền mua gạo” - bà Phụng bức xúc.
Bà Phụng cho biết đã phải thế chấp căn nhà để khất nợ. Mấy ngày qua, bà đến VKSND TP Cà Mau đòi tiền nhưng cũng như hàng chục lần trước đó, tiền thì chưa có mà bà cũng không được VKS trả lời bao giờ sẽ có.
Bà Lê Kim Phụng, xã Tân Thạnh, Giá Rai, Bạc Liêu, bức xúc trước việc con trai chậm được chi trả bồi thường. Ảnh: T.VŨ
Luật một đằng, thực tế một nẻo
Theo bà Phụng, Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2009 và Thông tư liên tịch số 05/2012 của VKSND Tối cao - TAND Tối cao - Bộ Công an - Bộ Tư pháp - Bộ Quốc phòng - Bộ Tài chính - Bộ NN&PTNT (hướng dẫn thực hiện trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động tố tụng hình sự) đều quy định cơ quan có trách nhiệm bồi thường chỉ có tối đa 40 ngày để chi trả tiền bồi thường thiệt hại cho người bị oan kể từ ngày quyết định giải quyết bồi thường có hiệu lực. Ở đây, đã hơn nửa năm trôi qua mà VKSND TP Cà Mau vẫn chưa chi trả tiền bồi thường là trái luật.
Chúng tôi đã trấn an bà Phụng và liên hệ với VKSND TP Cà Mau, VKSND tỉnh Cà Mau để tìm hiểu sự việc. Ngày 23-8, trao đổi với chúng tôi, đại diện hai cơ quan này đều thừa nhận pháp luật hiện hành quy định về thời hạn chi trả tiền bồi thường đúng như bà Phụng đã viện dẫn. Tuy nhiên, trên thực tế, quy trình chi trả bồi thường còn rất nhiêu khê nên hai cơ quan này đều chưa biết bao giờ sẽ được cấp kinh phí để chi trả cho anh Quang.
Ông Trần Văn Hùng (Viện trưởng VKSND TP Cà Mau) cho biết đã chuyển toàn bộ hồ sơ đề nghị cấp kinh phí bồi thường về VKSND tỉnh Cà Mau đúng quy trình và thời gian. Bây giờ, ông không trả lời được là bao giờ anh Quang sẽ nhận được tiền vì phụ thuộc vào VKS cấp trên.
Trong khi đó, ông Đàm Hoàng Vũ (Viện trưởng VKSND tỉnh Cà Mau) cho biết đã chuyển hồ sơ đề nghị cấp kinh phí bồi thường cho các cơ quan liên quan ở trung ương và Bộ Tài chính. Do phụ thuộc vào việc phê duyệt cấp phát kinh phí bồi thường từ các cơ quan này nên VKS tỉnh cũng chưa trả lời được là bao giờ anh Quang sẽ được nhận tiền.
Trước mắt, trong khi chờ cơ quan chức năng cấp phát kinh phí bồi thường, ông Trần Văn Hùng cho biết VKSND TP Cà Mau sẽ tổ chức xin lỗi công khai anh Quang tại địa phương trước ngày 2-9.
Chúng tôi sẽ tiếp tục thông tin khi vụ việc có diễn tiến mới.
Chậm chi trả bồi thường, vì sao? Như Pháp Luật TP.HCM từng phản ánh, theo số liệu của Bộ Tư pháp, trong sáu năm thi hành Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2009, các cơ quan chức năng đã thụ lý, giải quyết 258 vụ yêu cầu đòi bồi thường, đã giải quyết xong 204 vụ nhưng số vụ chi trả xong chỉ là 142. Tổng số tiền phải chi trả là hơn 111 tỉ đồng nhưng số tiền đến tay người được bồi thường chỉ mới có 49 tỉ đồng. Điều đáng nói là hầu hết các vụ được Nhà nước bồi thường đều gặp phải sự chậm trễ trong việc chi trả tiền bồi thường. Đã có trường hợp người dân bức xúc nộp đơn khởi kiện cơ quan có trách nhiệm bồi thường như ông Nguyễn Thanh Cần ở tỉnh Tây Ninh. Theo quy định hiện hành, đối với trường hợp cơ quan có trách nhiệm bồi thường là cơ quan ngang cấp (các sở thuộc UBND tỉnh hay UBND huyện, UBND xã…) thì thời gian tối đa kể từ khi bản án, quyết định giải quyết bồi thường có hiệu lực pháp luật đến ngày chi trả bồi thường là 20 ngày làm việc (không tính thời gian sửa đổi, bổ sung hồ sơ). Trường hợp hồ sơ chưa hợp lệ cần sửa đổi, bổ sung thì thời gian tối đa để chi trả cũng không vượt quá 35 ngày. Với trường hợp cơ quan có trách nhiệm bồi thường là cơ quan ngành dọc, thời gian tối đa kể từ ngày bản án, quyết định giải quyết bồi thường có hiệu lực đến khi chi trả là 25 ngày làm việc (trường hợp hồ sơ đề nghị cấp kinh phí bồi thường đã hợp lệ) và 40 ngày làm việc (trường hợp hồ sơ đề nghị cấp kinh phí bồi thường chưa hợp lệ). Vậy vì sao lại có chuyện chậm chi trả tiền bồi thường cho dân? Lãnh đạo Cục Bồi thường Nhà nước (Bộ Tư pháp) lý giải là do quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục chi trả bồi thường chưa hợp lý, chẳng hạn luật quy định thời gian năm ngày làm việc để cơ quan quản lý cấp trên thẩm định hồ sơ đề nghị cấp kinh phí là quá ngắn… Một đại diện của Bộ Tài chính cho rằng việc cấp phát kinh phí phải trải qua nhiều cơ quan xem xét, thẩm định và phê duyệt nên không bảo đảm thời hạn quy định. Rõ ràng đây là một bất cập lớn mà dự án Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (sửa đổi) phải có hướng giải quyết phù hợp. Oan án của anh Quang Tháng 2-2013, anh Quang cùng nhóm bạn đi chơi, đến xã Tắc Vân (TP Cà Mau), do một người bạn của anh Quang không đội nón bảo hiểm nên bị tổ công tác của công an xã chặn xét giấy tờ. Anh Quang thấy có người quen là ông Dương Chí Dũng (Phó Trưởng Công an xã Tắc Vân) nên đến xin tha cho bạn. Ông Dũng không đồng ý thì anh Quang cằn nhằn. Sau khi tổ công tác bỏ đi, anh Quang chửi đổng một câu, bị một dân phòng còn ở lại nghe được nên gọi điện thoại báo ông Dũng là anh Quang chửi công an. Ông Dũng và tổ công tác quay lại xét giấy tờ anh Quang. Anh Quang cự lại nên xảy ra xô xát. Sau đó, anh bị áp giải về trụ sở công an xã. Tại đây, anh bị còng hai tay, bị ông Dũng dùng súng đạn cao su bắn gây thương tích ở má phải. Anh Quang được đưa đi cấp cứu, sau đó bị khởi tố, bắt tạm giam gần một tháng, truy tố về tội chống người thi hành công vụ. Tuy nhiên, theo tòa án hai cấp ở Cà Mau, việc tổ công tác Công an xã Tắc Vân quay lại xét giấy tờ anh Quang không phải là hành vi công vụ nên anh không phạm tội này. |