Con đường thiên lý của nước Việt

Giao thông đường bộ luôn đóng vai trò quan trọng trong việc vận chuyển, đi lại của một đất nước. Tài liệu lịch sử cho biết ít nhất từ đầu Công nguyên, cách đây 2.000 năm dưới thời phương Bắc đô hộ, tổ tiên Giao Chỉ ta đã có một con đường bộ lớn nối liền từ biên giới phía Bắc xuống tận Nghệ An, Hà Tĩnh ở phía Nam. Đây chính là con đường từ Hữu Nghị quan băng qua Long Biên (Quế Võ, Từ Sơn, Bắc Ninh ngày nay) rồi đi về Nam, xuống đến Thanh Hóa, trung tâm quận Cửu Chân dưới thời nhà Hán đô hộ.

Đường thiên lý xưa

Con đường tiếp tục xuôi xuống Nghệ An, dưới thời nhà Hán gọi là huyện Hàm Hoan, và Đức Thọ, Hà Tĩnh (thời nhà Hán thuộc huyện Cửu Đức) qua những đoạn hiểm trở, hoang vu, ít người qua lại. Sách Thủy kinh chú sớ soạn vào thế kỷ thứ 6 sau Công nguyên của Dương Đạo Nguyên(*) có chép: “Sang đò Cố Huyện đến huyện Hàm Hoan. Hàm Hoan thuộc quận Cửu Chân, Hàm Hoan trở về nam, hươu hoẵng đầy đồi núi, tiếng hú gọi bạn, tiếng kêu cảnh giới, u vang đồng nội, chim công bay lượn, che phủ núi trời. Qua đò Trị Khẩu là đến Cửu Đức(**).

Đây chính là con đường bộ xuyên trục Bắc Nam dài nhất của nước ta từ thời xa xưa, kéo dài cả ngàn dặm (mỗi dặm xưa khoảng 0,5 km ngày nay, nên về sau còn được gọi là đường thiên lý. Tuy nhiên, do con đường chủ yếu dành cho quan lại, ít khi dân chúng sử dụng, cho nên đường thiên lý còn gọi là đường cái quan (tức đường lớn của các quan đi).

Đến đời vua Lý Thái Tông (1028-1054), con đường được triều đình củng cố và phát triển để phục vụ cho việc vận chuyển công văn, tài liệu quan trọng và trạm dừng chân của quan lại triều đình. Mỗi tuyến đường chia ra làm nhiều cung, mỗi cung có nhiều trạm, mỗi trạm cách nhau khoảng 15 đến 20 km. Tại mỗi trạm có khoảng 20 đến 50 lính và một số ngựa. Theo quy định, người lính trạm cưỡi ngựa mang công văn với dấu “hỏa tốc” được ưu tiên trên đường, mọi xe cộ hay người đi phải lánh vào lề nhường bước. Khi có giặc giã hay quân thù xâm lấn, các trạm phát tín hiệu bằng lửa, chỉ trong vòng không quá vài giờ tại kinh đô nhà vua sẽ biết được tình hình.

Đến năm 1402 thời nhà Hồ, vua Hồ Hán Thương cho sửa sang lại con đường thiên lý từ kinh đô Thanh Hóa đến Huế. Như vậy đến thế kỷ 15, con đường thiên lý đã kéo dài từ Lạng Sơn vào đến Huế. Sau khi vua Lê Thánh Tôn mang quân đánh bại Chiêm Thành vào năm 1471, đất Đại Việt kéo dài đến núi Thạch Bia ở Phú Yên. Bấy giờ, con đường thiên lý của dân tộc Việt hòa vào hệ thống đường bộ dọc biển trước đó của người Chiêm Thành đến địa phận Phú Yên.

Con đường theo bước chân mở đất

Mỗi khi biên cương đất nước mở rộng về phương Nam, con đường thiên lý lại tiếp tục nối dài. Khi Nguyễn Hữu Cảnh mang quân vào Nam mở phủ Gia Định vào năm 1698, sau đó dần dần sáp nhập Hà Tiên và cả vùng đất Nam Bộ ngày nay vào năm 1757, đường thiên lý cũng xuôi vào Nam đến tận Sài Gòn. Để nối Sài Gòn với Mô Xoài, năm 1748 Điều khiển Nguyễn Phước Doãn cho chăng dây mở thẳng đường từ cửa Cấn Chỉ thành Bát Quái đến bến đò Bình Đồng dài 17 dặm, giáp địa giới Biên Hòa, đặt trạm Bình Đồng, đi về phía bắc qua núi Châu Thới đến bến đò Bình Tiên, rồi qua bến Sa Giang (Rạch Cát) theo đường sứ đến Đồng Môn thuộc Mô Xoài (Bà Rịa). Bấy giờ đường thiên lý từ Sài Gòn còn kéo đến tận Nam Vang (Chân Lạp).

Đến năm 1815, vua Gia Long lệnh cho Lê Văn Duyệt sai dân phu sửa sang con đường này lần nữa, bắt đầu từ cửa Đoài Duyệt ở phía tây thành Bát Quái, qua cầu Tham Lương, qua bến đò Thị Sưu, qua đầm Lão Đồng, giáp ngã ba đường sứ đến Khê Lăng (nay là thành phố Tây Ninh) đến đất Kha Pha (tức Campuchia ngày nay). Con đường này đi ngang qua đất Tây Ninh, có nhiều đoạn trên đường Cống Sứ xưa (nay là tỉnh lộ 781).

Để đi xuống miền Tây chằng chịt sông nước, năm 1792 Nguyễn Ánh cho đắp đường từ Sài Gòn xuống Mỹ Tho, băng ngang qua Thủ Đoàn (nay là Thủ Thừa, Long An), giồng Cai Yến, giồng Tha La, giồng Kỳ Lân, giồng Cai Lữ, giồng Cai Lễ, Thủ Triệu, Cái Thia (Mỹ Tho). Rồi từ Mỹ Tho cho đắp con đường qua giồng Kiến Định và bắc cầu Quỳ Tông. Bấy giờ chưa có kỹ thuật làm cầu, muốn qua sông phải đi bằng đò. Tại các bến đò có người phục vụ ưu tiên được miễn sưu thuế của triều đình.

Năm 1809, vua Gia Long cho đại tu đường cái quan từ Quảng Nam vào đến Bình Thuận. Đến năm 1835, sau khi dẹp xong vụ khởi loạn Lê Văn Khôi ở thành Phiên An và sáp nhập Chân Lạp vào Đại Nam (Trấn Tây), vua Minh Mạng lại ra lệnh sửa sang, đắp lại con đường thiên lý từ Bắc vào Nam, nhất là từ đoạn Huế-Gia Định-Nam Vang.

Đến thời Pháp cai trị, con đường thiên lý vẫn được sử dụng và được người Pháp áp dụng nhiều thành tựu kỹ thuật phương Tây trong việc xây dựng, chỉnh sửa. Đầu thế kỷ 20, xe auto xuất hiện ở Đông Dương. Pháp bắt đầu tập trung hoàn thiện con đường xuyên Đông Dương từ Bắc vào Nam bằng đường bộ dựa theo trục đường thiên lý cũ. Từ năm 1913, mỗi năm chính quyền Đông Dương chi ngân sách rất lớn để cải tạo và gia cố con đường này. Nền đường đào đắp là 6 m, hai bên có lề để xe quay đầu, độ dốc không quá 6%. Phần lớn các cầu đều bằng bê tông cốt thép. Tuy vậy chỉ có một số đoạn gần biên giới và thành phố được rải đá và tráng nhựa, phần lớn các đoạn đường ngoại ô vẫn là đường bằng đất đắp cao, nện cứng giống đường mòn xưa.

Đường thiên lý từ đây được gọi là đường thuộc địa (route coloniale) số 1 xuyên suốt từ Hữu Nghị quan ở Lạng Sơn, biên giới với Trung Quốc, ngang qua Hà Nội, vô Huế, vào Sài Gòn rồi sang cả Nam Vang (Cambodia) qua ngã Tây Ninh.

Con đường của vận mệnh quốc gia

Dưới thời phong kiến, đường thiên lý chủ yếu phục vụ cho quan quân triều đình bởi khả năng chuyển vận của nó không bằng đường thủy. Thêm nữa, đường đi qua nhiều đoạn rừng rú, đồi núi, nhiều hiểm nguy rình rập bởi cướp bóc và thú dữ.

Đường thiên lý khi đó chỉ đóng vai trò quan trọng trong việc vận chuyển công văn của triều đình đến các tỉnh, thành, vùng biên ải, nhanh hơn rất nhiều lần so với vận chuyển bằng đường thủy. Xem sách Đại Nam thc lc, chúng ta hiểu được giá trị bưu vận của con đường này. Khi quan quân nhà Nguyễn đang đánh nhau với quân Xiêm La và Chân Lạp ở Nam Vang nhưng mọi quyết định quan trọng về việc đánh hay nghị hòa với Xiêm La đều do vua Minh Mạng ở Huế cách đó hơn ngàn dặm quyết định. Bấy giờ các tướng chỉ huy như Trương Minh Giảng, Nguyễn Tri Phương… trước các chiến dịch lớn đều gửi tấu về triều đình Huế. Vua Minh Mạng xem qua rồi mời các quan đại thần đến hỏi ý kiến. Chỉ không quá 10 ngày từ khi gửi tấu về triều đình, các tướng ngoài trận đã nhận được lệnh của vua ban.

Đến khi người Pháp đô hộ Việt Nam, vai trò chuyển vận thông tin nhanh của các trạm trên đường thiên lý không còn nữa do người Pháp biết sử dụng đường cáp điện thoại, điện tín và mật mã morse. Tuy nhiên, việc vận chuyển công văn, thư từ dân sự vẫn còn. Mãi cho đến khi có xe hơi xuất hiện đầu thế kỷ 20 thì Pháp mới bắt đầu trùng tu và sửa chữa, nâng cấp đường để phục vụ thêm việc đi lại của giới nhà giàu, công chức và vận chuyển hàng hóa. Từ đấy vai trò vận chuyển con người, hàng hóa của đường thiên lý ngày càng phát triển và từng bước thay thế dần vai trò số một của đường thủy vốn đã sử dụng hàng ngàn năm trước đó.

Con đường thiên lý trong cảm xúc ngày xuân

Trải qua hàng ngàn năm xây dựng, con đường thiên lý được liên tục trùng tu, gia cố và nối dài theo tiến trình lịch sử của dân tộc Việt. Con đường càng dài, đất nước càng to lớn; con đường càng đẹp, đất nước càng phồn vinh. Trên chặng đường ngàn dặm băng qua nhiều thành phố, làng mạc, đồi núi, đồng bằng, con đường đã chứng kiến biết bao sự kiện lịch sử thăng trầm của đất nước. Có những phút hoan ca như đoàn binh của Lê Hoàn, vua Lê Thánh Tôn khi trở về Thăng Long sau khi bình định Chiêm Thành và cũng có những phút đau thương, trầm buồn khi những đoàn quân viễn chinh xâm lược đi qua.

Viết về con đường thiên lý cũng là viết về vận mệnh và chặng đường phát triển gian lao của đất nước Việt Nam. Con đường thiên lý không chỉ là con đường vật chất để chuyển tải bao gót chân thấm đẫm mồ hôi và máu của những người con Việt trên chặng đường dựng và mở nước mà là con đường thiêng liêng, là hồn thiêng sông núi, mở ra cơ hội lớn cho đất nước Việt Nam. Đây là một hành trình mới đòi hỏi một tư duy thống nhất mang tính chiến lược của những bộ não biết dũng cảm nhận thức đúng chân lý phát triển và biết hy sinh vì lợi ích quốc gia có 4.000 năm văn hiến.

Đất nước đang cải cách mạnh mẽ để phát triển. Khi đất nước phát triển, đời sống vật chất được nâng cao, cơ sở hạ tầng, đường sá được xây mới phủ khắp đất nước. Khi đó con đường thiên lý xưa cùng những xa lộ hiện đại, tối tân khác không chỉ mang sứ mạng mở mang bờ cõi mà nay sẽ tiếp tục làm mạch máu lưu thông của đất nước, đưa đất nước vươn lên tầm cao mới của kỷ nguyên độc lập và phồn vinh!

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới